Doanh nghiệp bán lẻ tăng tốc hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết 68 Sắp có chính sách đặc biệt về đất đai, lãi suất để thúc đẩy kinh tế tư nhân |
Một bước ngoặt chính sách
Nghị quyết số 68-NQ/TW – một trong những văn kiện được kỳ vọng cao nhất trong những năm gần đây, đã chính thức khẳng định vị thế trung tâm của khu vực kinh tế tư nhân trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu hay định hướng. Nghị quyết số 68-NQ/TW đã cụ thể hóa thành loạt giải pháp có tính đột phá thể chế, được ví như “cú hích” thực sự để phá băng những rào cản vốn tồn tại nhiều năm qua.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính), không giấu được sự xúc động khi nói về nghị quyết mới. “Với chúng tôi, câu chuyện phát triển kinh tế tư nhân không phải là thời điểm, mà là hành trình đã đau đáu hàng chục năm nay,” bà Thủy chia sẻ.
![]() |
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể Bộ Tài chính, (Ảnh:VGP) |
Theo bà Bùi Thu Thủy, dù Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng hàng loạt cơ chế, chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân, nhưng thực tế triển khai vẫn còn nhiều khoảng trống. Pháp luật tuy đầy đủ trên giấy, nhưng khi đi vào cuộc sống lại vướng mắc bởi các thủ tục rườm rà, tư duy quản lý cũ kỹ và sự thiếu thống nhất giữa các bộ, ngành. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp cảm thấy như đang đi trong “mê cung chính sách” — có lối mở nhưng không rõ đường đi.
Một trong những điểm nhấn quan trọng và mang tính đột phá trong Nghị quyết số 68-NQ/TW chính là việc tái khẳng định nguyên tắc "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế". Đây không phải là tư tưởng mới, vì đã được nêu trong Nghị quyết Trung ương 10 năm 2017, nhưng chưa được cụ thể hóa đầy đủ trong thực tiễn. Lần này, với quan điểm rõ ràng “trong trường hợp chưa đủ căn cứ pháp lý, thì kiên quyết không hình sự hóa”, Nghị quyết số 68-NQ/TW đã làm rõ một ranh giới quan trọng, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Theo bà Thủy, đây không chỉ là sự tiến bộ về mặt pháp lý, mà còn là sự thay đổi căn bản trong tư duy quản trị quốc gia. Khi chuyển từ tư duy kiểm soát sang đồng hành và kiến tạo, cơ quan quản lý sẽ không còn nhìn doanh nghiệp bằng con mắt nghi ngờ, mà là bằng sự tin tưởng và đồng hành phát triển. Chính cách tiếp cận này mới thực sự tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn và thúc đẩy doanh nghiệp yên tâm đầu tư dài hạn tại Việt Nam.Ban đầu, những đề xuất mạnh như vậy từng bị cho là quá táo bạo, khó được chấp thuận. Nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, đặc biệt là định hướng rõ ràng từ bài viết của Tổng Bí thư, các đề xuất này không chỉ được thông qua mà còn trở thành điểm nhấn chủ đạo của nghị quyết.
Một điểm đột phá khác chính là việc tháo gỡ rào cản lớn nhất cho doanh nghiệp tư nhân – đó là điều kiện kinh doanh. “Trước đây, mỗi bộ, ngành đều có thể đưa ra điều kiện riêng, tạo thành một bức tường vô hình nhưng cực kỳ chắc chắn. Nay, Nghị quyết số 68-NQ/TW yêu cầu chuyển toàn bộ sang hình thức công bố công khai, không để bộ ngành nào tự đặt thêm điều kiện, trừ lĩnh vực quốc phòng, an ninh, sức khỏe cộng đồng. Đây là một ‘cú phá băng’ thực sự,” bà Thủy nhận định.
Một thực trạng kéo dài là sự phân biệt đối xử trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là tín dụng. Bà Thủy dẫn chứng, có thời kỳ, doanh nghiệp nhà nước được vay vốn mà không cần tài sản thế chấp, trong khi doanh nghiệp tư nhân, dù hiệu quả hoạt động cao, vẫn khó tiếp cận tín dụng.
Nghị quyết số 68-NQ/TW đã nêu rõ yêu cầu: phải đảm bảo công bằng giữa các khu vực kinh tế trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và nguồn lực phát triển. Và lần này, lời nói đi kèm hành động: nếu có biểu hiện phân biệt, người thực thi phải chịu trách nhiệm. Đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy Chính phủ quyết tâm chấm dứt cơ chế xin – cho vốn là rào cản vô hình khiến doanh nghiệp tư nhân khó “lớn”.
Bà Bùi Thu Thủy cho rằng, lý do Bộ Chính trị chọn thời điểm này để nhấn mạnh phát triển kinh tế tư nhân là vì đây là lực lượng chiếm hơn 50% GDP – vượt xa khu vực doanh nghiệp nhà nước và FDI (đều khoảng trên dưới 20%). Trong khi đó, khu vực FDI đang đối mặt với những thay đổi về thuế tối thiểu toàn cầu và dịch chuyển chuỗi cung ứng, còn doanh nghiệp nhà nước thì tập trung vào các ngành thiết yếu, với tốc độ tăng trưởng thấp hơn.
“Muốn tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025, thậm chí đạt hai con số trong dài hạn, thì không thể thiếu vai trò đầu tàu của doanh nghiệp tư nhân,” bà Thủy nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bà Thủy cũng chỉ ra một nghịch lý: số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng nhanh, nhưng đa phần quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, và chỉ dưới 20% tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi đó, khu vực FDI chiếm đến 70% giá trị xuất khẩu. Đây là thách thức lớn nếu muốn doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực bền vững.
Vì vậy, phát triển kinh tế tư nhân không thể chỉ dừng lại ở việc cắt giảm thủ tục hay tiếp cận vốn. Đó phải là chiến lược toàn diện, từ đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, hỗ trợ đổi mới công nghệ đến tạo dựng thương hiệu quốc gia.
Nghị quyết số 68-NQ/TW có thể xem là một dấu mốc quan trọng về nhận thức và hành động trong chính sách phát triển khu vực tư nhân. Nhưng như bà Bùi Thu Thủy thẳng thắn chia sẻ: “Thành công hay không nằm ở khâu thực thi. Nếu các cấp ngành, địa phương không thực hiện nghiêm túc, không có cơ chế giám sát và chịu trách nhiệm rõ ràng, thì mọi kỳ vọng sẽ chỉ là lời hứa”.