Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Nhiều chính sách về kinh tế số chưa được thể chế hóa

07:25 12/01/2024

"Bốn năm triển khai Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ động tham gia Cách mạng 4.0, nhiều chính sách chưa được thể chế hóa", ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết.

Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương 

Tại Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 (lần thứ 16) với chủ đề "Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới", Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Đức Hiển, thông báo rằng Chính phủ đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch cho năm 2024. Kết quả cho thấy, GDP năm 2023 tăng 5,05%, mức lạm phát là 3,25%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, ông Hiển nhấn mạnh rằng tăng trưởng GDP chủ yếu là do đầu tư công, trong khi đầu tư tư nhân chỉ đạt 2,7%, mức thấp so với giai đoạn từ 2019 - 2023. Vấn đề đầu tiên cần bàn thảo tại Diễn đàn là cần có động lực thúc đẩy đầu tư tư nhân thông qua hoạt động kích cầu đầu tư, và cần xem xét chính sách thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.

Ông Hiển cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành dịch vụ trong tăng trưởng kinh tế, với mức tăng 6,82% trong năm 2023. Trong đó, du lịch Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 3-4 lần so với năm 2022, vượt xa mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, ông chia sẻ lo ngại về cần phải có cơ chế chính sách để tăng giá trị thực sự của ngành dịch vụ.

“Trong triển khai cũng đạt nhiều vấn đề tốt, nhưng cần xem xét việc thúc đẩy, dịch chuyển chuyển đổi số trong sản xuất thông minh trong lĩnh vực công nghiệp thực chất là gì? Nếu tăng trưởng của kinh tế số vẫn dựa chính chủ yếu là đóng góp giá trị gia tăng từ xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử và mang lại giá trị gia tăng cho Việt Nam không nhiều, thì chúng ta vẫn là gia công”.

Cũng theo ông Hiển, tăng trưởng của thương mại điện tử nhưng quan trọng là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thúc đẩy chuyển đổi số.

“Bốn năm triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, rất nhiều chính sách chưa được thể chế hóa, như triển khai các sandbox vẫn còn vướng. Nếu triển khai các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát vẫn dừng lại ở các nghị định không đầu thì sẽ bế tắc trong thời gian tới”, ông Hiển nói.

Phong Vũ