Phạt 12 chủ đầu tư sai phạm trong sử dụng phí bảo trì chung cư

23:46 24/04/2023

Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành Kết luận thanh tra đối với 5 địa phương, trong đó có nhiều sai phạm liên quan đến công tác quản lý, sử dụng phí bảo trì chung cư.

Tại buổi Họp báo quý I/2023 của Bộ Xây dựng chiều 24/4, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, căn cứ quyết định thanh tra năm 2023 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt về việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh BĐS, thực hiện xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn 7 tỉnh, TP: Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang.

Đến thời điểm này, Thanh tra Bộ Xây dựng đã hoàn thành và ban hành Kết luận thanh tra đối với 5 địa phương, trong đó có nhiều sai phạm liên quan đến công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư (2%).

Phạt 12 chủ đầu tư sai phạm trong sử dụng phí bảo trì chung cư
Phạt 12 chủ đầu tư sai phạm trong sử dụng phí bảo trì chung cư.

“Qua tranh tra đối với 19 chủ đầu tư, nhà đầu tư và Ban quản trị nhà chung cư. Thanh tra Bộ đã hướng dẫn, chỉ ra nhiều vi phạm, tồn tại; đề nghị UBND các cấp tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư. Thanh tra Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 12/19 chủ đầu tư số tiền 13,3 tỷ đồng (trung bình 1,1 tỷ đồng/ chủ đầu tư)” – ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói.

Cũng theo đại diện lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng, sau khi tiến hành lập biên bản xử phạt đối với những sai phạm, Thanh tra Bộ cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải thực hiện một số công việc: Khi đủ điều kiện theo quy định thì phải tổ chức hoặc đề nghị UBND cấp xã tổ chứchội nghị nhà chung cư lần đầu; Thống nhất với Ban quản trị về phần diện tích, thiết bị thuộc sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở để bàn giao quỹ bảo trì chung cư; Bàn giao đầy đủ hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị...

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng buộc 10/12 chủ đầu tư phải mở và gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì số tiền 254,1 tỷ đồng (trung bình 25,4 tỷ đồng/chủ đầu tư);

Buộc 6 chủ đầu tư quyết toán và bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị số tiền 513,8 tỷ đồng, trung bình đã chuyển 85,6 tỷ đồng/ ban quản trị (bao gồm cả % phần diện tích chủ đầu tư giữ lại). Đồng thời kiến nghị kiểm điểm đối với 19 tập thể 14 cá nhân để xảy ra vi phạm, tồn tại.

Theo báo cáo, tại TP.HCM hiện có 1.635 chung cư, gồm 744 chung cư xây trước năm 1994 và 891 chung cư xây từ năm 1994 đến nay. Trong đó có 1.059 chung cư phải thành lập ban quản trị, nhưng đến nay mới chỉ có 862 chung cư có ban quản trị.

Trong số các chung cư chưa có ban quản trị, có 41 chung cư đã tổ chức hội nghị nhà chung cư nhưng chưa thành lập được ban quản trị và 197 chung cư chưa thành lập được ban quản trị. 

Nguyên nhân do các chung cư này là chung cư cũ, thấp tầng, số lượng căn hộ ít nên chỉ hoạt động theo mô hình tự quản. Số khác do chủ đầu tư chậm tổ chức hoặc tổ chức hội nghị lần đầu nhưng không thành công.

Về kinh phí bảo trì, hiện đã có 401 nhà chung cư đã bàn giao kinh phí bảo trì và 227 chung cư chưa bàn giao kinh phí. 

Trong số đó, có 43 chung cư đang tranh chấp kinh phí bảo trì vì chủ đầu tư cố tình không bàn giao, chậm bàn giao, bàn giao không đầy đủ hoặc cố tình né tránh, chiếm dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, không bàn giao cho ban quản trị theo quy định.

P.V (t/h)