Ngày 4/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký Nghị quyết số 68-NQ/TW, coi “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng”. Sau đây là các ý kiến, quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo trường học về Nghị quyết số 68- NQ/TW trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập ghi chép lại.
Nghị quyết số 68- NQ/TW nhiều khác biệt so với Nghị quyết 10
So với các Nghị quyết về kinh tế tư nhân, đặc biệt là Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017, phát triển kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết số 68- NQ/TW có nhiều điểm khác biệt rõ nét.
![]() |
Ông Thịnh Văn Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, ông Thịnh Văn Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa phân tích những điểm khác biệt nổi bật của Nghị quyết số 68- NQ/TW so với Nghị quyết 10.
Trước hết, ông Thịnh Văn Khoa khẳng định: Nghị quyết số 68- NQ/TW đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tư duy và chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam. So với Nghị quyết 10, Nghị quyết số 68- NQ/TW thể hiện nhiều điểm mới và đột phá, như xác định kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế. Nghị quyết số 68- NQ/TW lần đầu tiên khẳng định kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia, thay vì chỉ là “một động lực quan trọng” như trong Nghị quyết số 10. Điều này thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy phát triển, đặt khu vực tư nhân vào vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước.
Nghị quyết số 68- NQ/TW cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có 2 triệu doanh nghiệp, trong đó ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là những chỉ tiêu cụ thể, thể hiện quyết tâm nâng cao vai trò và vị thế của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế .
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đưa ra điểm khác biệt tiếp theo là Nghị quyết số 68- NQ/TW nhấn mạnh vai trò của doanh nhân - yếu tố con người là trung tâm: Nghị quyết số 68- NQ/TW xác định rõ, phát triển đội ngũ doanh nhân có tâm, có tầm, có văn hóa và có trách nhiệm xã hội. Lần đầu tiên nói đến doanh nhân là yếu tố trung tâm, là một lực lượng quan trọng. Nghị quyết số 68- NQ/TW đề cao đạo dức kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Doanh nghiệp tư nhân được yêu cầu không chỉ chạy theo lợi nhuận, mà còn phải tuân thủ pháp luật, minh bạch, bảo về môi trường, đối xử công bằng với người lao động và góp phần bảo vệ lợi ích cộng đồng.
Ông Thịnh Văn Khoa phân tích 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ và hành động cao trong Nghị quyết số 68- NQ/TW. Thực hiện các nhóm nhiệm vụ và giải pháp này kỳ vọng sẽ phá vỡ các rào cản lâu nay kìm hãm sự phát triển kinh tế tư nhân như: Chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp kéo dài, không cần thiết; Phân định rõ trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, dân sự; Có chính sách ưu tiên nguồn tín dụng thương mại cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ; đẩy mạnh tín dụng xanh; Đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.
![]() |
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa |
Thể hiện niềm vui và sự tin tưởng đối với Đảng và Nhà nước, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa khẳng định, Nghị quyết số 68- NQ/TW về kinh tế tư nhân có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thời điểm hiện tại và tương lai, sẽ được khơi thông điểm nghẽn về thể chế, chính sách. Đặc biệt còn kích thích tinh thần, sự đột phá, khơi dậy niềm tin, khát khao cống hiến của giới doanh nghiệp, doanh nhân vốn đang bị mất phương hướng, hơn nữa tạo được sự yên tâm cho cả chính quyền trong điều hành, thực thi chính sách, giúp doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
Việc giảm hình sự hóa trong các quan hệ kinh tế mà Nghị quyết đưa ra giúp doanh nghiệp, doanh nhân yên tâm, mạnh dạn, hăng say sản xuất, phát triển tăng tốc kinh tế, thành lập số doanh nghiệp mới nhiều hơn trong thời gian tới, để cùng nhau thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.
Ông Cao Tiến Đoan đặc biệt tâm đắc với nội dung: Chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, không cần thiết; Bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm 1 lần đối với doanh nghiệp (trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc doanh nghiệp vi phạm); Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp; Triển khai thanh tra, kiểm tra trực tuyến, ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp; Miễn kiểm tra thực tế đối với các doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật.
Bởi theo ông Đoan, vấn đề này gây bức xúc rất nhiều cho doanh nghiệp, và ông đã từng có rất nhiều ý kiến về vấn đề thanh kiểm tra quá nhiều.
Nghị quyết số 68- NQ/TW không chỉ là một chính sách phát triển kinh tế tư nhân mà còn là cột mốc lịch sử, đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển tự chủ và bền vững cho khối doanh nghiệp tư nhân, góp phần quan trọng vào sự ổn định và thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. Nội dung Nghị quyết không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cơ hội để khẳng định vai trò, vị thế và bản lĩnh của doanh nghiệp tư nhân trong kỷ nguyên mới - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa khẳng định.
![]() |
Doanh nghiệp Thanh Hóa luôn đồng hành với sự phát triển của tỉnh nhà |
Liên quan đến Nghị quyết số 68- NQ/TW về kinh tế tư nhân, tại Lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa (ngày 13/5/2025), ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI chi nhánh Thanh Hóa – Ninh Bình nhận định, chưa bao giờ kinh tế tư nhân được đặt ở vị trí quan trọng nhất như hiện nay. Điều này thể hiện tinh thần đổi mới tư duy, đổi mới quan điểm kinh tế và tầm nhìn chiến lược cuả Đảng, Nhà nước trong bối cảnh mới. Nghị quyết số 68- NQ/TW đồng thời cũng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể”.
Tại tỉnh Thanh Hóa, với mục tiêu đến năm 2030: Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; Trong những năm qua, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa luôn coi Phát triển doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, là động lực, là đầu tàu để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nghị quyết số 68- NQ/TW cho thấy một bước tiến quan trọng trong nhận thức và định hướng phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam. So với các nghị quyết trước, Nghị quyết này thể hiện quyết tâm cao hơn, mục tiêu cụ thể và tham vọng hơn, cùng với những giải pháp mạnh mẽ và toàn diện hơn để khơi thông tiềm năng, tạo động lực mới cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển chung của đất nước. Nghị quyết tập trung vào việc nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh và vai trò của kinh tế tư nhân trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời chú trọng đến yếu tố đạo đức và văn hóa kinh doanh.
Từ lúc có nghị quyết đến việc thực thi vẫn còn là một quãng đường dài nhưng ít nhất, Nghị quyết số 68- NQ/TW đã chuyển đi thông điệp mạnh mẽ, chuyển từ tiếng nói của Chính phủ đến cộng đồng doanh nghiệp một cách rất ý nghĩa. Nghị quyết ra đời đúng vào thời điểm đất nước đang có những chuyển biến và thay đổi mạnh mẽ trong kỷ nguyên vươn mình nên càng có ý nghĩa to lớn. Để Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương và sự chủ động từ chính cộng đồng doanh nghiệp.