Thứ năm 22/05/2025 00:00
Hotline: 024.355.63.010
Thời cuộc

"Bỏ thuế khoán là lúc yêu cầu hộ kinh doanh phải công khai, minh bạch"

Đây cũng là nhận định của ông Nguyễn Văn Phụng – nguyên Cục trưởng Cục Thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế. Việc xóa bỏ cơ chế này được kỳ vọng sẽ giúp minh bạch thu nhập, chống thất thu và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.
Bỏ thuế khoán: Đã đến lúc yêu cầu hộ kinh doanh minh bạch thu nhập
Việc xóa bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh được kỳ vọng sẽ tạo ra sự bình đẳng giữa doanh nghiệp và hộ kinh doanh

Trong Nghị quyết số 68-NQ/TW vừa được Bộ Chính trị ban hành về phát triển kinh tế tư nhân, một điểm đáng chú ý là yêu cầu xóa bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất vào năm 2026. Chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, thông tin này cũng đang khiến không ít hộ kinh doanh nhỏ lẻ cảm thấy hoang mang, lo lắng.

Phần lớn hộ kinh doanh hiện nay hoạt động với quy mô nhỏ, không có bộ phận kế toán, thiếu trang thiết bị công nghệ và phần mềm để kê khai, quản lý thuế. Với họ, việc duy trì hoạt động ổn định vốn đã là thách thức, nay lại thêm áp lực từ các yêu cầu mới về kê khai, xuất hóa đơn, áp dụng phần mềm... nếu phải vận hành theo cơ chế như một doanh nghiệp thực thụ. Để làm rõ hơn những vấn đề này, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phụng – nguyên Cục trưởng Cục Thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế.

Ông Nguyễn Văn Phụng – nguyên Cục trưởng Cục Thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế

Phóng viên: Việc bãi bỏ thuế khoán đồng nghĩa hộ kinh doanh cá thể sẽ phải kê khai thuế dựa trên doanh thu thực tế, tương tự như doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, nếu cùng một hoạt động kinh doanh nhưng khác mô hình - hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp - thì theo ông, đâu là hình thức thực sự mang lại lợi ích rõ rệt hơn cho người kinh doanh?

Ông Nguyễn Văn Phụng: Trước hết, cần nhìn nhận rằng, khi bãi bỏ thuế khoán và áp dụng hình thức kê khai thuế dựa trên doanh thu thực tế, thì cả hộ kinh doanh và doanh nghiệp đều phải tuân thủ các quy định pháp luật về thuế với mức độ minh bạch và trách nhiệm cao hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra không chỉ là mô hình nào mang lại lợi ích rõ rệt hơn, mà là mô hình nào phù hợp và có khả năng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu pháp lý, công nghệ và quản trị trong bối cảnh mới.

Thực tế hiện nay, những quy định pháp luật liên quan đến việc cung cấp thông tin, thực sự là một áp lực rất lớn đối với các hộ kinh doanh và người nộp thuế. Tôi phải nói thẳng rằng, không chỉ hộ kinh doanh mà ngay cả các doanh nghiệp, kể cả những người rất am hiểu công nghệ, giỏi đến mức có thể lập ra cả nền tảng, ứng dụng, cũng cảm thấy mệt mỏi và đau đầu với việc tuân thủ pháp luật thuế.

Chúng ta đang quy định rằng người nộp thuế phải tự tìm hiểu, tự thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, và nếu sai thì hoàn toàn tự chịu trách nhiệm, thậm chí bị xử phạt rất nặng. Trong bối cảnh như hiện nay, nếu không nắm rõ được hệ thống các quy định pháp luật, thì quả thực đây là gánh nặng rất lớn.

Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu thực sự quyết tâm thì chúng ta có thể làm được. Tránh tình trạng nói một đằng làm một nẻo. Giờ là lúc phải hành động thật, làm đúng lời đã nói, và nếu như vậy thì người dân sẽ sẵn sàng ủng hộ.

Tôi đánh giá cao ngành tài chính và ngành thuế lần này đã có bước đi rất đúng đắn, đó là chuyển từ hình thức thuế khoán sang mô hình nộp thuế theo tỷ lệ phần trăm doanh thu, đây là một cách làm rõ ràng, đơn giản hơn. Việc này đã được thực hiện từ Nghị định số 70 về hóa đơn, chứng từ. Tuy nhiên, tôi rất tiếc là Nghị định này chưa được tuyên truyền tốt, nhiều người còn nhầm lẫn về nội dung.

Tôi muốn lấy ví dụ: trước đây, một người bán hàng được Hội đồng thuế xã, phường khoán cho một khoản thuế cố định trong năm. Nhưng thực tế có nhiều hộ kinh doanh chỉ nộp vài triệu tiền thuế mỗi năm, trong khi doanh thu thật của họ lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Như vậy là không công bằng và thất thu rất lớn. Trước đây, nhiều người vẫn kêu là "phải nộp nhiều", nhưng nộp cho ai thì không rõ.

Do đó, khi bỏ thuế khoán, điều quan trọng là phải thay đổi cả cách làm của cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay, Hội đồng thuế xã/phường gồm rất nhiều thành phần: đại diện UBND, đại diện người nộp thuế, đại diện cơ quan thuế... nhưng ai là người chịu trách nhiệm thì chưa rõ. Mức khoán do hội đồng này đưa ra lâu nay chính là một vấn đề cần được xem xét lại nghiêm túc.

Chúng ta cần tuyên truyền rõ ràng, có ví dụ cụ thể, các quy định phải rõ ràng, dễ hiểu để người dân thực hiện. Theo tôi, khi chuyển sang hình thức nộp thuế theo tỷ lệ phần trăm, có thể chia làm hai nhóm:

Thứ nhất, là những người lâu nay nộp thuế khoán sẽ chuyển sang nộp thuế theo tỷ lệ phần trăm. Khi đó, họ phải tuân thủ quy định sử dụng máy tính tiền có kết nối với hệ thống hóa đơn điện tử và truyền dữ liệu trực tiếp về cơ quan thuế. Như vậy, người dân sẽ được minh bạch, xã hội được minh bạch, người mua cũng minh bạch mà người bán cũng cảm thấy thoải mái. Cần bỏ thuế khoán và bỏ luôn cả cách làm của các hội đồng cũ.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong 4 tháng đầu năm nay, số thu thuế ngoài quốc doanh của Hà Nội đã tăng 90% so với cùng kỳ năm trước. Đó chính là kết quả từ việc chuyển đổi này, một thành tích đáng ghi nhận của ngành thuế. Chúng ta cần quảng bá mạnh mẽ điều này, để người dân hiểu rõ lợi ích của việc nộp thuế theo tỷ lệ phần trăm thay vì thuế khoán.

Nhóm thứ hai là các hộ kinh doanh theo quy mô lớn. Với nhóm này, Nhà nước cần “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn chi tiết để họ làm đúng luật, đảm bảo kiểm soát hiệu quả.Nếu làm tốt như vậy, tôi tin rằng sẽ mang lại kết quả tích cực.

Tôi nghĩ rằng, việc chuyển đổi sang mô hình hộ kinh doanh theo hướng minh bạch đòi hỏi phải thay đổi rất nhiều trong cách làm hiện nay. Điều này cần thực hiện đồng bộ và đặc biệt là phải đẩy mạnh tuyên truyền. Các doanh nghiệp bán hàng phải ghi đầy đủ thông tin của người mua, và ngược lại, người mua cũng cần được cung cấp thông tin rõ ràng. Chỉ khi có thông tin người bán, có thông tin người mua, chúng ta mới có đủ dữ liệu để các cơ quan chức năng – như công an – có thể kết nối và kiểm tra, đảm bảo tính minh bạch.

Những ngày gần đây, ta thấy hệ thống dược phẩm cũng đang gặp vấn đề – từ chuyện dược sĩ "đứng tên hộ", cho đến các doanh nghiệp kinh doanh "núp bóng". Nếu chúng ta làm minh bạch ngay từ thị trường dược thì cũng có thể mở rộng ra các thị trường khác. Tôi cho rằng đây là những bài toán chúng ta cần phải giải quyết bằng sự quyết tâm và đồng bộ từ chính sách đến thực thi.

Phóng viên: Với xu thế và hoàn cảnh hiện nay, việc những người làm kinh doanh núp dưới bóng hộ kinh doanh cá thể để không chịu lớn và thậm chí tranh thủ khe hẹp, cơ chế quản lý lỏng lẻo, thiếu đồng bộ của pháp luật về thuế để nhằm trục lợi có còn phù hợp nữa hay không?

Ông Nguyễn Văn Phụng: Theo tôi, việc này cần phải cải thiện, mà muốn cải thiện việc này đòi hỏi sự đồng bộ từ nhiều khâu, từ xây dựng quy định pháp luật, hướng dẫn thi hành cho đến tổ chức thực hiện. Lâu nay, chúng ta để cho hộ kinh doanh tồn tại một cách quá rộng rãi, trong khi cạnh hộ kinh doanh lại có cả doanh nghiệp. Điều này tạo ra sự không minh bạch. Những người mua bán cần hóa đơn thì chuyển giao dịch sang doanh nghiệp, còn những người không cần hóa đơn thì đưa về hộ kinh doanh. Cách làm này khiến hệ thống thiếu công bằng, dễ dẫn đến thất thu thuế.

Lần này, nếu chúng ta kiên quyết thực hiện chuyển đổi, sẽ tránh được tình trạng đó. Ít nhất, sẽ tạo ra sự minh bạch. Nếu không nộp thuế theo tỷ lệ phần trăm doanh thu thì sẽ rất khó kiểm soát. Tôi cho rằng việc áp dụng hình thức này sẽ cho thấy ngay hiệu quả. Bấy lâu nay, chúng ta chỉ kêu gọi suông, không có tiêu chí rõ ràng, không có hướng dẫn cụ thể. Nay, cùng với việc tuyên truyền, chúng ta cần công khai tiêu chí: hộ kinh doanh có doanh thu ở mức bao nhiêu thì vẫn là hộ, còn trên ngưỡng đó thì bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp. Cần thực hiện một cách kiên quyết, đồng bộ, minh bạch và có sự giám sát của người dân. Tôi cũng cho rằng, việc bỏ thuế khoán chính là lúc yêu cầu hộ kinh doanh phải công khai, minh bạch

Thực tế hiện nay, hộ kinh doanh và doanh nghiệp đang tồn tại song song mà không có hệ thống thông tin kết nối, liên thông với nhau. Tuy nhiên, chúng ta đang có điều kiện rất tốt: Đề án 06 về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử; căn cước công dân gắn chip; dữ liệu dân cư và hệ thống số hóa cho phép mọi thông tin có thể kết nối trên mạng. Do đó, minh bạch là điều có thể làm được. Minh bạch từ người bán đến người mua. Tất cả các doanh nghiệp bán hàng phải công khai thông tin, chứ không thể chỉ yêu cầu người mua công khai. Đã là giao dịch mua bán thì cả hai bên đều phải minh bạch thông tin.

Lâu nay, chúng ta làm không toàn diện, thiếu đồng bộ dẫn đến việ nơi này làm, nơi kia không làm; chỗ này rõ, chỗ khác mờ. Nhưng nếu lần này chúng ta quyết tâm vào cuộc thì phải làm cho triệt để. Tôi đề nghị làm đồng bộ, làm trọn vẹn, không để xảy ra tình trạng nơi này thực hiện, nơi khác không, tỉnh này làm, tỉnh khác lại chậm trễ. Phải hết sức kiên quyết và đẩy mạnh tuyên truyền, đó chính là bước đầu tiên, là khâu ban hành.

Về khâu hướng dẫn, cần phải thật rõ ràng. Mỗi một câu, một từ, một quy định đều phải dễ hiểu, dễ áp dụng. Một triệu người đọc thì phải hiểu theo một ý, chứ không thể hiểu mỗi người một kiểu. Lâu nay, các văn bản, thông tư dường như còn khó hiểu, thậm chí diễn giải kiểu gì cũng được. Khi người dân hỏi, thì cơ quan này lại đẩy qua cơ quan khác, chi cục chuyển lên cục, cục chuyển lên tổng cục, tổng cục chuyển lên bộ. Điều này gây khó khăn và làm mất niềm tin. Bây giờ, phải có quy định rõ ràng, giải thích cụ thể, trả lời thẳng vào vấn đề, thì xã hội mới có thể minh bạch và người dân mới có thể tuân thủ.

Nếu chỉ trả lời kiểu "căn cứ vào văn bản, đề nghị nghiên cứu kỹ để thực hiện" thì dân khó thự hiện. Mà dân khó thự hiện thì không thể nào chấp hành nghiêm túc được. Muốn người dân tuân thủ thì chính sách phải rõ ràng. Muốn rõ ràng thì ngay từ khâu ban hành pháp luật phải minh bạch, phải tham khảo ý kiến rộng rãi. Lâu nay, người dân góp ý thì chưa được lắng nghe hết. Chính vì vậy, nhiều quy định ngay từ khi ban hành đã có vấn đề bất hợp lý.

Cuối cùng là khâu tổ chức thực hiện, đây là yếu tố quyết định. Chúng ta phải thật sự kiên quyết thì mới tránh được tình trạng bỏ sót, lọt lưới. Hiện nay, nhà nước đã có đủ điều kiện về hạ tầng: thành phố thông minh, phường thông minh, quận thông minh. Chúng ta có đủ phương tiện, đủ dữ liệu. Vấn đề chỉ còn là có quyết tâm thực hiện hay không. Nếu đã muốn làm, thì chắc chắn sẽ làm được.

Tôi đề nghị lực lượng quản lý thị trường, cơ quan thuế, chính quyền địa phương và tất cả các bên liên quan cần cùng phối hợp, đồng lòng, thống nhất một tiếng nói thì mới có thể triển khai hiệu quả. Lâu nay, chúng ta vẫn để ngành thuế "đơn phương độc mã", làm một mình là không đủ. Điều tôi muốn nhấn mạnh là sự đồng bộ, kiên quyết, công khai và minh bạch, để người dân có thể giám sát – đó là yếu tố then chốt để chính sách đi vào thực tế.

Về phía các hiệp hội, tôi ghi nhận rằng họ đã có nhiều ý kiến đóng góp rất sát thực tế. Tuy nhiên, đáng tiếc là thời gian qua, các ý kiến này vẫn chưa được các cơ quan xây dựng văn bản pháp luật tiếp thu một cách đầy đủ và nghiêm túc. Đặc biệt, hiện nay, các loại thuế liên quan đến sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường cần phải được rà soát lại. Không thể để tình trạng thuế trở thành rào cản cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

Về phía Bộ Công Thương, tôi kiến nghị cần xem xét lại hoạt động của tổ điều hành thị trường trong nước. Phải làm rõ cung – cầu ra sao, mặt hàng nào nên xuất, mặt hàng nào nên nhập, khi nào cần tăng thuế, khi nào cần giảm thuế, tất cả phải được công khai, minh bạch. Những vấn đề đó cần được công khai minh bạch.

Tôi cho rằng, nếu tất cả các cơ quan cùng vào cuộc, hành động quyết liệt và đồng bộ thì chắc chắn chúng ta sẽ làm được.

Nhiều người kinh doanh hiện nay cố tình “núp bóng” hộ kinh doanh để tránh các nghĩa vụ tài chính và "không muốn lớn" để trở thành doanh nghiệp.

Phóng viên: Nhà nước cam kết cung cấp miễn phí nền tảng số và phần mềm kế toán cho hộ kinh doanh. Nhưng trong thực tế, nhiều hộ kinh doanh truyền thống không quen với công nghệ, thậm chí không có nhân lực để sử dụng phần mềm. Theo ông cần thêm điều kiện gì để những hỗ trợ này phát huy được hiệu quả thực chất?

Ông Nguyễn Văn Phụng: Về mặt nghị quyết, chúng ta đã đưa ra quyết tâm chính trị là sẽ hỗ trợ người dân. Nhưng từ nghị quyết đến cuộc sống thì cần có thời gian. Vì vậy, tôi đề nghị các cơ quan cần phải bắt đầu vào cuộc, cùng nhau xây dựng các chương trình cụ thể để cung cấp các dịch vụ, phần mềm quản lý miễn phí cho người dân. Tôi được biết ngành thuế đang đi đầu trong việc này.

Tôi cho rằng Bộ Khoa học và Công nghệ phải đóng vai trò tiên phong. Trước hết, bộ phải chủ trì việc này. Thứ hai, chúng ta cần dựa vào các doanh nghiệp phần mềm, đặc biệt là khu vực tư nhân, họ đang làm rất tốt. Phần mềm thì phải thực chất bởi chất lượng và tính khả thi là rất quan trọng. .

Ngoài ra, các đơn vị như Luật Việt Nam, Thư viện Pháp luật... chúng ta phải yêu cầu họ tham gia, hỗ trợ nhà nước. Nhà nước cần tận dụng kênh này để đưa thông tin đến doanh nghiệp, đến người dân.

Tôi cũng đề nghị nhà nước cần chi ngân sách để xây dựng phần mềm, xây dựng các chương trình quản lý doanh nghiệp và cung cấp miễn phí cho người dân. Việc này hoàn toàn có thể làm được. Để làm được, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường chi tiêu cho ngành thuế để xây dựng cơ sở dữ liệu. Dữ liệu của ngành thuế kết hợp với dữ liệu từ Bộ Công an, nếu làm chuẩn chỉ, thì sẽ rất hiệu quả.

Ngành thuế đã có bề dày hàng chục năm phát triển, nay nối thêm dữ liệu từ Bộ Công an thì sẽ rất tốt. Nghị quyết giờ đã có, Chính phủ cũng đang có chương trình hành động. Tôi đề nghị cần công khai chương trình hành động, công khai cả các việc cụ thể để người dân giám sát. Tôi cũng đề nghị kêu gọi doanh nghiệp ủng hộ, đóng góp trí tuệ. Một khi doanh nghiệp được khích lệ, động viên, thì họ sẽ sẵn sàng đồng hành cùng nhà nước.

Phóng viên: Vậy ngoài vai trò hỗ trợ từ phía Nhà nước, theo ông, các chủ hộ kinh doanh cần làm gì để tận dụng tối ưu nhất những chính sách mới trong việc chuyển hộ kinh doanh lên doanh nghiệp hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Phụng: Phải khẳng định rằng, các hộ kinh doanh có được sự giàu có như ngày nay là nhờ vào môi trường và sự ổn định của xã hội. Nếu không có sự phát triển chung của xã hội, họ sẽ không thể kinh doanh thuận lợi như vậy. Tuy nhiên, lâu nay, việc quản lý hộ kinh doanh còn khá lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng nhiều người cố tình “núp bóng” hộ kinh doanh để tránh các nghĩa vụ tài chính và "không muốn lớn" để trở thành doanh nghiệp. Lý do là vì khi còn là hộ kinh doanh, họ thường được hưởng nhiều lợi ích hơn.

Đã đến lúc cần thay đổi tư duy này. Cần phải tuyên truyền, giáo dục để các hộ kinh doanh hiểu rằng sự công bằng là điều tất yếu, ai kinh doanh tốt, có thu nhập cao thì phải có nghĩa vụ đóng góp nhiều hơn cho Nhà nước, người có ít thì đóng ít. Trước mắt, cần rà soát, kiểm tra và yêu cầu các hộ kinh doanh thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo tỷ lệ phần trăm doanh thu. Sau đó, trong khoảng 1 đến 3 năm tới, có thể xây dựng những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn để khuyến khích họ chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Nghị quyết hiện nay đã dành rất nhiều ưu đãi cho hộ kinh doanh, vì vậy họ cũng cần chung tay, đồng hành cùng Nhà nước. Khi chúng ta thực hiện đồng bộ việc chuyển đổi từ phương thức khoán sang nộp thuế minh bạch, thì việc tuân thủ là bắt buộc. Khi người bán, người mua, doanh nghiệp và cả hệ thống cùng đồng lòng và công khai thông tin, thì mọi việc sẽ dần đi vào quy củ.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc chia sẻ!

Hiện nay, cả nước có khoảng 3,6 triệu hộ kinh doanh đang được quản lý thuế, trong đó gần 2 triệu hộ, tương đương 66% vẫn đang nộp thuế theo hình thức khoán. Trung bình trong quý I, mỗi hộ nộp khoảng 672.000 đồng/tháng.
Tin bài khác
Quốc hội thảo luận về giảm thuế VAT: Đề xuất mở rộng để kích cầu tiêu dùng

Quốc hội thảo luận về giảm thuế VAT: Đề xuất mở rộng để kích cầu tiêu dùng

Phần lớn các đại biểu bày tỏ sự đồng thuận cao với đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT cho các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%.
Tập đoàn Trung Quốc muốn đầu tư đường sắt Lào Cai - Hải Phòng

Tập đoàn Trung Quốc muốn đầu tư đường sắt Lào Cai - Hải Phòng

PowerChina muốn tham gia dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, cam kết tiến độ, chất lượng, chi phí và mở rộng hợp tác công nghệ, năng lượng với Việt Nam.
Giảm thuế VAT xăng dầu: Đòn bẩy hạ giá, kích cầu toàn nền kinh tế

Giảm thuế VAT xăng dầu: Đòn bẩy hạ giá, kích cầu toàn nền kinh tế

Việc giảm VAT xăng dầu là một tín hiệu rất tích cực, giúp hạ giá thành sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp và đặc biệt là kích thích tiêu dùng nội địa.
Mở rộng cao tốc Bắc – Nam: Doanh nghiệp xin làm, không xin tiền

Mở rộng cao tốc Bắc – Nam: Doanh nghiệp xin làm, không xin tiền

Tập đoàn Đèo Cả đề xuất đầu tư mở rộng 5 đoạn cao tốc Bắc – Nam bằng hình thức PPP, cam kết không sử dụng ngân sách nhà nước và sẽ khởi công ngay trong năm 2025 nếu được chấp thuận.
VinSpeed đề xuất đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng

VinSpeed đề xuất đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu đề xuất của VinSpeed về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Nhà đầu tư đề xuất vay 49 tỷ USD không lãi suất và cam kết hoàn thành trong 5 năm.
Đầu tư công 2025: Không dàn trải, quyết giải ngân đúng tiến độ

Đầu tư công 2025: Không dàn trải, quyết giải ngân đúng tiến độ

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu triển khai quyết liệt đầu tư công 2025, xác định dưới 3.000 dự án cho nhiệm kỳ tới nhằm chống dàn trải, tạo động lực tăng trưởng kinh tế và phát triển hạ tầng chiến lược.
Đề xuất người từ 16 tuổi thành lập doanh nghiệp: Khích lệ tinh thần khởi nghiệp trẻ

Đề xuất người từ 16 tuổi thành lập doanh nghiệp: Khích lệ tinh thần khởi nghiệp trẻ

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đã đề xuất cho phép người từ 16 tuổi được quyền tham gia góp vốn và thành lập doanh nghiệp.
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng phải ngăn chặn trục lợi chính sách

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng phải ngăn chặn trục lợi chính sách

Tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 20/5, nhiều nội dung then chốt trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp đã được phân tích, trong đó nổi bật là các quy định liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi và phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Bãi bỏ “xin chủ trương đầu tư”: Đúng lúc, đúng hướng, đúng tinh thần cải cách

Bãi bỏ “xin chủ trương đầu tư”: Đúng lúc, đúng hướng, đúng tinh thần cải cách

Nghị quyết 198/NQ-CP là bước ngoặt trong tư duy quản lý đầu tư. Việc bãi bỏ thủ tục “xin chủ trương” với dự án tư nhân sẽ giải phóng nguồn lực và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Thủ tướng: Tại sao hàng trăm tấn hàng giả mà cơ quan chức năng không biết?

Thủ tướng: Tại sao hàng trăm tấn hàng giả mà cơ quan chức năng không biết?

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, làm rõ trách nhiệm quản lý, xử lý nghiêm tình trạng buôn lậu, hàng giả gây nguy hại sức khỏe người dân.
Bổ sung hơn 4.300 tỷ đồng viện trợ: Chủ yếu “rót” vào Bộ Y tế

Bổ sung hơn 4.300 tỷ đồng viện trợ: Chủ yếu “rót” vào Bộ Y tế

Chính phủ trình Quốc hội bổ sung dự toán ngân sách năm 2025 hơn 4.300 tỷ đồng từ viện trợ không hoàn lại nước ngoài, trong đó Bộ Y tế nhận gần 4.081 tỷ cho phòng chống dịch.
Bộ Xây dựng thúc mạnh phân cấp, phân quyền về địa phương

Bộ Xây dựng thúc mạnh phân cấp, phân quyền về địa phương

Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát, đề xuất phân cấp, phân quyền, bảo đảm mô hình chính quyền 2 cấp hoạt động hiệu quả, không gián đoạn khi tổ chức lại đơn vị hành chính.
Lập Hội đồng thẩm định tuyến metro có tổng mức đầu tư 56.000 tỷ

Lập Hội đồng thẩm định tuyến metro có tổng mức đầu tư 56.000 tỷ

Thủ tướng vừa ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Dự án metro số 1 Bình Dương – Suối Tiên, dài 29 km, vốn đầu tư hơn 56.000 tỷ đồng, kỳ vọng tạo trục giao thông đô thị vùng.
Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính có ý kiến về tuyến đường sắt Cần Giờ

Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính có ý kiến về tuyến đường sắt Cần Giờ

TP. HCM kiến nghị được áp dụng cơ chế đặc thù khi triển khai đầu tư theo Nghị quyết số 188/2022/QH15. Kiến nghị này vừa nhận được ý kiến góp ý từ Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo triển khai nhanh các dự án phục vụ Hội nghị APEC 2027 tại Phú Quốc

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo triển khai nhanh các dự án phục vụ Hội nghị APEC 2027 tại Phú Quốc

Phó Thủ tướng giao Kiên Giang chủ trì chuẩn bị hạ tầng và đẩy nhanh tiến độ các dự án phục vụ Hội nghị APEC 2027 tại Phú Quốc, gắn với phát triển bền vững.