Nhận diện kinh tế Việt Nam 2019 và khả năng thích ứng của doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Đây là chủ đề của Diễn đàn Doanh nghiệp 2019 do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào chiều ngày 23/11 tới tại TP HCM.

Mới đây, Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã được Quốc hội thông qua. Mục tiêu của Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Dự kiến tổng sản phẩm trong nước GDP năm 2019 tăng khoảng 6,6 - 6,8% so với năm 2018

Theo mục tiêu của Nghị quyết, dự kiến tổng sản phẩm trong nước GDP tăng khoảng 6,6 - 6,8% so với năm 2018; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8% so với năm 2018; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-5%. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước dự kiến đạt khoảng 1.411,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với năm 2018; tổng chi cân đối ngân sách nhà nước dự kiến đạt khoảng 1.633,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 7,2%; bội chi ngân sách nhà nước dự kiến khoảng 222 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,6% GDP.

Dự kiến khả năng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2019 đạt khoảng 2.036-2.097 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 7,7-11% so với năm 2018, bằng khoảng 33-34% GDP.

Dự báo xuất khẩu hàng hóa năm 2019 dự kiến đạt khoảng 256 tỷ USD, tăng khoảng 7-8% so với năm 2018; nhập khẩu hàng hóa dự kiến đạt khoảng 261 tỷ USD, tăng khoảng 10%; nhập siêu khoảng 5 tỷ USD, chiếm dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Mặc dù đưa ra những con số lạc quan nhưng các nhà hoạch định chính sách cũng lưu tâm một số rủi ro, thách thức tới nền kinh tế Việt Nam năm 2019.

Theo đó, với độ mở lớn cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế. Căng thẳng thương mại, chiến tranh thương mại giữa các quốc gia, các nền kinh tế lớn diễn biến khó lường, kết hợp với các yếu tố rủi ro địa chính trị, xu hướng bảo hộ thương mại nội địa, chủ nghĩa dân túy,... sẽ tác động tới các thể chế thương mại quốc tế (đa phương, khu vực và song phương), cấu trúc sản xuất, tình hình cung cầu, giá cả, chuỗi sản xuất khu vực và thế giới, qua đó ảnh hưởng tới tất cả các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, với quy mô kinh tế nhỏ, việc ứng phó với các biến động trong tương lai của Việt Nam có thể cũng sẽ gặp khó khăn hơn bởi dư địa tài chính, tiền tệ hạn hẹp. Tuy nhiên, với nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước hiện đang ổn định, quy mô dự trữ ngoại hối ở mức khá cao, niềm tin vào giá trị đồng Việt Nam được củng cố, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện và việc đẩy nhanh lộ trình cổ phần và bán vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước sẽ tạo điều kiện thu hút các dòng vốn đầu tư dài hạn vào Việt Nam, hạn chế bớt rủi ro rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài khi điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn.

Dự báo, các yếu tố nội tại của nền kinh tế như trình độ phát triển khu vực kinh tế trong nước và khu vực kinh tế có vốn người ngoài còn chênh lệch, nhất là trong xuất nhập khẩu; Kết nối doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp nước ngoài còn hạn chế; Động lực tăng trưởng truyền thống của nền kinh tế trong nhiều năm qua là vốn đầu tư và công nghiệp khai khoáng đã không còn nhiều dư địa, đang dần được thay thế bởi công nghiệp chế biến, chế tạo; Những lợi thế so sánh truyền thống của Việt Nam là lao động chi phí rẻ đang có xu hướng giảm dần.

Ngược lại, chi phí lao động tại Việt Nam đang có xu hướng tăng trong khi năng suất lao động chậm được cải thiện, kinh nghiệm, kỹ năng, tác phong của lao động Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, xu hướng già hóa lao động càng ảnh hưởng tiêu cực lên năng suất lao động. Những điều này khiến cho lợi thế cạnh tranh của Việt Nam dần mất đi nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ...

Về rủi ro khủng hoảng kinh tế chu kỳ 10 năm, trong các cuộc khủng hoảng chu kỳ trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ khu vực tài chính, tiền tệ, bất động sản. Tuy nhiên, tình hình tài chính, tiền tệ của nước ta hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát và được điều hành linh hoạt, thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt, mặt bằng lãi suất ổn định; thị trường chứng khoán đã có bước điều chỉnh sau một thời gian tăng trưởng nóng; thị trường bất động sản đã có sự hạ nhiệt sau khi Chính phủ có những chỉ đạo quyết liệt đối với các giao dịch nhà đất không đúng quy định, nhất là tại các khu vực dự kiến thành lập Khu hành chính - kinh tế đặc biệt, tín dụng cho bất động sản được kiểm soát hiệu quả...

Trong bối cảnh đó, việc đưa ra các giải pháp để một mặt có được sự phát triển bền vững và nắm bắt được các khó khan để từ đó đưa ra các kế hoach phát triển là điều vô cùng cần thiết. Nhằm mổ xẻ và có  cái nhìn đa chiều về những dự báo trên. Đồng thời, tìm ra các giải pháp giải quyết những vấn đề khó khan mà các dự báo diễn biến kinh tế năm 2019 đưa ra, để từ đó các doanh nghiệp sẽ có những kế hoạch, chiến lược trong kinh doanh năm 2019.

Được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp 2019 với chủ đề “Nhận diện kinh tế Việt Nam 2019 và khả năng thích ứng của doanh nghiệp” vào chiều ngày 23/11/2018 tại TP HCM.

Dự kiến, Diễn đàn có sự tham dự của đại diện Ban Kinh tế Trung ương; đại diện Văn phòng Chính phủ; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện Ủy ban kinh tế Quốc hội; đại diện VCCI; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện Bộ KHĐT; đại diện Bộ Tài chính; đại diện Bộ Công thương. Và các đơn vị liên quan như: Lãnh đạo các tỉnh thành: Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, các tỉnh Đông Nam Bộ…; Lãnh đạo các Hiệp hội Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp các tỉnh phía Nam; Lãnh đạo các Sở KHĐT các tỉnh; Giảng viên Kinh tế các trường Đại học khu vực phía Nam; Các tổ chức nước ngoài; 200 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuộc các ngành nghề.