NHNN yêu cầu xử lý các Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém trong năm 2024

20:55 09/04/2024

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, các vi phạm và tồn tại của các Quỹ tín dụng nhân dân được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, đồng thời, các Quỹ yếu kém cũng đã được xử lý tích cực, góp phần vào sự ổn định của hệ thống.

Ngày 9/4, trong Hội nghị trực tuyến về Quỹ tín dụng nhân dân năm 2024, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, đã đưa ra những nhận định tích cực về sự phát triển và củng cố của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân.

Ông Đào Minh Tú nhấn mạnh sự quan tâm và chỉ đạo từ Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đối với quá trình tái cơ cấu của hệ thống này trong suốt gần chục năm qua. Việc này đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân.

Hội nghị trực tuyến về Quỹ tín dụng nhân dân năm 2024
Hội nghị trực tuyến về Quỹ tín dụng nhân dân năm 2024.

Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, các vi phạm và tồn tại của các Quỹ tín dụng nhân dân đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, đồng thời, các Quỹ yếu kém cũng đã được xử lý tích cực, góp phần vào sự ổn định của hệ thống.

Đáng chú ý, việc tăng cường công tác thanh tra giám sát từ các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cũng như Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng giúp triển khai Đề án tái cơ cấu một cách hiệu quả hơn.

Ngoài ra, phối hợp và trao đổi thông tin giữa các cơ quan, tổ chức như Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố với các sở, ban, ngành, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã được tăng cường, góp phần vào việc củng cố hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh rằng, nhận diện kịp thời của các vấn đề cùng với việc đưa ra giải pháp và nhiệm vụ đã giúp hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân ổn định và phát triển hơn. Sự cố gắng và phối hợp chặt chẽ từ các bên liên quan đã cùng nhau tạo nên những bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu suất hoạt động của hệ thống này.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thống đốc nhận định, công tác quản lý hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, công tác xử lý pháp nhân của các Quỹ tín dụng nhân dân là công việc phức tạp, chưa có tiền lệ nên quá trình xử lý cần nhiều thời gian hơn dự kiến; nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân tại một số địa phương chậm được xử lý, thực hiện nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố đối với Quỹ tín dụng nhân dân vẫn còn một số nội dung cần lưu ý.

Tại hội nghị, đại diện Cơ quan thanh tra giám sát, Ngân hàng Hợp tác xã, Bảo hiểm tiền gửi cũng chỉ ra những tồn tại của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân cũng như đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân. Cụ thể, về chủ quan, công tác kiểm soát của các Quỹ tín dụng nhân dân chưa chặt chẽ; trình độ cán bộ hạn chế, ý thức tuân thủ cán bộ chưa thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ, sai sót trong quá trình tác nghiệp. Về khách quan, cơ chế chính sách còn thiếu, chưa phù hợp trong hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân; khó khăn trong quá trình kiểm tra Quỹ tín dụng nhân dân...

Phó Thống đốc Đào Minh Tú
Phó Thống đốc Đào Minh Tú.

Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra, đại diện Cơ quan Thanh tra, giám sát kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, tổng hợp những vi phạm, tồn tại, hạn chế thường gặp của các Quỹ tín dụng nhân dân, gửi Quỹ tín dụng nhân dân để rút kinh nghiệm, tránh lặp lại trong hoạt động. Đây cũng là cơ sở để xem xét trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban kiểm soát trong quản trị, điều hành Quỹ tín dụng nhân dân, áp dụng biện pháp xử lý cao hơn đối với Quỹ tín dụng nhân dân được thanh tra, kiểm tra những năm tiếp theo vẫn vi phạm các nội dung đã được cảnh báo.

Đối với các địa bàn có nhiều Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố giám sát việc thực hiện quy định về việc một đối tượng chỉ được là thành viên của một Quỹ tín dụng nhân dân và cần tra cứu thông tin từ Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam khi thực hiện cho vay; tăng cường công tác phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Công văn số 4228/NHNN-TTGSNH ngày 15/6/2021 để hỗ trợ kịp thời, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Đại diện Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam kiến nghị được tiếp cận các thông tin kịp thời từ Ngân hàng Nhà nước, các văn bản cảnh báo chấn chỉnh của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nhằm đánh giá đúng thực trạng hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân.

Từ những ý kiến của đại diện các đơn vị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các đơn vị tiếp tục khẩn trương hoàn thành xử lý các Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém ngay trong năm nay; khẩn trương ban hành các thông tư hướng dẫn theo Luật Các tổ chức tín dụng, tổ chức tập huấn góp phần giúp các địa phương, các Quỹ tín dụng nhân dân nắm được để thực hiện nghiêm túc.

Định kỳ tối thiểu 1 quý hoặc 6 tháng lần/năm phối hợp với chính quyền địa phương cấp tỉnh, huyện, xã tổ chức hội nghị chuyên đề về Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn để phối hợp nắm bắt, cung cấp thông tin trong việc thông báo chủ trương chính sách, kết quả hoạt động và cảnh báo, chấn chỉnh các Quỹ tín dụng nhân dân tiềm ẩn rủi ro, sai phạm.

Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tiến hành thanh tra giám sát theo chương trình hàng năm. Mục tiêu của các đợt thanh tra, kiểm tra là nhằm phát hiện ra các rủi ro để các Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động an toàn, lành mạnh, tuy nhiên, nếu phát hiện sai cần xử lý nghiêm.

P.V (t/h)