Người lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc bị vắt kiệt sức lao động bởi các phần mềm quản lý (Bài I)

05:20 17/04/2024

Sự kết hợp giữa các phần mềm quản lý chuyên dụng và bắt làm thêm giờ đang góp phần thúc đẩy năng suất lao động… hoặc không.

Andy Vương, một kỹ sư công nghệ thông tin làm việc tại một công ty trò chơi có trụ sở ở Thượng Hải, thường cảm thấy tội lỗi về công việc của bản thân mình.

Phần lớn thời gian của anh dành cho việc phát triển một phần mềm có tên DiSanZhiYan, hay còn gọi là “Con mắt Thứ ba” - “Third Eye”. Phần mềm này được cài trên máy tính xách tay của tất cả các nhân viên trong công ty anh để theo dõi màn hình của họ theo thời gian thực, lưu trữ tin nhắn, theo dõi trang web và hoạt động của họ trên mạng cũng như từng văn bản mà họ chỉnh sửa.

 Làm việc trong một tòa nhà tại một khu vực có thể nói là xa hoa trong thành phố, hàng trăm nhân viên hoàn toàn không biết rằng nhất cử nhất động của họ đều bị giám sát bởi “Con mắt Thứ ba”.

Phần mềm này cũng sẽ tự động đánh dấu các “hành vi khả nghi” như lướt các trang web tìm kiếm việc làm hoặc đăng nhập vào các nền tảng phát sóng trực tiếp. “Các báo cáo về hiệu suất làm việc” sẽ được cung cấp hàng tuần, từ đó tổng kết thời gian mà các nhân viên tại đây dành cho việc lướt mạng và sử dụng các ứng dụng.

“Lãnh đạo sẽ kiểm tra báo cáo thường xuyên”, Vương nói. Việc này có thể ảnh hưởng đến việc thăng chức và nâng lương của các nhân viên tại đây. Những dữ liệu này cũng có thể là bằng chứng khi công ty có nhu cầu sa thải bớt nhân viên, anh cho biết thêm.

Chính bản thân Vương cũng không phải là ngoại lệ. Các máy quay giám sát có độ phân giải cao được lắp khắp mọi nơi trong tầng lầu, bao gồm cả văn phòng của anh, và một nhân viên lễ tân sẽ kiểm tra hàng ngày để xem các nhân viên tốn bao nhiêu thời gian cho việc nghỉ trưa, anh nói.

Sau hai năm làm việc căng thẳng, Vương đã nghỉ việc.

“Nó không hợp lý chút nào”, anh trao đổi trong một bài phỏng vấn với Nikkei Asia. “Chúng tôi không thể làm việc quần quật mãi ở văn phòng được. Chúng tôi phải có thời gian nghỉ ngơi chứ.”

Tại Trung Quốc, việc áp dụng công nghệ được kỳ vọng là sẽ giúp cho người dân có một cuộc sống dễ dàng và năng suất hơn. Nhưng khi các doanh nghiệp đưa các công cụ cải thiện năng suất lao động vào cuộc sống công sở, hiệu suất làm việc của mỗi người lúc này sẽ bị kiểm soát - không phải để cho họ dễ thở hơn mà là để vắt kiệt giá trị mà họ có.

Như cái cách mà các thuật toán được sử dụng để giám sát ngày làm việc của các nhân viên tại kho hàng của Tập đoàn Alibaba Group Holding hay bên giao đồ ăn Meituan, ở nhiều nơi, các nhân viên văn phòng đang dần bị ảnh hưởng bởi các phần mềm giám sát - không chỉ trong công việc mà cả cuộc sống của họ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đây là tình trạng chung đang diễn ra trong ngành công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc, nơi mà công nghệ có sự phát triển tột bậc song hành cùng các quy định yếu kém trong luật lao động. Điều này dẫn đến việc tạo ra những nguy hại tiềm ẩn về lao động cưỡng bức. Các công ty công nghệ lớn - những công ty đang trong tình trạng cạnh tranh gắt gao với các công ty mới mở đang tiên phong trong việc sử dụng công nghệ và các công cụ quản lý trong việc vận hành công ty của họ. Từ việc tuyển dụng, tạo lập mục tiêu đánh giá cho đến việc sa thải nhân viên, các công nghệ chuyên về cải thiện năng suất tập trung vào việc thu thập và phân tích một khối lượng khổng lồ thông tin cá nhân của các nhân viên trong công ty để từ đó đưa ra phân tích về hành vi của họ.

Một số nhà khoa học cảnh báo rằng, nhiều hành vi trong này có thể bị coi là thiếu đạo đức, xâm phạm đời tư của nhân viên đồng thời gây ra khối lượng công việc quá mức và áp lực tinh thần lớn lên họ. Một số người so sánh hình ảnh của những nhân viên hiện tại không khác gì những người lao động từ thời cách mạng công nghiệp, khi con người phải ganh đua năng suất với máy móc.

“Tôi cảm thấy mình ngày càng bận và ít thời gian dành cho bản thân hơn”, anh Vương cho biết sau khi nhìn lại chặng đường 5 năm làm việc cho các công ty về internet của Trung Quốc.

Điều kiện khắc nghiệt nêu trên khiến người ta không thể không nghĩ ngay đến văn hóa bóc lột tại các nhà máy tại Trung Quốc, khi mà những công nhân thường phải làm việc trong nhiều giờ đồng hồ để đạt được những mục tiêu do việc phân tích dữ liệu lớn đặt ra. Áp lực này khiến cho một số môi trường làm việc trở nên cực kỳ độc hại cho người lao động.

Pinduoduo là một trong những công ty sáng giá trong làng công nghệ Trung Quốc. Chỉ trong vòng 5 năm, công ty thương mại điện tử có trụ sở tại Thượng Hải này đã tăng từ 0 lên đến 788 triệu người sử dụng hàng năm, vượt qua JD.com để trở thành công ty thương mại điện tử lớn thứ hai trong nước với giá trị công ty lên đến 175 tỷ đô-la Mỹ, chỉ sau Alibaba.

Dĩ nhiên, để đạt được sự tăng trưởng đó cũng đòi hỏi một cái giá rất lớn. Tháng 12 năm ngoái, một nhân viên nữ 22 tuổi đã chết sau khi ngã quỵ trên đường từ công ty về nhà lúc 1h:30 sáng. Cô làm bên bộ phận tạp hóa của công ty, Duoduo Grocery, cũng là đơn vị đã phủ sóng rộng rãi tại 300 thành phố lớn nhỏ tại Trung Quốc với số lượng đơn đặt hàng tăng vọt trong thời gian đại đa số các thành phố bị phong tỏa bởi đại dịch COVID-19. Hai tuần sau đó, Pinduoduo đã xác nhận một trong những kỹ sư của họ đã nhảy lầu tự vẫn. Kỹ sư trẻ mới ra trường này đã kiểm tra ứng dụng nhắn tin của công ty lần cuối trước khi nhảy lầu, một cựu nhân viên tại Pinduoduo cho biết. Cũng trong tháng đó, một nhân viên đăng tải hình ảnh đồng nghiệp kiệt sức được đưa ra khỏi văn phòng đã bị công ty tìm ra danh tính và đuổi việc. Trong một đoạn phim ngắn được đăng tải lên Weibo - một trong những mạng xã hội lớn nhất tại Trung Quốc, nhân viên bị đuổi việc đã nói: “Tôi không biết công ty tìm ra tôi bằng cách kiểm soát máy tính hay thông qua những thông tin được cung cấp bởi Maimai”. Maimai, một trang thông tin tại Trung Quốc tương tự như LinkedIn đã phủ nhận điều này và cho biết họ không cung cấp dữ liệu của cá nhân người dùng cho bất cứ bên thứ ba nào.

Phía Pinduoduo rất thận trọng trong việc đưa ra bất cứ thông tin gì về cái chết của các nhân viên cũng như văn hóa làm việc của mình.

Các vụ việc thương tâm trên đã làm dấy lên mối quan ngại trong bối cảnh những cuộc thảo luận trực tuyến về tình trạng văn hóa “996” đang không ngừng nở rộ. Văn hóa “996” được hiểu là người lao động phải làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần. Tuy nhiên vẫn giống như trong quá khứ, các cuộc tranh luận này cũng sớm hạ nhiệt.

Nick Srnicek, Giảng viên về Kinh tế Kỹ thuật số tại King's College of London, cho biết: "Người lao động không bị thay thế bởi các thuật toán và trí tuệ nhân tạo. Thay vào đó, công tác quản lý đang được tăng cường nhờ những công nghệ này". Ông cho rằng, với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, ban quản lý có thể giám sát được tất cả những người lao động dù cho họ không ở cùng một chỗ.

“Công nghệ đang góp phần thúc đẩy con người làm việc cho máy móc thay vì ngược lại, giống như những gì đã xảy ra trong Cách mạng Công nghiệp vào thế kỷ 18”. "Hiện tại điều tương tự đang xảy ra. Con người có rất ít quyền tự chủ về điều đó".

Sự hạn chế về luật bảo vệ quyền lợi cho người lao động

Theo Samuel Yang, luật sư chuyên về bảo vệ quyền riêng tư cá nhân và an ninh mạng tại AnJie - một công ty luật tại Bắc Kinh, mặc dù Trung Quốc đã bắt đầu dự thảo các quy định để bảo vệ dữ liệu người dùng tránh khỏi sự thu thập thông tin đến từ các công ty công nghệ, song có quá ít quy định pháp lý bảo vệ quyền riêng tư cho chính những người lao động tại các công ty này.

“Thách thức trong việc làm luật chính là xác định được việc quản lý đến mức nào được coi là cần thiết và có thể chấp nhận được”, ông cho biết.

Ở phương Tây, việc quản lý nhân viên được thực hiện chủ yếu là vì các công ty quan ngại về năng suất lao động của nhân viên làm việc từ xa. Tại Trung Quốc thì việc quản lý này được thúc đẩy vì sự cạnh tranh: Khi những gã khổng lồ công nghệ cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực từ thương mại điện tử, các đoạn phim ngắn cho đến tài chính trực tuyến và cộng đồng mua theo nhóm, nhân viên của họ phải chịu áp lực vô cùng lớn từ cả chủ lần khách hàng của họ, khiến họ phải làm thêm giờ.  

Mặc dù việc sử dụng công nghệ để quản lý người lao động đã có từ trước, sự phát triển của máy học (machine learning) đã khiến cho những công nghệ này ngày càng trở nên phức tạp và có khả năng làm được nhiều tác vụ. Khi ngày càng có nhiều người lao động chuyển sang làm việc trên các nền tảng trực tuyến, việc quản lý công việc bằng các công nghệ này đang trở nên bình thường hóa.

“Các quy định về pháp luật khó có thể ăn khớp với sự phát triển của công nghệ”, Yang cho biết.

Ở các quốc gia khác, việc quản lý nhân viên, bao gồm cả các thiết bị nhân viên sử dụng là hợp pháp, nhằm bảo vệ tài sản của công ty cũng như bí mật doanh nghiệp. Srnicek, giảng viên về Kinh tế Kỹ thuật số tại King's College of London, cho biết, rất ít luật và nghị định đặc biệt được sử dụng để bảo vệ quyền riêng tư và tự chủ của nhân viên.

Trong khi luật liên bang của Hoa Kỳ nghiêm cấm người sử dụng lao động can thiệp vào việc phát ngôn hoặc sử dụng các thiết bị truyền dẫn và điện tử để liên hệ với người khác, vẫn có một số trường hợp được coi là ngoại lệ nếu người sử dụng lao động có thể chứng minh được việc can thiệp là để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp. Tại Liên minh châu Âu, những người lao động được bảo vệ một cách tốt hơn: Họ có thể quyết định có cho phép các bên thu thập dữ liệu cá nhân của mình hay không.

Phương Linh