“Ông lớn” TSMC đặt hy vọng vào nhà máy chip mới ở Nhật Bản

16:05 13/10/2023

TSMC đang coi Nhật Bản là nơi phù hợp hơn nhờ văn hóa làm việc tương đồng, mạng lưới nhà cung cấp vật liệu gần và rộng khắp, đồng thời chính phủ nước này dễ dàng giải quyết yêu cầu và hào phóng với các khoản trợ cấp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

TSMC, hãng gia công chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đang đặt hy vọng vào nhà máy mới ở Nhật Bản trong bối cảnh gặp khó tại Mỹ. TSMC nhận thấy Nhật Bản là điểm đến mới hợp lý. 

Nhà máy chip của công ty được xây dựng trên đảo Kyushu và dự kiến vận hành vào năm sau, với mục tiêu tạo ra những mẫu chip siêu hiện đại, chưa được sản xuất trước đây. Tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 2 nghìn tỷ yên (13,3 tỷ USD), trong đó Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đang xem xét cung cấp số tiền lên tới khoảng 900 tỷ yên.

Chính phủ Nhật đang hỗ trợ lĩnh vực bán dẫn như một phần của gói kích cầu kinh tế sẽ được hoàn thành ngay cuối tháng. Giải pháp sẽ bao gồm việc cung cấp hỗ trợ cho nhà máy thứ hai của TSMC. Bộ yêu cầu tổng cộng 3,35 tỷ yên cho ngân sách bổ sung trong năm tài chính này.

Chi tiêu này sẽ dành cho các mục tiêu đặc biệt như hỗ trợ cho công nghệ hậu 5G và chất bán dẫn tiên tiến. METI sẽ quyết định số tiền hỗ trợ cho TSMC trong cuộc thảo luận với Bộ Tài chính.

Theo giới phân tích, TSMC đang coi Nhật Bản là nơi phù hợp hơn nhờ văn hóa làm việc tương đồng, mạng lưới nhà cung cấp vật liệu gần và rộng khắp, đồng thời chính phủ nước này dễ dàng giải quyết yêu cầu và hào phóng với các khoản trợ cấp. Mối quan hệ giữa TSMC và chính phủ Nhật Bản là đôi bên cùng có lợi. 

Nikkei cũng thông tin thêm, TSMC bắt đầu xây dựng nhà máy bán dẫn đầu tiên ở Kumamoto, Nhật Bản vào tháng 4 năm ngoái. Quá trình xây dựng nhà máy thứ hai dự kiến sẽ bắt đầu vào mùa hè năm 2024. Việc sản xuất hàng loạt sẽ bắt đầu vào năm 2027.

Mục tiêu của nhà máy thứ 2 là sản xuất hàng loạt khoảng 60.000 sản phẩm mỗi tháng. TSMC mong muốn sản xuất con chip 6 nm và 12 nm, để cung cấp cho ông lớn công nghệ Nhật Bản là Sony và các khách hàng khác.

Nhà máy đầu tiên dự kiến nhận được tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 nghìn tỷ yên. Cơ sở này sẽ sản xuất hàng loạt các sản phẩm có bước sóng từ 12 nm đến 28 nm.

Trong khi đó, nhà máy mới sẽ vượt qua cơ sở đầu tiên cả về quy mô đầu tư lẫn độ tiên tiến của sản phẩm. Hiện, TSMC đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chất bán dẫn 3nm tại Đài Loan (Trung Quốc).

Nikkei tính toán, nếu nhà máy TSMC thứ hai ở Nhật Bản đi vào hoạt động, doanh thu thuế từ toàn bộ khu phức hợp Kumamoto dự kiến sẽ vượt mức trợ cấp của chính phủ vào năm 2037. Nhà máy mới có thể thúc đẩy các công ty khác trong mở mới chi nhánh tại Nhật Bản.

Giới chức Nhật Bản gần đây cho biết, đang thúc đẩy dự thảo chiến lược mới nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và kỹ thuật số. Dự thảo chiến lược mới nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và kỹ thuật số được coi là cương lĩnh chính sách kinh tế chủ chốt hàng năm của Chính phủ Nhật Bản. Theo bản dự thảo, Nhật Bản sẽ tăng cường đầu tư dài hạn cho lĩnh vực chất bán dẫn và các mặt hàng chiến lược quan trọng khác để phát triển năng lực cung ứng và xuất khẩu. Tokyo cho rằng, bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như xung đột Nga - Ukraine đang làm gia tăng mức độ cấp thiết của việc xây dựng lại chuỗi cung ứng giữa các nước.

Dự thảo chiến lược mới cũng xác định Nhật Bản sẽ dẫn dắt các cuộc thảo luận về xây dựng các quy định quốc tế đối với việc sử dụng và ban hành quy định với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tạo sinh, đồng thời củng cố năng lực của Nhật Bản trong việc phát triển các công cụ trí tuệ nhân tạo.

Để thực hiện mục tiêu trở lại vị thế cường quốc số 1 thế giới trong lĩnh vực bán dẫn và vươn lên đi đầu trong lĩnh vực kỹ thuật số, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một chiến lược mới nhằm thực hiện đồng bộ sự hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân, thu hút các tập đoàn bán dẫn hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đầu tư vào thị trường nội địa.

Mai Anh (t/h)