PGS.TS Đỗ Minh Cương: Doanh nghiệp không thể lấy dịch bệnh làm cơ hội kiếm tiền

00:00 12/10/2020

Trách nhiệm xã hội, văn hóa kinh doanh được xem là nền tảng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID – 19. Phân tích sâu hơn về giá trị này, Doanh nghiệp và Hội nhập đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Minh Cương - Phó Viện trưởng Viện Văn hoá Kinh doanh.

 

 PGS.TS Đỗ Minh Cương - Phó Viện trưởng Viện Văn hoá Kinh doanh

Xin ông hãy đánh giá về  trách nhiệm xã hội, văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp trong mùa dịch Covid-19?

Có thể so sánh trách nhiệm xã hội, văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp trong đại dịch COVID – 19 giống như một bức tranh với ba gam màu: màu sáng, màu xám và màu tối.

Với gam màu sáng, trong khi đại dịch COVID-19 đang diễn biến khó lường, nhiều doanh nghiệp vừa căng mình duy trì hoạt động kinh doanh, vừa ra sức thực hiện trách nhiệm xã hội, sát cánh cùng cộng đồng ứng phó với dịch bệnh, thể hiện tinh thần tương thân tương ái chung tay cùng với đất nước, thể hiện mục đích kinh doanh đi đôi với trách nhiệm xã hội mà tiêu biểu như: Tập đoàn Vingroup kích hoạt hàng trăm tỉ đồng hỗ trợ cho các gói trang thiết bị y tế, máy móc – hóa chất xét nghiệm virus SARS-CoV-2, gói nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch, gói hỗ trợ đối tác, sản xuất máy thở và máy đo thân nhiệt; các nhà mạng ViettelVinaphoneMobifone  tặng nhiều gói ưu đãi dịch vụ viễn thông cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân cả nước, triển khai app và website hỗ trợ khai báo y tế, lắp đặt khẩn cấp cầu truyền hình kết nối để phục vụ các cuộc họp toàn quốc.  Bên cạnh đó, hàng loạt các doanh nghiệp khác như Vinamilk, TH milk, Vietjet, FPT... đã đóng góp hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, cùng nhiều hành động cấp thiết nhằm góp phần ngăn chặn COVID-19.

Những doanh nghiệp lớn hỗ trợ nhiều tỷ đồng, còn những doanh nghiệp nhỏ hơn thì hỗ trợ “vừa sức” của mình để chung tay vì cuộc sống ổn định của người dân, dù đóng góp lớn lao hay bé nhỏ đều không kém phần trân quý, nó trở thành làn sóng lan tỏa sự sẻ chia “Lá lành đùm lá rách”. Tất cả đã và đang đoàn kết, kết nối tình người, kết nối “một vòng tay lớn”, toàn dân một lòng vì công cuộc chống dịch. Đó cũng chính là triết lý sống cho đi mà không mong nhận lại điều gì. 

Tuy nhiên, bên cạnh những gam màu tươi sáng trên, vẫn còn nhiều mảng tối, mảng xám, đó là sự thờ ơ, vô cảm của một số doanh nghiệp doanh, thậm chí có những doanh nghiệp “đục nước béo cò”  lợi dụng dịch COVID-19 mà làm giàu vô đạo đức, bất chính. Thật đáng buồn khi khẩu trang là phương tiện bảo hộ hiệu quả trong mùa dịch COVID-19 nhưng với sự bùng phát của dịch bệnh này khiến một số người đẩy giá khẩu trang lên cao để kiếm lời. Không chỉ có khẩu trang y tế, ngay cả những thiết bị bảo hộ phục vụ công tác phòng chống dịch tại những cơ sở y tế cũng bị những kẻ đầu cơ làm giả, trục lợi hàng tỷ đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước… Đó là hành vi xấu xa, bộ mặt xấu xí của xã hội thiếu văn minh, là những phản ứng phi thị trường, không có tính nhân văn, làm xấu hình ảnh Việt Nam với quốc tế và cần coi những đối tượng hành vi đó như là “giặc” và cần lên án, phòng chống đấu tranh nghiêm khắc và trường kỳ. 

Đại diện tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận máy thở từ Tập đoàn Vingroup.

Theo nhận định của ông đây có phải chính là thời điểm các doanh nghiệp cần nhận thức tầm quan trọng của văn hoá doanh nghiệp trong quản trị công ty, trong việc xây dựng nền tảng bền vững để phát triển doanh nghiệp?

Thực tế cho thấy mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp phụ thuộc vào đạo đức kinh doanh và sự tăng trưởng về lợi nhuận thu được gắn liền với việc thực hành đạo đức kinh doanh.Tài sản vô giá của mỗi doanh nghiệp chính là văn hóa.

Vượt những thách thức về sụt giảm kinh tế, doanh nghiệp đang giữ vai trò xung kích, tiên phong, nỗ lực góp sức người, sức của cùng Nhà nước để góp phần đối phó, giảm thiểu thiệt hại từ dịch bệnh đối với cộng đồng. Trong “cuộc đua” tăng trưởng, bên cạnh những đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế, những DN Việt Nam hiện nay đang ngày càng nhận thức rõ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mình từ đó lan tỏa những giá trị vững bền cho xã hội và cho nhân loại. Đó cũng là một trong những yếu tố góp phần nâng cao uy tín và vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường và trong tiềm thức của người tiêu dùng nói chung.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra ngày càng phức tạp, theo ông mỗi doanh nhân, doanh nghiệp cần có trách nhiệm, đạo đức kinh doanh như thế nào và làm gì để cân bằng được giữa đạo đức và lợi nhuận kinh doanh?

Trong bối cảnh bức tranh chung như vậy, mỗi doanh nghiệp doanh nhân phải là chủ thể văn hóa có đạo đức và thượng tôn pháp luật với trách nhiệm xã hội thể hiện ở bốn cấp đô chính: làm kinh tế hiệu quả; tuân thủ pháp luật; phải có đạo đức, hướng tới cái “chân – thiện – mỹ”; khuyến khích tinh thần nhân văn.   

Trong khi toàn xã hội đang cùng chung tay phòng chống dịch bệnh COVID-19 với diễn biến ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp cần chủ động sáng tạo, “tự lực cánh sinh” trước chứ không nên thụ động, ỷ lại vào các gói hỗ trợ của Chính phủ. Bên cạnh việc Chính phủ ra một loạt chỉ đạo thì cộng đồng doanh nghiệp - nơi hàng triệu lao động đang làm việc - cũng cần có kế hoạch hành động riêng của mình, cùng góp phần giảm thiểu hay dập tắt dịch bệnh như tuyên truyền nâng cao ý thức cho người lao động, các chính sách chia sẻ gánh nặng về kinh phí, sắp xếp giờ làm cho người lao động phù hợp... 

Sự tồn tại phát triển của doanh nghiệp, người kinh doanh phải dựa trên lợi nhuận doanh nghiệp và trách nhiệm cộng đồng. Các doanh nghiệp càng không được xem những rủi ro, thiên tai, dịch bệnh... là cơ hội để kiếm tiền, vì dù sao, cơ hội đó cũng chỉ là trước mắt, tạm thời. Nhưng nếu ham lợi trước mắt, “doanh nghiệp cơ hội” sẽ mang “tiếng xấu” và không phát triển về lâu dài. Còn thiên tai, dịch bệnh sẽ là thời gian “lửa thử vàng”, cơ hội đóng góp cho xã hội của doanh nghiệp để phát triển bền vững.

 Gia Gia (t/h)