Phát triển thương hiệu mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp

11:41 23/07/2022

“Made in Vietnam” là xuất xứ sản phẩm còn khá non trẻ trên trường quốc tế mặc dù Việt Nam đã tham gia nhiều tổ chức thương mại và hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có người Việt sinh sống. Chỉ vài thập kỷ trở lại đây việc phát triển thương hiệu này mới thu hút được sự quan tâm của công chúng trong nước.

Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) từng chia sẻ, mặc dù đã trải qua hơn 17 năm triển khai chương trình Thương hiệu quốc gia và cũng gặt hái nhiều thành tích đáng kể nhưng đâu đó các doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được rõ ràng vai trò của thương hiệu quốc gia.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

“Cách định vị thương hiệu sản phẩm chưa đúng khiến nhiều giao dịch chúng ta chưa đánh đã thua, nhiều sản phẩm muốn ra biển lớn phải chịu đứng danh dưới tên của thương hiệu khác, đất nước khác”, ông Hoàng Minh Chiến bày tỏ.

Còn ông Nguyễn Xuân Phú- Chủ tịch Hội đồng Quản Trị Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse đưa ra ví dụ cụ thể, một đôi giày sản xuất ở Việt Nam người dân chỉ nhận được 3-5% giá trị, 70% nằm ở chi phí lưu thông; thuế nhà nước thu được 7-10%; giá trị thương hiệu 10-15%.

Như vậy, với sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia được sản xuất tại Việt Nam, người Việt chỉ được nhận từ 3-5% giá trị “Made in Vietnam.” Các giá trị khác đều quay về với quốc gia mà thương hiệu đó đăng ký.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã mất nhiều lợi thế, cơ hội do thương hiệu sản phẩm còn non trẻ, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ họ được mời tiêu thụ tại thị trường nước sở tại nhưng đặt ra yêu cầu phải “rửa nguồn” do xuất xứ Made in Vietnam chưa gây được tiếng vang, hiệu ứng mạnh với người tiêu dùng.

Theo Cục Xúc tiến thương mại, khi các doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng thương hiệu lớn mạnh, có vị trí và chỗ đứng trên thị trường quốc tế thì lợi thế từ thương hiệu sẽ mang đến công bằng trong tranh chấp thương mại quốc tế.

Do đó, ý thức được lợi thế từ thương hiệu, nhiều công ty Việt Nam cũng đang nâng cao giá trị thương hiệu trong bảng xếp hạng toàn cầu để thương hiệu quốc gia và thương hiệu doanh nghiệp có chung tiếng nói.

Việc xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp phải được truyền thông sâu rộng hơn nữa để mỗi người dân ý thức được việc xây dựng thương hiệu không phải là việc của riêng cá nhân, doanh nghiệp nào và khẳng định nông dân, công nhân, thương nhân, doanh nghiệp đều là chủ thể hưởng thụ của thương hiệu quốc gia./.