Phú Thọ: Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt II năm 2022

09:10 29/10/2022

Vừa qua, tại xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ), Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đã tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt II năm 2022.

Thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh kiểm tra cơ sở sản xuất Mật ong hoa hồng Phúc An của Công ty TNHH Phúc An House
Thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh kiểm tra cơ sở sản xuất Mật ong hoa hồng Phúc An của Công ty TNHH Phúc An House.

Trong đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm đợt II năm 2022 có 44 sản phẩm của 31 chủ thể thuộc 12 huyện, thành, thị tham gia. Các sản phẩm thuộc các nhóm gồm: Sản phẩm tươi sống có năm sản phẩm; thực phẩm chế biến có 11 sản phẩm; thực phẩm thô, sơ chế có bốn sản phẩm; chè có 15 sản phẩm; đồ uống có cồn; thủ công mỹ nghệ trang trí có bốn sản phẩm và dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm du lịch có hai sản phẩm.

Kết quả, Hội đồng thẩm định đánh giá, phân hạng sản phẩm đã nhất trí công nhận có bảy sản phẩm, nhóm sản phẩm được phân hạng 4 sao (có hai sản phẩm nâng hạng) và bảy sản phẩm, nhóm sản phẩm được phân hạng 3 sao.

cơ sở sản xuất sản phẩm thịt chua sạch Hongchi Foods của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Hongchi Foods
cơ sở sản xuất sản phẩm thịt chua sạch Hongchi Foods của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Hongchi Foods.

Đợt II đánh giá phân hạng sản phẩm được chia làm hai lần, lần thứ nhất đánh giá gồm 14 sản phẩm, nhóm sản phẩm của 10 chủ thể thuộc ba huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập. So với những đợt đánh giá trước, các sản phẩm tham gia lần này có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư bài bản về tem nhãn, bao bì, hồ sơ, câu chuyện sản phẩm, thông tin về an toàn vệ sinh thực phẩm, mã QR… tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng kiểm tra và truy xuất nguồn gốc.

Đồng thời, nhiều sản phẩm đã được các chủ thể quan tâm đẩy mạnh tiêu thụ trên các trang thương mại điện tử hoặc Webside, mạng xã hội… bên cạnh kênh tiêu thụ truyền thống. Từ đó, tạo cơ hội mở rộng thị trường ra ngoại tỉnh và tiếp cận đông đảo các đối tượng khách hàng. Các sản phẩm đều đạt các quy định về chất lượng, tính độc đáo và đặc thù của địa phương.

Việc các sản phẩm trên được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ góp phần phát triển kinh tế nông thôn bên cạnh nghề nông tạo thu nhập ổn định và bền vững cho người dân nông thôn.

P.V