Nông sản Việt cần tăng chất lượng để mở rộng thị trường

22:10 28/03/2022

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, điều chúng ta có thể chủ động được chính là sản xuất an toàn, chất lượng theo xu hướng chung nhất của toàn thế giới. Từ đó có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm phụ thuộc vào số ít thị trường truyền thống.

Ngày 22/3 vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi Công văn số 637/BVTV-HTQT tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố; Hiệp hội Rau quả Việt Nam; và các tổ chức, cá nhân sản xuất và xuất khẩu trái cây tươi đề nghị xin ý kiến về dự thảo “Chương trình xuất khẩu về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với một số quả tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang New Zealand”. Dự thảo có đặt ra yêu cầu về vùng trồng trái cây tươi và vấn đề tập huấn trong chương trình xuất khẩu.

Trước đó, để thúc đẩy xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam sang New Zealand, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng, hoàn thiện và gửi hồ sơ kỹ thuật cho phía nước bạn. Đây là lộ trình nhằm mở cửa thị trường cho trái cây Việt Nam vào New Zealand. Việc làm này có ý nghĩa quan trọng vì dù là thị trường ít dân nhưng New Zealand lại có hệ thống kiểm dịch thực vật chặt chẽ bậc nhất thế giới. Nếu trái cây Việt Nam xuất khẩu được sang quốc gia này thì sẽ tạo thuận lợi trong việc đàm phán mở cửa thị trường với các quốc gia khác.

Nông sản Việt cần tăng chất lượng để mở rộng thị trường
Nông sản Việt cần tăng chất lượng để mở rộng thị trường.

Về việc Mỹ điều tra chống bán phá giá đối với mật ong Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Công Thương thì kết luận cuối cùng sẽ được Bộ Thương mại Mỹ ban hành vào cuối tháng 4/2022. Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ đã xác định biên độ phá giá cho sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Việt Nam là từ 410,93-413,99% và áp mức thuế tạm thời tương ứng.

Hiện, sản lượng mật hằng năm của Việt Nam khoảng 70.000 tấn; trong đó, 90% sản lượng được xuất khẩu sang Mỹ. Nếu mức thuế sơ bộ cao như hiện nay tiếp tục được duy trì trong kết luận cuối cùng, các doanh nghiệp khó có thể xuất khẩu mật ong sang Mỹ. Đây cũng có thể coi như một trường hợp điển hình cho những biến động thị trường liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại mà các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam phải lường trước và chủ động ứng phó để hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Trước đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhiều lần nhấn mạnh: Ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước “ba biến” lớn, là: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Một trong những “biến” quan trọng nhất chính là thị trường, nên cần thông tin minh bạch cả đầu cung và đầu cầu. Chúng ta phải phân biệt “sản phẩm” và “thương phẩm”.

Chúng ta chỉ tạo ra sản phẩm theo một sản lượng ở các địa phương, từ diện tích trồng lúa, nuôi cá hay trồng cây ăn quả, đó mới chỉ là một sản phẩm, nghĩa là cái chúng ta có thể sản xuất ra. Nhưng sản phẩm đó chưa tạo ra giá cả, chưa tạo ra giá trị nếu nó chưa biến thành một thương phẩm. Thương phẩm đòi hỏi những yêu cầu, tiêu chuẩn hóa của thị trường về mặt giá trị, giá cả, thời điểm và kể cả sự cạnh tranh của những quốc gia khác với cùng một sản phẩm, một thời điểm.

Không dễ để ngay lập tức các ngành hàng nông nghiệp có thể ứng phó linh hoạt và hiệu quả mọi biến động của thị trường vì xu hướng tiêu dùng luôn thay đổi cũng như các rào cản thương mại, hàng rào kỹ thuật có thể được nước nhập khẩu dựng lên và thay đổi bất cứ lúc nào. Điều chúng ta có thể chủ động được chính là sản xuất an toàn, chất lượng theo xu hướng chung nhất của toàn thế giới. Từ đó có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm phụ thuộc vào số ít thị trường truyền thống.

PV