Nỗ lực “xanh hoá”, doanh nghiệp Việt nâng cao khả năng thích ứng và thực thi hiệu quả các FTA

05:51 02/05/2024

Trước những yêu cầu khắt khe của thị trường, “xanh hoá” trong sản xuất trở thành yêu cầu bắt buộc nhằm thực thi các FTA và cũng là xu thế tất yếu của hội nhập.

Ảnh minh họa
Nỗ lực “xanh hoá”, nâng cao khả năng thích ứng và thực thi hiệu quả các FTA của doanh nghiệp Việt

Thách thức và cơ hội từ các FTA

Với 16 FTA đã ký kết, việc thực thi các FTA thời gian qua đã mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam, duy trì GDP tăng trưởng ở mức 6-7%/năm, kinh tế ngày càng ổn định và đảm bảo được các cân đối lớn. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề mang tính toàn cầu, có những tác động nhất định đến nền kinh tế Việt Nam. Năm 2024 tăng trưởng GDP khu vực và thế giới dự báo vẫn đối diện với rất nhiều biến động khó lường, đặt ra những cơ hội và thách thức đan xen cho các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, “xanh” và bền vững là những tiêu chí mà các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản yêu cầu đối với các nhà cung cấp. Các tiêu chí xử lý chất thải đạt chuẩn, sản xuất tiết kiệm năng lượng, giải pháp tái chế chất thải… đều được các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nỗ lực áp dụng trên tinh thần “xanh hoá” hoạt động sản xuất. Cùng với đó, việc đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu vẫn là một cánh cửa sáng, đem lại lợi thế cạnh tranh mà hàng xuất khẩu Việt Nam luôn hướng tới.        

Nỗ lực “xanh hoá” trong xu thế hội nhập và thực thi các FTA

Theo ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế (Bộ Công Thương) việc thực thi hiệu quả các FTA sẽ mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng. Thực tế, để tăng hiệu quả thực thi các FTA, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, các bộ, ngành liên quan cũng đã nhiều lần tổ chức tham vấn các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và báo cáo Chính phủ về một số khuyến nghị chính sách nhằm nâng cao hiệu quả thực thi các FTA, từ đó nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp, ngành hàng và sản phẩm trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Đối với ngành dệt may, thách thức và áp lực là lượng tồn kho toàn cầu vẫn tiếp tục, lạm phát cao tại một số thị trường lớn, FED tăng lãi suất liên tục, dư âm của dịch bệnh, chiến tranh, sức mua giảm… Để vượt qua những thách thức này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng cộng đồng doanh nghiệp dệt may Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp FDI đã thích ứng cực kỳ nhanh và tìm được lối thoát bằng con đường số hoá, xanh hoá sản xuất. Các doanh nghiệp đã cơ cấu lại dây chuyền sản xuất, công nghệ, mô hình sản xuất của doanh nghiệp để thích ứng từ việc chuyển đổi sản xuất hàng chuyên môn hoá cao sang mặt hàng thích ứng nhanh, đơn hàng nhỏ, cạnh tranh về giá, giao hàng nhanh, chất lượng khắt khe…

Với các ngành sản xuất nói chung, để tận dụng tối đa các FTA, điều quan trọng nhất đối với chúng ta là cần hoàn thiện thể chế, chính sách một cách nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết hiệu quả các tranh chấp nếu có.

Đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp. Việc này cần có được sự phối hợp đồng bộ của tất cả các ngành nghề, các cấp và cả bản thân các doanh nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai và thực thi các FTA trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hoá kết cấu hạ tầng, nâng cao sức mạnh tổng hợp và năng lực cạnh tranh.

Như vậy, để đạt mục tiêu thực thi một cách hiệu quả, tận dụng được các cơ hội mà FTA mang lại, Việt Nam cần có chiến lược bài bản, tinh thần tích cực, chủ động, đổi mới mạnh mẽ cả tư duy và hành động - ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh.

Lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt đồng hành cùng FTA, TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) chỉ rõ cách tận dụng được những lợi thế mà các FTA mang lại, các doanh nghiệp phải luôn cập nhật những thông tin mới, hướng dẫn, đào tạo đội ngũ nhân viên tiếp cận và tận dụng FTA một cách triệt để. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng cần bám sát thông tin, hướng dẫn từ các cơ quan chức năng để chủ động kịp thời đáp ứng các thay đổi của thương mại quốc tế… Ngoài ra, doanh nghiệp cần sẵn sàng cải tiến sản phẩm, quy trình để đáp ứng quy định của các thị trường quốc tế và đủ tiêu chuẩn để hưởng lợi từ các FTA.

“Xanh hoá” ngày càng trở thành xu thế tất yếu của sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu. Do đó, doanh nghiệp càng mong muốn hơn được Chính phủ đồng hành xây dựng chiến lược xanh hoá, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp theo đuổi và tận dụng mọi cơ hội từ FTA.

 PV (t/h)