Nvidia đối mặt với tình trạng giảm năng suất do nhân viên quá giàu

16:16 18/12/2023

Theo ước tính của một nhân viên, các quản lý cấp trung tại Nvidia giờ đây cũng có thể kiếm hơn một triệu USD mỗi năm, nếu tính cả giá trị các khoản thưởng bằng cổ phiếu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Cổ phiếu Nvidia tăng chóng mặt trong năm nay khiến công ty gặp phải một vấn đề trái chiều: Một số nhân viên lâu năm sở hữu nhiều cổ phiếu có giá trị lớn bỗng trở nên lười biếng, không còn hoàn thành tốt công việc như trước. Trong 5 năm qua, cổ phiếu công ty đã tăng tới 12 lần, do vậy tài sản của những người nắm nhiều cổ phiếu cũng tăng vọt.

Theo ước tính của một nhân viên, các quản lý cấp trung tại Nvidia giờ đây cũng có thể kiếm hơn một triệu USD mỗi năm, nếu tính cả giá trị các khoản thưởng bằng cổ phiếu.

Vấn đề lớn đến nỗi trong cuộc họp toàn công ty mới đây, CEO Jensen Huang phải lên tiếng. Một số nhân viên trẻ hơn đã đặt câu hỏi về việc những đồng nghiệp lớn tuổi giờ như đang "nghỉ hưu bán thời gian". Huang cho rằng, làm việc tại Nvidia gần như một sự đóng góp tự nguyện, nên mỗi người phải trở thành "CEO" để quản lý thời gian của họ.

Nhà sáng lập Nvidia cũng cho biết, mình quen nhiều người ở Nvidia từ thời kỳ đầu, và nói đùa rằng sẽ chỉ tên những người lười. Tuy nhiên, thông điệp chung của Huang là nhân viên đều là những người trưởng thành, có thể tự quyết định liệu mình phải giành bao nhiêu thời gian cho công việc, miễn là họ hoàn thành nhiệm vụ.

Theo Business Insider, nhiều nhân viên được phỏng vấn cho rằng, văn hóa quá thiên về nhu cầu của nhân sự tại Nvidia, cộng với cách quản lý khá tự do và sự vượt trội của Nvidia trên thị trường chip dẫn tới hậu quả là nhiều nhân viên mất động lực làm việc. 

Insider đánh giá sự bất hòa sẽ gây rủi ro lớn cho tập thể Nvidia, đặc biệt trong giai đoạn công ty đang bị hàng loạt đối thủ lớn như AMD, Intel, Amazon và Microsoft bám đuổi. Đại diện Nvidia chưa đưa ra bình luận.

Business Insider nhận định, các công ty công nghệ thường có một bộ phận nhân sự lâu năm, với mức thu nhập cao dù đóng góp không nhiều. Nhóm này thậm chí được dành một thuật ngữ riêng tại Thung lũng Silicon, "rest and vest" hay "nghỉ ngơi và chờ cổ phiếu thưởng".

Nvidia còn có những chính sách ưu tiên quyền lợi nhân viên. Hãng chip Mỹ không sa thải hàng loạt như nhiều đối thủ trên thị trường. Lần gần nhất công ty buộc cắt giảm lượng lớn việc làm là năm 2008, khi kinh tế toàn cầu gặp khủng hoảng trầm trọng. Trong giai đoạn Covid-19, CEO Jensen Huang liên tục tuyên bố đảm bảo công việc cho đội ngũ lao động. Thậm chí, một số lãnh đạo cấp cao cũng chấp nhận giảm lương để trấn an nhân viên dưới quyền.

"Tại Nvidia, khả năng bị sa thải khó hơn nhiều so với được tuyển dụng. Kiểu văn hóa này mang đến sự trung thành tuyệt đối nhưng sẽ có những người muốn lợi dụng nó", một nhân viên nói.

CEO Jensen Huang cũng hiếm khi đưa nhân viên vào danh sách cần giám sát để cải thiện hiệu suất. Khi một cá nhân làm kém hiệu quả, công ty thường cố gắng tìm một nhóm mới cho người đó, thay vì ngay lập tức chuyển sang kế hoạch huấn luyện tăng cường hoặc sa thải. Những cựu nhân viên của Nvidia xác nhận Huang nhiều lần nói không muốn sa thải bất kỳ ai.

Jim Herd, CEO Herd Freed Hartz, công ty chuyên tìm kiếm nhân sự cấp cao của Mỹ, cho rằng bất chấp vấn đề nội bộ, Nvidia vẫn có một văn hóa mạnh mẽ, giữ chân được nhân viên và tạo ra lợi thế kinh doanh so với nhiều đối thủ khác.

Hiện nhân viên Nvidia có mức thu nhập tốt hơn mặt bằng chung của các công ty công nghệ. Một quản lý cấp trung cũng nhận khoản thu nhập phụ trội hơn một triệu USD mỗi năm từ phần thưởng cổ phiếu.

Giống như nhiều công ty công nghệ khác, Nvidia trả một phần tiền lương của nhân viên bằng cổ phiếu công ty. Trong năm nay, giá cổ phiếu đã tăng khoảng 230%.

"Cổ phiếu sẽ tăng và sẽ có thêm tiền trong tương lai”, một người khác nói. "Mọi người đều có niềm tự hào về Nvidia”.

CEO Jensen Huang
CEO Nvidia - Jensen Huang.

Jim Herd nói rằng, Nvidia đã xây dựng được một "văn hóa rất mạnh mẽ" dẫn đến sự hài lòng cao hơn của nhân viên, và đơn giản là không có động lực nào để họ tìm kiếm cơ hội khác vào lúc này.

"Nvidia sẽ tiếp tục duy trì mức độ nghỉ việc thấp hơn so với các đối thủ”, Herd nói. "Đang có quá nhiều động lực và lợi ích tài chính để rời đi vào thời điểm này”.

Nhu cầu bùng nổ đối với chip cao cấp của Nvidia càng khiến một số nhân viên lơ là. Chip GPU của Nvidia đã trở thành một trong những sản phẩm được săn đón nhất trong giới công nghệ năm nay, đóng vai trò trụ cột cho nhiều dịch vụ AI sáng tạo như ChatGPT.

Sự phổ biến này khiến công việc của một số nhân viên Nvidia trở nên dễ dàng. Một người cho biết Nvidia hiện có nhiều lợi thế hơn bao giờ hết với khách hàng, khi các nhà cung cấp đám mây và công ty trí tuệ nhân tạo đang tuyệt vọng muốn có chip GPU của họ. Khách hàng tiềm năng tranh nhau nghe điện thoại và khách hàng hiện tại sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho công nghệ của Nvidia, một sự thay đổi đáng kể so với năm ngoái.

Một minh chứng cho sự thay đổi này xuất hiện trong báo cáo tài chính mới nhất của Nvidia. Trong quý III năm nay, Nvidia tạo ra doanh thu 18,1 tỷ USD, tăng 207% so với con số 5,9 tỷ USD ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng này diễn ra gần như tự nhiên khi chi phí hoạt động chỉ tăng 15%, bao gồm chi phí R&D và marketing.

Mặc dù ngày càng nhiều công ty tung ra chip do chính họ sản xuất, nhân viên Nvidia cho biết, họ vẫn chưa cảm thấy áp lực cạnh tranh. Chẳng hạn, Amazon và Microsoft gần đây đã ra mắt chip mới cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của Nvidia. 

Ba nhân viên Nvidia nói với tờ Insider rằng, những con chip đó chưa bao giờ được đề cập trong các cuộc trò chuyện với khách hàng, vì hiệu suất của Nvidia vượt trội. 

"Chúng tôi không có đối thủ cạnh tranh”, một người nói. "Nhưng chúng tôi đang dần trở nên tự mãn. Có những người không làm gì cả”.

Jensen Huang cũng từng cảnh báo nhân viên về sự chủ quan. Ông cho rằng, thị trường chứng khoán rất khốc liệt, và những công ty nghìn tỷ USD như Nvidia càng phải chịu sức ép lớn hơn.

Bản thân Huang cũng có cách quản lý khá thoải mái. Ông có tới 40 cấp dưới trực tiếp, con số lớn hơn so với nhiều CEO khác. Điều này làm giảm cấu trúc phân tầng của công ty, và nhà sáng lập Nvidia cũng tự tin rằng những người làm việc dưới mình đủ thông minh và tầm nhìn để đảm bảo ông không cần hướng dẫn quá nhiều.

Những người được hỏi có điểm chung là đều đánh giá rất cao khả năng lãnh đạo của Huang, nhất là cách ông đề cao giá trị con người trong văn hóa công ty. Họ cho biết dù bận rộn, ông vẫn có thể theo dõi sát các đầu việc mà nhân viên báo cáo với quản lý. 

Thành công của công ty giúp CEO Nvidia có được sự tin tưởng gần như tuyệt đối của đội ngũ nhân viên. Khảo sát hồi tháng 10 của xã hội ẩn danh Blind với 13.171 thành viên cho thấy Jensen Huang đạt tỷ lệ tín nhiệm là 96%, cao hơn nhiều so với Tim Cook (83%), Mark Zuckerberg (45%).

Minh Trang (T/h)