Phú Thọ: Chuẩn hóa sản phẩm từ các mô hình hợp tác xã trên địa bàn tỉnh

19:04 30/06/2023

Tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy các HTX phát triển, nâng cao doanh thu, lợi nhuận và tiếp cận với sản xuất quy mô lớn.

Bưởi Bằng Luân của HTX dịch vụ sản xuất và kinh doanh bưởi đặc sản Bằng Luân, huyện Đoan Hùng đạt tiêu chuẩn OCOP bốn sao
Bưởi Bằng Luân của HTX dịch vụ sản xuất và kinh doanh bưởi đặc sản Bằng Luân, huyện Đoan Hùng đạt tiêu chuẩn OCOP bốn sao.

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh có 75 HTX đã triển khai sản xuất theo chuỗi giá trị, 162 HTX có sản phẩm hàng hóa. Trong số 139 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, khu vực kinh tế tập thể, HTX có 46 HTX, ba tổ hợp tác có sản phẩm OCOP với 83 sản phẩm được công nhận.

Cùng với phát triển sản phẩm mới, thời gian qua, các HTX cũng chủ động hoàn thiện, nâng hạng sao cho sản phẩm đã đạt OCOP; sử dụng các ứng dụng mạng xã hội để thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, nhiều sản phẩm của HTX đã và đang được phân phối tại hệ thống các siêu thị, nhà hàng, cơ sở kinh doanh trong, ngoài tỉnh.

HTX sản xuất và chế biến chè Đá Hen, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê có sản phẩm chè Đá Hen hảo hạng đạt OCOP hạng bốn sao. Ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình OCOP nên HTX đã chuyển đổi phương thức sản xuất, chế biến sản phẩm theo quy chuẩn OCOP trên cơ sở phát triển có chọn lọc từ những sản phẩm chủ lực của mình. HTX đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất; hướng các thành viên đến sản xuất an toàn, chất lượng. Đồng thời chúng tôi cũng chú trọng đến bao bì, mẫu mã và quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các siêu thị, cửa hàng, hội chợ, sàn thương mại điện tử.

Việc triển khai Chương trình OCOP đã tạo thêm động lực cho các HTX mạnh dạn đầu tư phát triển các sản phẩm có lợi thế, từng bước nâng cao chất lượng và đáp ứng tiêu chuẩn nhiều thị trường khác nhau gắn với hình thành, phát triển các hình thức sản xuất phù hợp. Từ Chương trình OCOP, nhiều HTX đã phát huy nội lực, đổi mới cả về chất và lượng, khẳng định vai trò, ý nghĩa của kinh tế tập thể.

Xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập từ lâu đã nổi tiếng với giống lúa nếp Gà Gáy đặc sản. Với diện tích gieo trồng của cả xã 100ha/năm, Ông Khúc Ngọc Tung - Giám đốc HTX cho biết: “HTX xây dựng quy trình sản xuất, ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với người dân, sản lượng tiêu thụ khoảng 130 tấn/năm. Gạo nếp Gà Gáy được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng bốn sao, để sản phẩm thuận lợi trong tiêu thụ ở các kênh phân phối hiện đại, HTX chú trọng xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, khai thác và quản lý tốt nhãn hiệu tập thể, mã số, mã vạch”.

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như: Định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm...

Thời gian tới, để các HTX phát triển, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa sản phẩm OCOP, các sở, ngành và các huyện, thành, thị cần tiếp tục quan tâm đào tạo, tập huấn cho các chủ thể, các HTX về đăng ký ý tưởng sản phẩm, xây dựng phương án kinh doanh, triển khai kế hoạch kinh doanh; phương pháp phát triển cải tiến, đổi mới sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; kiến thức về sở hữu trí tuệ; tăng cường sử dụng, khai thác thương hiệu cộng đồng các sản phẩm.

P.V