Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định rõ: khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Trong tiến trình này, khu vực doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ – vốn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc dân – cần được quan tâm, hỗ trợ mạnh mẽ để từng bước phát triển vững chắc, đóng góp ngày càng lớn cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong khảo sát nhanh của Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập với một số hộ kinh doanh tiêu biểu, nhiều ý kiến phản ánh mong muốn được tiếp cận tốt hơn với chính sách hỗ trợ, đặc biệt là trong quản trị, nhân sự và chuyển đổi số.
Chị Hoàng Thị Xoan, chủ cơ sở phun xăm thẩm mỹ, chia sẻ: "Hiện nay, ngoài cơ sở chính, tôi còn phục vụ nhiều khách hàng ở các tỉnh lẻ và thường xuyên di chuyển theo lịch đặt hẹn. Tôi muốn mở thêm cơ sở để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, nhưng gặp khó khăn về quản lý nhân sự, vận hành và truyền thông. Nếu không có chiến lược rõ ràng, việc mở rộng sẽ dễ gây lãng phí nguồn lực."
Anh Xuân Kiều, chủ một nhà hàng cơm bình dân, cũng bày tỏ trăn trở: "Nhà hàng có hơn 10 nhân sự. Vào các dịp lễ, tôi đều có chính sách hỗ trợ, động viên. Tuy nhiên, điều khiến tôi lo lắng là việc đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên – đây là điều họ rất mong muốn, nhưng với mô hình hộ kinh doanh hiện tại thì thủ tục và chi phí vẫn còn là rào cản lớn."
Thực tế cho thấy, dù chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nhưng khu vực hộ kinh doanh cá thể – vốn đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế – vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ. Điều này đòi hỏi các chính sách hỗ trợ phải thực chất, linh hoạt, đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, kết nối với các tổ chức tư vấn, đào tạo để giúp hộ kinh doanh nâng cao năng lực quản trị, từng bước chuyển đổi phù hợp với yêu cầu phát triển mới.
![]() |
Nhà hàng cơm của hộ kinh doanh phục vụ đa dạng tệp khách hàng |
Theo nhận định từ ông Đặng Minh Tiến- Giám đốc kinh doanh công ty phần mềm MKT, hiện nay các hộ kinh doanh cá thể có ba nhóm khó khăn chính thường gặp:
Tâm lý e dè và ngại học cái mới: Phần lớn các hộ kinh doanh truyền thống ít có thói quen sử dụng công nghệ. Họ thường cho rằng công nghệ phức tạp, khó sử dụng và không phù hợp với hoạt động buôn bán nhỏ lẻ.
Thiếu kiến thức nền tảng về công nghệ: Không ít người kinh doanh vẫn sử dụng điện thoại đời cũ, chưa từng tiếp cận các khái niệm như phần mềm quản lý bán hàng, marketing tự động hay thương mại điện tử.
Ưa chuộng công cụ miễn phí: Tâm lý “ngại chi tiền” cho các công cụ công nghệ vẫn khá phổ biến, khiến họ thường chọn giải pháp miễn phí nhưng kém hiệu quả, hoặc không phù hợp với quy mô phát triển lâu dài.
![]() |
Ông Đặng Minh Tiến- Giám đốc kinh doanh Công ty phần mềm MKT |
Nghị quyết 68-NQ/TW xác định rõ cần có sự vào cuộc đồng bộ của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân để đạt mục tiêu chuyển đổi số toàn diện. Với nhóm hộ kinh doanh, không thể kỳ vọng họ tự mình tiếp cận công nghệ nếu thiếu đi những yếu tố như: Chính sách hỗ trợ tiếp cận công nghệ với chi phí thấp; Hệ thống đào tạo bài bản, phù hợp trình độ người dùng phổ thông; Sự đồng hành của doanh nghiệp công nghệ trong việc thiết kế phần mềm đơn giản, thân thiện.
Ông Đặng Minh Tiến chia sẻ thêm: "Nếu phần mềm được thiết kế với ngôn ngữ dễ hiểu, hướng dẫn rõ ràng, thì kể cả người chưa từng học công nghệ cũng có thể áp dụng được vào thực tế kinh doanh. Đây là điều kiện tiên quyết để phổ cập chuyển đổi số đến tận các vùng nông thôn, miền núi, nơi vẫn còn nhiều người kinh doanh theo hình thức truyền thống."
Thực tế cho thấy chuyển đổi số không đơn thuần là áp dụng phần mềm, mà là thay đổi tư duy kinh doanh. Từ việc ghi chép sổ sách sang quản lý bằng ứng dụng; từ việc bán hàng tại chỗ sang tận dụng mạng xã hội, thương mại điện tử… Quá trình này đòi hỏi thời gian, kiên nhẫn và sự hỗ trợ liên tục từ nhiều bên liên quan.
Chuyển đổi số trong khu vực hộ kinh doanh nhỏ, tiểu thương và các cơ sở bán lẻ cá thể là một hành trình nhiều thách thức nhưng cũng đầy tiềm năng. Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã tạo nền tảng quan trọng, mở ra hành lang pháp lý và định hướng rõ ràng nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong nhóm đối tượng này – vốn đang đóng vai trò quan trọng trong ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở cả đô thị lẫn nông thôn.
Tuy nhiên, để tinh thần của Nghị quyết đi vào thực tiễn, cần thêm nhiều mô hình hỗ trợ mang tính thực chất từ các doanh nghiệp công nghệ cũng như chính sách đầu tư đúng trọng tâm, trúng đối tượng từ phía Nhà nước. Việc thúc đẩy chuyển đổi số không thể dừng lại ở tuyên truyền, mà phải gắn liền với việc cải tiến công cụ, đơn giản hóa sản phẩm số, cá nhân hóa quá trình hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật cho từng nhóm hộ kinh doanh.
Chuyển đổi số sẽ chỉ thực sự lan tỏa khi công nghệ trở nên gần gũi, dễ sử dụng – như chính chiếc điện thoại thông minh đã trở thành vật dụng thiết yếu trong đời sống thường ngày. Khi đó, công nghệ mới có thể đi sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, từng bước hình thành một lực lượng kinh tế số vững mạnh từ cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số theo định hướng của Đảng và Nhà nước.