Alibaba ra mắt công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra hình ảnh

20:52 07/07/2023

Ứng dụng này sẽ cạnh tranh với các đối thủ từ Mỹ như Midjourney của Midjourney Inc và DALL-E của OpenAI, vốn đang sở hữu một lượng người dùng khá lớn trên toàn cầu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ngày 7/7, công ty công nghệ Trung Quốc Alibaba đã ra mắt một công cụ trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra hình ảnh dựa trên yêu cầu mang tên Tongyi Wanxiang.

Tongyi Wanxiang cho phép người dùng nhập yêu cầu bằng tiếng Trung và tiếng Anh, sau đó công cụ trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra một hình ảnh theo nhiều phong cách khác nhau như phác thảo hoặc hoạt hình 3D.

Alibaba Cloud, công ty điện toán đám mây thuộc tập đoàn Alibaba đã phát hành sản phẩm này, công ty cho biết trong giai đoạn đầu thử nghiệm (beta), ứng dụng Tongyi Wanxiang của Alibaba sẽ chỉ được tiếp cận bởi các khách hàng doanh nghiệp.

Ứng dụng này sẽ cạnh tranh với các đối thủ từ Mỹ như Midjourney của Midjourney Inc và DALL-E của OpenAI, vốn đang sở hữu một lượng người dùng khá lớn trên toàn cầu.

Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI) là một loại trí tuệ nhân tạo có khả năng tạo ra nội dung dựa trên yêu cầu. Nó được đào tạo trên lượng lớn dữ liệu để có thể làm điều này. Ví dụ nổi tiếng nhất là ChatGPT của OpenAI, đã khiến các tập đoàn công nghệ lớn tranh nhau phát triển sản phẩm cạnh tranh riêng của họ để tham gia cuộc đua AI này.

Ở Hoa Kỳ, Google đã ra mắt công cụ trò chuyện bằng trí tuệ nhân tạo của mình với tên gọi là Bard. Ở Trung Quốc, các công ty cũng đã ra mắt công cụ trò chuyện AI tương tự, điển hình trong đó là Baidu đã phát hành Ernie Bot và Alibaba đã ra mắt Tongyi Qianwen.

Jingren Zhou, Giám đốc Công nghệ của Alibaba Cloud Intelligence, đã chia sẻ trong một thông cáo báo chí rằng việc ra mắt Tongyi Wanxiang sẽ mang lại lợi ích lớn cho các doanh nghiệp trong nhiều ngành, từ thương mại điện tử, trò chơi, thiết kế đến quảng cáo. Công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến này sẽ giúp khám phá tiềm năng sáng tạo và biểu đạt nghệ thuật theo phong cách mới, từ đó thúc đẩy sự phát triển và đổi mới trong lĩnh vực kinh doanh.

Các tập đoàn công nghệ lớn như Alibaba và Baidu đều tiến hành phát triển các sản phẩm trí tuệ nhân tạo, nhưng họ cũng đặc biệt chú trọng đến việc tuân thủ quy định của các cơ quan quản lý. Trung Quốc đã đưa ra các quy định mới về công nghệ trí tuệ nhân tạo nhằm quản lý việc tạo ra hình ảnh và video được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo. Alibaba và Baidu đã xác định các công cụ trí tuệ nhân tạo của mình được đưa ra là để tập trung vào việc cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp.

Thời gian qua, một số công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đang tích cực tung ra các sản phẩm và dịch vụ AI sau thành công của chatbot ChatGPT.

Theo công ty tư vấn McKinsey, ước tính mỗi năm trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI) bổ sung thêm 7,3 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế thế giới.

Phương Linh (t/h)