Đề xuất bỏ thuế khoán - định hình lại quản lý thuế hộ kinh doanh "Bỏ thuế khoán là lúc yêu cầu hộ kinh doanh phải công khai, minh bạch" |
Tạo cạnh tranh công bằng
Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, tức là cơ quan thuế sẽ ấn định một mức doanh thu cố định cho cả năm và hộ kinh doanh nộp thuế dựa trên mức khoán. Ưu điểm của phương pháp này khá đơn giản, dễ thực hiện. Tuy nhiên nhược điểm bộc lộ rõ là: Không khuyến khích minh bạch doanh thu, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các hộ kinh doanh.
Giới chuyên gia phân tích, việc không có sổ sách kế toán nên cơ quan quản lý không thể nắm rõ tình hình kinh doanh thực tế là bao nhiêu. Thực tế nhiều cửa hàng bán thuốc, phòng khám tư nhân, spa... có doanh thu khá lớn, thậm chí một cá nhân kinh doanh dịch vụ có thể thu về hàng trăm triệu đồng mỗi ngày nhưng chỉ đóng thuế vài triệu đồng.
![]() |
Bỏ thuế khoán sẽ tạo cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp |
Như vậy, nếu tiếp tục duy trì hình thức thuế khoán trong bối cảnh cả nước đang chuyển sang kinh tế số sẽ tạo ra khoảng trống, sự thiếu minh bạch và bất công với các hộ kinh doanh tuân thủ nghiêm túc.
Phía doanh nghiệp cũng đặt câu hỏi, những doanh nghiệp chân chính phải có hóa đơn, chứng từ… đầy đủ trong khi hộ kinh doanh không có, điều này có gây bất bình đẳng?
Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, bà Nguyễn Bính - đến từ công ty chuyên sản xuất phở, sợi có địa chỉ tại TP. Hồ Chí Minh - cho biết, doanh nghiệp phải có hóa đơn đầu vào đầu ra phải có thuế và mọi thứ rõ ràng minh bạch, nhưng không ít cơ sở kinh doanh bún tại TP. Hồ Chí Minh bao nhiêu năm nay nhưng chỉ làm thuế khoán. Có những đơn vị họ bán tới hàng tấn bún, phở, hủ tiếu, bánh canh nhưng chỉ kê khai có 5kg/ngày. Điều này gây thất thoát rất nhiều thuế của nhà nước.
Số liệu thống kê cho thấy, đến hết tháng 3/2025, cả nước có gần 2 triệu hộ đang áp dụng phương pháp thuế khoán nhưng mức thuế bình quân hàng tháng của các hộ kinh doanh này trong quý I/2025 chỉ khoảng 700.000 đồng/tháng. Trong khi đó hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai bình quân là 4,6 triệu đồng/tháng/hộ, cá nhân. Điều này cho thấy việc xác định doanh thu tính thuế chưa phản ánh đúng thực tế, dẫn đến sự thiếu công bằng và thất thu ngân sách.
Giải pháp để đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp
Từ những bất cập này, tại Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Chính trị đặt mục tiêu chậm nhất đến năm 2026 sẽ bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh. Các chuyên gia đánh giá, bỏ thuế khoán, áp dụng thuế kê khai sẽ khuyến khích hộ kinh doanh lớn lên, phát triển thành doanh nghiệp. Chỉ khi bỏ hình thức thuế khoán, các hộ kinh doanh sẽ phải thực hiện hóa đơn chứng từ, sổ sách kế toán… bức tranh nền kinh tế từ đó được minh bạch, thu thuế đúng hơn, đủ hơn; điều đó cũng có nghĩa sẽ khiến doanh nghiệp tự thay đổi bản thân.
Thực tế thời gian trước đây, hộ kinh doanh áp dụng thuế khoán nghĩa là lấy doanh thu khoán nhân với tỷ lệ quy định, không quan tâm đến kinh doanh lớn hay nhỏ, lãi hay thua lỗ. Vì vậy, không ít hộ kinh doanh cố tình không “lớn mạnh” để tận dụng chính sách. Với chính sách thuế khoán có thể kinh doanh lớn lại nộp thuế ít, không phát sinh kinh doanh lại phải nộp thuế... Do đó, việc đánh thuế sẽ không phản ánh đúng thực chất hoạt động kinh doanh.
Báo cáo giải trình về vấn đề này trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cũng đã nhấn mạnh, việc bỏ thuế khoán nhằm đảm bảo tính minh bạch hoạt động của hộ kinh doanh. Cũng như tạo sự bình đẳng về chế độ thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp.
Tại Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 2 triệu doanh nghiệp (tức là tăng thêm hơn 1 triệu doanh nghiệp so với hiện nay), có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhiều ý kiến bày tỏ, với những ưu đãi trong Nghị quyết số 68-NQ/TW đã chỉ ra, việc bỏ thuế khoán cũng là cách để hàng triệu hộ kinh doanh "lên đời" doanh nghiệp. Tuy nhiên, để làm được điều này cần xóa bỏ tâm lý e ngại, lo lắng gánh nặng chi phí tuân thủ lớn bằng cơ chế ưu đãi đặc biệt. Bên cạnh đó, phải đơn giản hóa hệ thống thuế, xóa bỏ các thủ tục hành chính rườm rà. Trên thực tế, nhiều hộ kinh doanh không ngại nộp thuế nhưng ngại thủ tục, chi phí phát sinh và rủi ro xử phạt hành chính. Chỉ khi việc thực hiện dễ dàng, thuận tiện mới tạo được tâm lý thoải mái, tích cực và hành động chủ động từ các hộ kinh doanh.
Giới chuyên gia đề xuất, nên có kế hoạch cụ thể với các mốc thời gian rõ ràng, chẳng hạn đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ có một tỷ lệ nhất định hộ kinh doanh chuyển sang kê khai thuế, và đến giữa năm 2026 tăng thêm bao nhiêu phần trăm. Nếu triển khai bài bản như vậy, việc chấm dứt hoàn toàn hình thức thuế khoán trong năm 2026 hoàn toàn khả thi. |