Những câu chuyện xuất xứ, những huyền thoại quanh từng món ăn Việt

14:21 23/12/2022

Ông Lã Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực VCCA – Trưởng BTC cho biết, trong số 421 món ăn của cả nước thì số món ăn có xuất xứ, gọi là huyền thoại hoặc huyền sử, thì chỉ chiếm khoảng 34%, chính vì vậy cho nên hiện nay mới bình chọn trở lại được 121 món ăn. Trong đó có 47 món ăn miền Bắc, 37 món ăn miền Trung và 37 món ăn miền Nam. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Một vài món ăn Việt Nam được trình bày bắt mắt tại Lễ công bố

Sau 6 tháng triển khai, VCCA tổ chức Lễ công bố Hành trình tìm kiếm giá trị Văn hóa Ẩm thực Việt Nam và đã thu thập được dữ liệu của 421 món ẩm thực do Sở Du lịch, Sở Văn hóa thể thao, các Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực, Trung tâm xúc tiến du lịch của 60 tỉnh thành đề cử. Các cụm Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực 3 miền Bắc, Trung, Nam với sự tham gia của hơn 30 chuyên gia ẩm thực, văn hóa đã sàng lọc ra 165 món ăn vượt qua vòng sơ khảo.

Ông Lã Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực VCCA – Trưởng BTC cho biết, trong số 421 món ăn của cả nước thì số món ăn có xuất xứ, huyền thoại hoặc huyền sử, thì chỉ chiếm khoảng 34%, chính vì vậy cho nên hiện nay mới bình chọn trở lại được 121 món ăn.

“Ví dụ như Bún chả Hà Nội là món rất ngon mọi người đều rất thích, Tổng thống Mỹ Obama sang đây còn khen, tuy nhiên xuất xứ hiện nay nó vẫn chưa rõ ràng vẫn còn nhiều sự khác biệt và khi hội đồng bình chọn đưa ra thì cảm thấy vẫn chưa khẳng định được, và chúng tôi quyết định để lại sang năm, chúng tôi sẽ tiếp tục làm cái đề án này sao để cho các câu chuyện, xuất xứ của các món ăn tạo nên được sức hấp dẫn. Để khi người ta thưởng thức vẫn có thể hiểu được về xuất xứ nguồn gốc của nó.

Khó khăn nữa là cơ quan quản lý địa phương chưa thể cung cấp tất cả các thông tin đầy đủ. Cho nên là 121 món được chọn này là tương đối đầy đủ về xuất xứ, thông tin, còn lại những món khác chúng tôi tiếp tục xem xét và để lại sang năm. 

Ảnh minh họa
Đề án này thực hiện trong 3 năm, từ bây giờ BTC sẽ cập nhật các món ăn lên bản đồ Ẩm thực Việt Nam, có xuất xứ rõ ràng và có nghệ nhân, đầu bếp nổi tiếng, địa chỉ tin cậy.

 "Chúng tôi hi vọng là cuối năm 2024 sẽ công bố bảo tàng Ẩm thực Việt Nam số hóa thành cái bảo tàng ảo để mọi người có thể tiếp cận được và hiểu biết được. Trước hết là giới thiệu bằng tiếng Việt sau đó sẽ phối hợp  theo các nhu cầu thị trường của du khách quốc tế mà mình đang muốn. Để làm được việc này, chúng tôi phải phối hợp thêm với hiệp hội văn hóa du lịch và các cơ quan liên ngành khác”, ông Lã Quốc Khánh khẳng định. 

Ảnh minh họa
Lễ công bố Hành trình tìm kiếm giá trị Văn hóa Ẩm thực Việt Nam diễn ra tại Khu du lịch Văn Thánh, TP. HCM với sự tham gia của gần 150 khách mời là lãnh đạo các Sở, ban ngành TP. HCM, lãnh đạo các địa phương có đề cử, lãnh đạo các Hội, Hiệp hội chuyên ngành và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.
Lễ công bố Hành trình tìm kiếm giá trị Văn hóa Ẩm thực Việt Nam diễn ra tại Khu du lịch Văn Thánh, TP. HCM với sự tham gia của gần 150 khách mời là lãnh đạo các Sở, ban ngành TP. HCM, lãnh đạo các địa phương có đề cử, lãnh đạo các Hội, Hiệp hội chuyên ngành và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Giáo sư Lưu Duẩn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học và Công nghệ thực phẩm Việt Nam, Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm trường Đại học Công nghệ Sài Gòn cho biết, trên hành trình thực hiện sứ mệnh và vai trò truy tầm, phục dựng, bảo tồn, phát huy và phát triển, góp phần thiết thực nâng tầm nền văn hóa ẩm thực Việt Nam lên tầm cao mới một cách bền vững, xứng tầm với kỳ vọng của “Quốc gia Dân tộc”, năm 2022, Hiệp hội Văn hóa và Ẩm thực Việt Nam (VCCA) đã triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 – 2024”. 

Theo đó, VCCA tiến hành khảo sát, phát hiện, giới thiệu và thu thập dữ liệu của văn hóa ẩm thực Việt Nam, là bước đệm để đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực, thúc đẩy cạnh tranh quốc gia và là tiền đề của phát triển kinh tế Việt Nam. 

Đề án sẽ mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng trong ba lĩnh vực chính:

Khoa học dinh dưỡng: đối tượng là người dân, người tiêu dùng, người sử dụng các món ẩm thực

Cung cấp nền tảng thông tin thực tế về nguồn gốc nguyên liệu, cách chế biến kết hợp các nguyên vật liệu và gia vị của những món ăn đặc sắc các vùng miền, phát huy những giá trị về dinh dưỡng của các món ẩm thực, phổ biến cho cộng đồng dân cư, doanh nghiệp kinh doanh, và trao truyền lại cho thế hệ sau. Nâng cao trình độ dân trí và hiểu biết về văn hóa, lịch sử, khoa học dinh dưỡng.

Kinh tế Ẩm thực: mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp và tỉnh thành; nhà sản xuất tham gia trong ngành cung cấp nguyên liệu, thực phẩm, chế biến ẩm thực, phát triển du lịch của địa phương

Tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực, chuỗi cung ứng nguyên liệu trong ngành ẩm thực, theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị văn hóa góp phần đa dạng hóa, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm ẩm thực.

Từ cơ sở dữ liệu thu thập nghiên cứu được, Hiệp hội văn hóa Ẩm thực Việt Nam sẽ sàng lọc bộ ẩm thực có khả năng đóng gói thành mô hình khởi nghiệp ẩm thực cho các hội viên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tiếp cận mô hình khởi nghiệp.

Văn hóa Ẩm thực: đối tượng là địa phương, vùng miền, quốc gia

Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các món ăn đặc sắc theo vùng miền của Việt Nam đến người dân trong nước và cộng đồng quốc tế, góp phần quảng bá du lịch qua văn hóa ẩm thực vùng miền, với các tiêu chí cốt lõi: mang tính văn hóa di sản vùng miền, Ngon, Lành, Đặc sắc, phù hợp với nhu cầu thị trường và định hướng phát triển văn hóa ẩm thực đến với du khách trong và ngoài nước.

Trong giai đoạn tiếp theo của Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 – 2024”, VCCA sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu văn hóa ẩm thực Việt Nam với mục tiêu tìm ra 1.000 món ẩm thực tiêu biểu theo các tiêu chí trên trong năm 2023. Các dữ liệu này sẽ được sử dụng để hoàn thiện “Bản đồ ẩm thực Việt Nam” vào năm 2024, tiến tới xây dựng “Bảo tàng ẩm thực Việt Nam” theo định hướng thực tế ảo 3D và Bảo tàng Ẩm thực thực tế phục vụ du khách tham quan trong và ngoài nước trong tương lai, góp phần đưa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia.

Hành trình tìm kiếm giá trị Văn hóa Ẩm thực Việt Nam được sự đồng hành của nhãn hàng gia vị CHIN-SU thuộc Công ty Masan Consumer. Ra đời từ năm 2002, cho đến nay, CHIN-SU đã trở thành cái tên quen thuộc gắn liền với hàng triệu bữa ăn ngon của các gia đình Việt. Đồng hành cùng Hành trình tìm kiếm giá trị Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, CHIN-SU mong muốn góp phần thăng hoa hương vị món ăn mỗi vùng, miền, lan tỏa niềm tự hào về nền văn hóa ẩm thực Việt đặc sắc được cả thế giới trân trọng. 

Nhà vận chuyển chính thức của Hành trình là hãng hàng không Vietravel Airlines cũng đã góp phần đưa Hành trình tìm kiếm giá trị Văn hóa Ẩm thực Việt Nam lan tỏa khắp đất nước.

Mị Dung