Nối gót Meta, Alibaba ra mắt người dùng 2 mô hình AI mã nguồn mở

10:14 04/08/2023

Theo thông báo của Alibaba cho biết, các học giả, nhà nghiên cứu và tổ chức thương mại trên toàn thế giới sẽ được truy cập miễn phí mã nguồn của họ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Hãng công nghệ Trung Quốc Alibaba đã ra mắt 2 mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) mã nguồn mở, như một phần trong nỗ lực cạnh tranh với Meta Platform – công ty chủ quản của mạng xã hội Facebook.

Theo tập đoàn có trụ sở tại thành phố Hàng Châu của Trung Quốc, đây là hai mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) có tên Qwen-7B và Qwen-7B-Chat, mỗi mô hình có 7 tỷ tham số. Điều này đánh dấu lần đầu tiên một công ty công nghệ lớn của Trung Quốc có LLM nguồn mở.

Trước đó vào tháng Tư, Alibaba Cloud đã công bố LLM có tên Tongyi Qianwenđi với nhiều phiên bản có lượng tham số khác nhau. Alibaba cho biết Qwen-7B và Qwen-7B-Chat là hai phiên bản cỡ nhỏ của Tongyi Qiawen, nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt đầu sử dụng AI.

Thông báo của công ty cũng cho biết các học giả, nhà nghiên cứu và tổ chức thương mại trên toàn thế giới sẽ được truy cập miễn phí mã nguồn, trọng số mô hình và tài liệu của cả hai LLM.

Tuy nhiên, với các công ty có hơn 100 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng cần phải xin giấy phép của Alibaba trước khi sử dụng 2 mô hình này.

Bước đi này của Alibaba được đưa ra trong bối cảnh Meta cũng vừa mới trình làng một mô hình AI mã nguồn mở tương tự có tên Llama 2 hồi tháng 7 vừa qua.

Mô hình này cung cấp thông tin thông qua các tệp tin được tải xuống trực tiếp trên nền tảng Amazon Web Services, Hugging Face và nhiều nhà cung cấp khác.

Giống như Alibaba, Llama 2 của Meta cũng yêu cầu giấy phép từ các khách hàng có hơn 700 triệu người dùng.

Giám đốc điều hành Meta, ông Mark Zuckerberg cho biết: “Nguồn mở Llama 2 giúp thúc đẩy sự đổi mới trong AI vì mô hình này cho phép nhiều nhà phát triển xây dựng AI bằng công nghệ mới.”

Một số nhà phân tích cho rằng các mô hình nguồn mở này có thể giảm bớt sự thống trị của Open AI, nhà phát triển ChatGPT, và Google với các mô hình AI tính phí người đùng đắt đỏ, trên thị trường hiện nay.

Trung Quốc đang cố gắng bắt kịp Mỹ trong lĩnh vực AI, khi khuyến khích các công ty trong nước nhanh chóng phát triển các mô hình AI có thể cạnh tranh với sản phẩm do các công ty Mỹ phát triển.

Thu Hằng (T/h)