Xu hướng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Phú Thọ

09:00 31/01/2023

Để bắt nhịp kịp thời với xu hướng chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã vượt qua khó khăn, tự tin bước vào năm mới với những thách thức và cơ hội mới đang mở ra.

Viện Quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam trao biểu trưng gói tài trợ chuyển đổi số cho Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh.
Viện Quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam trao gói tài trợ chuyển đổi số cho Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh. 

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Con đường dẫn lối thành công, thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp là không ngừng tối ưu số hóa vào điều hành sản xuất, kinh doanh. Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tạo sự bứt phá, rút ngắn khoảng cách với các doanh nghiệp trên thế giới.

Năm 2022, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và tình hình kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp thích ứng để phát triển. Nhờ vậy, năm 2022 toàn tỉnh vẫn có gần 7.200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, chuyển đổi số giúp nhiều doanh nghiệp duy trì các đơn hàng, giải quyết việc làm cho người lao động.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đã tích cực ứng dụng số hóa trong quản lý doanh nghiệp. Ông Tạ Hùng Sinh - Giám đốc Công ty CP TaKao Việt Nam tại Khu công nghiệp Trung Hà cho biết: “Để doanh nghiệp vững vàng trong gian khó, chúng tôi xác định cần áp dụng công nghệ 4.0. Công ty đã sử dụng phần mềm ứng dụng quản lý doanh nghiệp trên môi trường số rất thuận tiện cho hoạt động của doanh nghiệp trong tình hình hiện nay. Vì vậy, doanh nghiệp vẫn nắm bắt được cơ hội, mở rộng sản xuất, kinh doanh”.

Cũng nhờ vào chuyển đổi số, ông Phạm Hữu Vũ - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP gạch men TASA, Khu công nghiệp Thụy Vân chia sẻ: “Nhằm khắc phục khó khăn, Công ty tăng cường đầu tư thiết bị, công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm để mở rộng thị trường không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu, đồng thời chú trọng các biện pháp đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Do đó, năm 2022, Công ty đã sản xuất, tiêu thụ được hơn 20 triệu m2 gạch lát, doanh thu hơn 1.800 tỉ đồng, nộp ngân sách 52 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho trên 1.200 lao động”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chuyển đổi số của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay còn nhiều khó khăn. Để thích nghi với nền kinh tế số, doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi số và quá trình này không chỉ diễn ra trong một sớm, một chiều cũng như đi kèm với nó là số kinh phí đầu tư không hề nhỏ. Tuy nhiên, nếu vượt qua được thách thức này thì thành quả đem lại rất lớn.

Ông Đàm Đắc Tiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Phú Thọ cho biết: “Nhiều doanh nghiệp mong muốn chuyển đổi số nhưng còn thiếu vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao, vì vậy rất cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp, nhằm ứng dụng công nghệ trong hoạt động của Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nói chung và hỗ trợ quản trị các hoạt động kinh doanh, truyền thông, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp hội viên nói riêng, Tập đoàn Kim Nam đã phối hợp với Văn phòng Hiệp hội hoàn thiện phần mềm quản trị hoạt động Hiệp hội. Từ đó, tạo thuận lợi để Hiệp hội phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp, đồng thời tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Hiệp hội đã kết nối với Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam, giao cho Trung tâm chuyển đổi số Kim Nam Phú Thọ làm đầu mối để phối hợp triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi số một cách sâu rộng tới các doanh nghiệp hội viên”.

P.V