Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm việc tại Quảng Ngãi

21:21 05/04/2023

Ngày 5-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương cùng đoàn công tác làm việc với Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về tình hình hoạt động của DQS kể từ khi bàn giao cho PVN. Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất thành lập ngày 20/2/2006, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Công ty hoạt động với ngành nghề kinh doanh chính là đóng mới và sửa chữa tàu thủy, thiết bị và phương tiện nổi. Vốn điều lệ đăng ký 3.758 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm việc với các bộ, ngành, cơ quan về phương án xử lý đối với Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm việc với các bộ, ngành, cơ quan về phương án xử lý những tồn tại đối với Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.

Theo đó, ngày 30-6-2010, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã tiếp nhận Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashine) và triển khai tái cơ cấu công ty này.

Từ ngày 1/7/2010, DQS được chuyển giao từ Vinashin sang PVN theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thời điểm này, số lao động của DQS là 2.340 người. Do công tác sản xuất, kinh doanh bị đình trệ nên việc làm và đời sống của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tất cả 15 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 9.900 tỷ đồng đều bị tạm dừng, do công ty không có khả năng thu xếp và cân đối vốn. Đến ngày 20/6/2010, DQS lỗ khoảng 3.800 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 7.440 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ 2010 đến nay, số lượng tàu được Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất sửa chữa, đóng mới, hoán cải là 182 dự án, tổng doanh thu trên 8.000 tỷ đồng và hiện công ty đang lỗ hơn 2.600 tỷ đồng do giai đoạn trước bàn giao để lại. Do đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tính toán các phương án: Chuyển đổi định giá bán đấu giá tài sản; phương án phá sản; tiếp tục tái cơ cấu hoặc thành lập đơn vị mới trên cơ sở chuyển những tài sản, nhân lực của Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất sang và thanh lý những tồn tại.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh mong muốn các cơ quan liên quan giải quyết vấn đề của Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất càng sớm càng tốt, không để tồn tại kéo dài. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, phương án khả thi nhất là duy trì hoạt động của công ty theo hướng tái cơ cấu, giữ chân các lao động chất lượng cao, vì sự phát triển của công nghiệp đóng tàu, định hướng phát triển kinh tế biển, kinh tế vùng trong tương lai.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khảo sát trên công trường Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khảo sát tại Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhận định, tình hình tài chính mất cân đối của DQS đã diễn ra trong nhiều năm qua. Sau khi nhận chuyển giao DQS từ Vinashin, PVN đã nỗ lực vực dậy hoạt động của công ty. Chính phủ cũng đã tích cực chỉ đạo tháo gỡ khó khăn nhưng DQS vẫn không hoạt động như mục tiêu đề ra. Các ý kiến tại buổi làm việc đã nêu rõ những mặt được và chưa được của các phương án giải quyết DQS.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, sau buổi làm việc này, PVN, Ủy ban quản lý vốn tiếp thu các ý kiến trách nhiệm, xác đáng của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và UBND tỉnh Quảng Ngãi, hoàn thiện phương án xử lý DQS trình Thủ tướng Chính phủ thông qua để báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 6/2023. Yêu cầu đặt ra là báo cáo phải đảm bảo trung thực, khách quan, trình bày cụ thể phương án khả thi và tối ưu, bám sát theo chỉ đạo của Chính phủ tại Đề án 1468.

Bên cạnh đó các bộ, ngành trung ương phải phối hợp thật tốt, hỗ trợ tích cực PVN và có trách nhiệm giải quyết, thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc xử lý dứt điểm DQS theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Những vướng mắc liên quan đến các thiết bị, tài sản cũng như đội ngũ lao động, đất đai liên quan cũng phải được giải quyết triệt để và công khai, minh bạch.

 Trọng Tâm