
Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, nhưng cần có quy định cụ thể về việc Nhà nước có quyền tổ chức thực hiện di dời, phá dỡ, cải tạo nhà chung cư không còn an toàn.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, chiều 17/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đây là một dự án luật lớn được dư luận Nhân dân, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, cũng là một luật có nội dung phức tạp, liên quan nhiều đến các luật khác như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ luật Dân sự; liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người dân, tác động đến chỗ ở và chính sách an sinh xã hội và thông qua đó cũng tác động rất mạnh đến chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước.
Theo hồ sơ dự án luật Chính phủ trình thì dự thảo Luật gồm có 13 chương với 196 điều. So với luật hiện hành năm 2014 thì dự thảo Luật (sửa đổi) đã tăng thêm 13 điều nhưng trong đó bãi bỏ 7 điều trong luật hiện hành, giữ nguyên 47 điều, sửa đổi, bổ sung 104 điều, thêm mới 34 điều, trong đó, luật hóa từ nghị định 11 điều.
Qua xem xét báo cáo thẩm tra cho thấy nhiều vấn đề đồng tình nhưng cũng nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ hơn. Ngoài những vấn đề chung về sự cần thiết ban hành luật, thống nhất cao, hồ sơ dự án Luật cũng thống nhất, báo cáo thẩm tra sơ bộ đề cập đến 6 nhóm vấn đề lớn và 5 nội dung liên quan đến tính thống nhất của dự thảo Luật và một số vấn đề cụ thể khác.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận về hồ sơ dự án Luật, điều kiện để trình Quốc hội xem xét; về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của luật; các nội dung lớn của dự thảo luật, nhất là một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, như việc bổ sung quy định về quyền sở hữu có thời hạn đối với nhà ở chung cư; quy định về sử dụng các loại đất không có đất ở làm dự án xây dựng nhà ở thương mại; các vấn đề liên quan đến các chính sách nhà ở xã hội, an sinh xã hội; các vấn đề liên quan đến tính thống nhất của dự án luật với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp Hiến, hợp pháp, tính tương thích với các văn bản khác và điều quốc tế; tính khả thi của các quy định trong dự thảo luật để khắc phục được những tồn tại, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Nhà ở hiện nay.
Một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật là về thời hạn sở hữu nhà chung cư (Điều 25 của dự thảo Luật), Chính phủ đề xuất bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn.
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp Luật của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật không tán thành quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn bởi chính sách này chưa nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ.Bên cạnh đó, kinh nghiệm pháp luật quốc tế về thời hạn sở hữu nhà chung cư cũng cho thấy không có nước nào áp dụng như đề xuất trong dự thảo Luật.
Đánh giá quyền sở hữu nhà chung cư là vấn đề hệ trọng và nhạy cảm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần phải cân nhắc kĩ lưỡng, thận trọng. Các cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần tiếp tục thảo luận, làm rõ liệu vướng mắc trong sửa chữa cải tạo nhà chung cư có thực sự xuất phát từ thời hạn sở hữu của nhà chung cư không.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật, ý kiến phản biện chính sách của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ băn khoăn và không tán thành quy định này.
Ngoài ra, từ nhiều phân tích khác theo góc độ quản lý Nhà nước và quyền lợi của người dân, việc quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư là can thiệp đến quyền sở hữu, tác động rất lớn đến quyền lợi của người dân và cả thị trường bất động sản nói chung. Vì vậy, điều này cần phải được đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, thận trọng và toàn diện hơn nữa.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, ý kiến của các cơ quan tổ chức và nhân dân. Trong đó, lưu ý không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể về việc Nhà nước có quyền quyết định, trách nhiệm trong việc tổ chức di dời, sửa chữa, cải tạo với các nhà chung cư không còn an toàn để đảm bảo sức khỏe, an toàn của người dân. Nếu Chính phủ có phương án khác thì cần trình hai phương án một cách toàn diện, nêu rõ ưu - nhược điểm, lập luận rõ ràng để các đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến và quyết định.
T.H
Cùng chuyên mục


Sẽ điều tra trực tuyến 64 đơn vị khối doanh nghiệp từ ngày 1/4

Mua bán và sáp nhập ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rẻ

Doanh nghiệp cần duy trì và tăng tốc cải thiện môi trường kinh doanh để thay đổi

Khai mạc năm Du lịch quốc gia 2023 - “Bình Thuận - Hội tụ xanh”: Động lực phục hồi ngành du lịch

Huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình): Khát vọng về miền đất Di sản
-
Đề xuất mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp là rất đáng hoan nghênh
-
Cải tổ chính sách visa tạo sức hút của điểm đến mang tầm quốc gia
-
VinaCapital: Không có ảnh hưởng của SVB và Credit Suisse đối với kinh tế Việt Nam
-
Cơ chế thúc đẩy hơn nữa các chương trình tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước
-
Tính “phiêu lưu” trong việc dùng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn dẫn đến tình trạng mất thanh khoản