Thứ sáu 16/05/2025 00:44
Hotline: 024.355.63.010
Thời cuộc

"Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nới áo để làm bệ đỡ cho kinh tế tư nhân"

Đây cũng là nhận định của ông Mạc Quốc Anh khi đề xuất giải pháp trước thực trang quy mô của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đủ khiến Quỹ không thể đóng vai trò như một công cụ thúc đẩy kinh tế tư nhân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với Hội đồng Tư vấn chính sách về phát triển kinh tế tư nhân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với Hội đồng Tư vấn chính sách về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có nội dung xoay quanh việc nâng cao hiệu quả Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với Hội đồng Tư vấn chính sách để thảo luận và cho ý kiến về xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Một trong những nội dung đáng chú ý là đề xuất nâng cao hiệu quả Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa - một quỹ có chức năng hỗ trợ doanh nghiệp qua cho vay và tài trợ vốn. Dù áp dụng mức lãi suất ưu đãi 4%/năm, chỉ bằng một nửa mặt bằng thị trường, nhưng tỷ lệ giải ngân của Quỹ vẫn rất thấp, chưa đạt kỳ vọng. Liên quan đến vấn đề này, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập đã có cuộc trao đổi với ông Mạc Quốc Anh – Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội để làm rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

 Mạc Quốc Anh – Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội
Ông Mạc Quốc Anh – Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội

Vì sao Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa ‘chạy’ dù lãi suất chỉ 4%

Phóng viên: Trong cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Hội đồng Tư vấn chính sách diễn ra mới đây có bàn luận vấn đề về tỷ lệ giải ngân của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được đánh giá vẫn rất thấp dù mức lãi suất rất ưu đãi (4%/năm). Theo ông, nguyên nhân sâu xa là gì – thủ tục, điều kiện hay cách thức tổ chức vận hành của Quỹ?

Ông Mạc Quốc Anh: Theo đánh giá của tôi, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này xuất phát từ ba nhóm yếu tố chính:

Thứ nhất, thủ tục và điều kiện vay vốn còn phức tạp, thiếu tính thực tiễn. Một trong những rào cản đầu tiên mà doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên phản ánh chính là quy trình, thủ tục hồ sơ vay vốn của Quỹ mang nặng tính hành chính, chậm cải cách và không sát với đặc thù của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Cụ thể, doanh nghiệp phải chứng minh hiệu quả tài chính dự án, khả năng trả nợ, phương án kinh doanh bền vững – những tiêu chí phù hợp với các tổ chức tín dụng lớn, nhưng lại là rào cản với DNNVV vốn thiếu tài sản đảm bảo, tài liệu kế toán chưa đầy đủ, năng lực lập hồ sơ tài chính yếu.

Một số điều kiện về đối tượng cho vay bị bó hẹp, như chỉ hỗ trợ một số nhóm ngành, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoặc doanh nghiệp tham gia cụm liên kết chuỗi giá trị – trong khi các DNNVV rất đa dạng về lĩnh vực. Nói cách khác, Quỹ được lập ra để phục vụ DNNVV – nhưng lại đang yêu cầu họ đạt chuẩn của một doanh nghiệp lớn thì mới tiếp cận được vốn, điều này dẫn đến nghịch lý rằng, nhiều doanh nghiệp cần thì không tiếp cận được, còn doanh nghiệp đủ điều kiện thì không cần vay Quỹ.

Thứ hai, phương thức tổ chức, vận hành chưa đủ linh hoạt, thiếu tính thị trường. Hiện nay, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý, hoạt động không vì lợi nhuận, và không phải là tổ chức tín dụng. Do đó, việc cho vay phải thông qua các ngân hàng thương mại được ủy thác, từ đó làm phát sinh thêm tầng nấc trung gian, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ, làm mờ vai trò và thương hiệu riêng của Quỹ.

Thực tế, một số ngân hàng được ủy thác cho vay từ Quỹ không mặn mà triển khai bởi mức lãi suất quá thấp, trong khi họ vẫn phải chịu rủi ro về xử lý nợ xấu, và phải tuân thủ chỉ tiêu an toàn tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ ba, thiếu hoạt động truyền thông và tư vấn đồng hành với doanh nghiệp. Nhiều DNNVV hiện nay không biết đến sự tồn tại và chức năng của Quỹ, hoặc biết nhưng không có người tư vấn, hướng dẫn cụ thể để hoàn thiện hồ sơ vay vốn.

Một khảo sát do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội thực hiện cuối năm 2024 cho thấy, có tới 63% doanh nghiệp chưa từng được tiếp cận thông tin cụ thể về Quỹ, và hơn 70% doanh nghiệp không có đủ năng lực lập hồ sơ tài chính theo yêu cầu của Quỹ.

Phóng viên: Với quy mô của quỹ hiện tại chỉ 2.000 tỷ đồng, theo ông, liệu quy mô này có phải là “tấm áo chật” so với nhu cầu thực tế của khối DNNVV và quy mô ấy có đang khiến Quỹ không thể đóng vai trò như một công cụ thúc đẩy kinh tế tư nhân?

Ông Mạc Quốc Anh: Hiện nay, tổng nguồn vốn điều lệ của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Việt Nam có trên 900.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Như vậy, nếu chia trung bình, mỗi doanh nghiệp chỉ có thể tiếp cận khoảng hơn 2 triệu đồng – hoàn toàn không đủ cho bất kỳ nhu cầu sản xuất kinh doanh nào.

So với nhu cầu thực tiễnm, một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ cần vốn khởi động khoảng 3-5 tỷ đồng. Một doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất cần ít nhất 10-15 tỷ đồng cho thiết bị, nhà xưởng, nhân sự. Một doanh nghiệp nông nghiệp xanh, tuần hoàn - đang được khuyến khích theo Nghị quyết số 68-NQ/TW – cần nguồn vốn tối thiểu từ 2-10 tỷ đồng/vụ.

Rõ ràng, với 2.000 tỷ đồng cho cả nước, Quỹ đang khoác “tấm áo quá chật” so với mục tiêu trở thành công cụ thúc đẩy kinh tế tư nhân. Không những thế, sự hạn chế về quy mô vốn còn khiến Quỹ bị động trong thiết kế chính sách tín dụng linh hoạt, không thể triển khai các chương trình tín dụng mục tiêu như hỗ trợ đổi mới công nghệ, xanh hóa sản xuất, hoặc tài trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đều có quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa lên đến hàng tỷ USD, kết hợp nhiều hình thức như: bảo lãnh tín dụng, tài trợ chi phí chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại,...

Tóm lại, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cần được “nới áo” thì mới đủ làm bệ đỡ cho kinh tế tư nhân, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết số 68-NQ/TW đặt mục tiêu rất rõ ràng về việc tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực tư nhân trong GDP. Nới ở đây theo tôi cần phải nới cả về lượng vốn lẫn năng lực triển khai mới có thể phát huy tính hiệu quả.

Trong bối cảnh Nghị quyết số 68 xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được cải tổ mạnh mẽ cả về thể chế, quy trình và tầm nhìn chiến lược.

Gỡ nút thắt cho Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Phóng viên: Theo ông, bên cạnh hoạt động cho vay, việc mở rộng hoạt động của Quỹ có thể tác động như thế nào đến mục tiêu nâng tỉ trọng đóng góp của khu vực tư nhân trong GDP như Nghị quyết số 68-NQ/TW đã đề ra?

Ông Mạc Quốc Anh: Nghị quyết 68 đặt mục tiêu, đến năm 2030, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 55–60% GDP, có ít nhất 20 doanh nghiệp tư nhân lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Nếu Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ giới hạn ở hoạt động cho vay tín dụng đơn thuần, thì rõ ràng tác động đến mục tiêu nói trên sẽ rất hạn chế. Tuy nhiên, nếu mở rộng chức năng và phạm vi hoạt động, Quỹ có thể đóng vai trò như một trung tâm hỗ trợ phát triển toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, theo tôi, Quỹ có thể mở rộng hoạt động theo ba hướng chính

Thứ nhất là hỗ trợ tài chính đa dạng. Trên phương diện tài chính, Quỹ không chỉ dừng lại ở hoạt động cho vay, mà có thể triển khai bảo lãnh tín dụng đối với những doanh nghiệp chưa đủ tài sản thế chấp, giúp họ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng dễ dàng hơn. Đồng thời, Quỹ có thể tham gia đồng tài trợ cùng các nhà đầu tư tư nhân cho những dự án đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, cũng như triển khai hình thức cho vay gián tiếp thông qua các quỹ đầu tư địa phương hoặc tổ chức tín dụng phi ngân hàng nhằm mở rộng độ phủ và nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn.

Thứ hai là hỗ trợ phi tài chính. Quỹ có thể tổ chức tư vấn mô hình kinh doanh, xây dựng chiến lược phát triển xanh, chuyển đổi số phù hợp với xu thế phát triển bền vững. Đồng thời, việc tài trợ các khóa đào tạo về quản trị tài chính, pháp lý, marketing, nhân lực kỹ thuật số… sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực điều hành và cạnh tranh. Việc hỗ trợ kết nối thị trường, phát triển thương mại điện tử và xúc tiến xuất khẩu cũng cần được đẩy mạnh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Thứ ba là đẩy mạnh vai trò của Quỹ trong việc góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo đó, Quỹ có thể giữ vai trò hạt nhân trong hệ sinh thái DNNVV đổi mới sáng tạo, bằng cách tài trợ các cuộc thi khởi nghiệp, ươm mầm dự án sáng tạo có tiềm năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Như vậy, nếu hoạt động hiệu quả, Quỹ sẽ góp phần: Tăng quy mô và chất lượng của khu vực DNNVV,
đẩy mạnh vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế tri thức và tạo lớp doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt – làm nền tảng cho tăng trưởng GDP tư nhân trong dài hạn.

Phóng viên: Theo ông, để Quỹ phát triển DNNVV thực sự trở thành công cụ tài chính trọng yếu góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết 68, Chính phủ cần ưu tiên đột phá cải cách ở những khâu nào?

Ông Mạc Quốc Anh: Để Quỹ thực sự trở thành công cụ tài chính trọng yếu góp phần hiện thực hóa các mục tiêu lớn của Nghị quyết số 68-NQ/TW, theo tôi, cần đột phá cải cách ở một số khâu then chốt sau:

Đầu tiên, cần cải cách cơ chế vận hành theo hướng thị trường. Theo đó, xem xét mô hình tổ chức lại Quỹ theo hướng hoạt động như một định chế tài chính công lập có yếu tố linh hoạt, được trao quyền chủ động ra quyết định đầu tư, tín dụng, và lựa chọn đối tác. Cho phép Quỹ hợp tác với các tổ chức tài chính vi mô, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ bảo lãnh địa phương nhằm đa dạng hóa kênh hỗ trợ.

Tiếp theo, cần phải sửa đổi các tiêu chí thẩm định để phù hợp với DNNVV. Đơn giản hóa hồ sơ vay vốn, chấp nhận phương án kinh doanh khả thi thay cho tài sản đảm bảo. Ngoài ra, tích hợp công cụ đánh giá tín dụng phi truyền thống (như xếp hạng tín nhiệm DNNVV dựa trên dòng tiền, hóa đơn điện tử, lịch sử thuế). Đặc biệt, có chính sách riêng cho doanh nghiệp phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nông nghiệp xanh, doanh nghiệp chuyển đổi số.

Thứ ba, tăng vốn điều lệ lên mức phù hợp với quy mô nền kinh tế. Giai đoạn 2025–2030, cần nâng vốn Quỹ lên tối thiểu 20.000–30.000 tỷ đồng, huy động thêm từ ngân sách trung ương, trái phiếu chính phủ, hoặc hợp tác công – tư. Cho phép Quỹ phát hành trái phiếu hoặc được nhận tài trợ từ các tổ chức quốc tế (WB, ADB, JICA) để mở rộng quy mô hoạt động.

Thứ tư, xây dựng hệ thống tư vấn, đồng hành cùng doanh nghiệp. Tạo mạng lưới tư vấn tài chính – kế toán – pháp lý cho DNNVV tại các địa phương. Cùng với đó, hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức đào tạo để nâng cao năng lực lập hồ sơ, gọi vốn, quản trị tài chính cho doanh nghiệp nhỏ.

Cuối cùng là tăng cường công khai, truyền thông và minh bạch. Theo đó, xây dựng hệ thống cổng thông tin điện tử của Quỹ thân thiện, minh bạch về điều kiện, quy trình, thời gian xét duyệt. Ngoài ra công bố công khai danh sách doanh nghiệp được hỗ trợ, kết quả giải ngân định kỳ, báo cáo kết quả đầu tư, tránh tình trạng “xin – cho”, tạo niềm tin cho doanh nghiệp.

"Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng nhưng chưa phát huy hết tiềm năng do quy mô hạn chế, thủ tục phức tạp và mô hình vận hành còn thiếu linh hoạt. Trong bối cảnh Nghị quyết số 68-NQ/TW xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, Quỹ cần được cải tổ mạnh mẽ cả về thể chế, quy trình và tầm nhìn chiến lược. Nếu được cải cách đúng hướng, Quỹ không chỉ là nơi cấp vốn mà còn trở thành hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa – từ vốn, tri thức đến kết nối thị trường. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển khu vực kinh tế tư nhân vững mạnh, hiện đại, hội nhập quốc tế và đóng góp chủ lực cho tăng trưởng kinh tế quốc gia trong giai đoạn mới", ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc chia sẻ!

Tin bài khác
Doanh nghiệp Việt Nam “tăng tốc” đầu tư vào Mỹ

Doanh nghiệp Việt Nam “tăng tốc” đầu tư vào Mỹ

Bộ Tài chính Việt Nam - Hoa Kỳ vừa có cuộc họp cấp cao tại Washington nhằm tăng cường hợp tác kinh tế – tài chính song phương, thúc đẩy đầu tư và xử lý các vấn đề thương mại bền vững giữa hai quốc gia.
Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết “đặc biệt” để tiếp sức cho kinh tế tư nhân bứt phá

Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết “đặc biệt” để tiếp sức cho kinh tế tư nhân bứt phá

Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân vừa được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, khóa XV, hứa hẹn tạo cú hích mạnh mẽ cho khu vực tư nhân – động lực then chốt của nền kinh tế.
Cần thay đổi hệ số lương 2,34 để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

Cần thay đổi hệ số lương 2,34 để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

Tại phiên thảo luận chiều 14/5 của Quốc hội về dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), nhiều đại biểu đã tập trung nêu ý kiến xoay quanh chính sách tiền lương hiện hành, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến hệ số lương khởi điểm 2,34 dành cho công chức mới vào làm việc.
Doanh nghiệp tư nhân sẽ được “chỉ định thầu” dự án quốc gia nếu đủ năng lực

Doanh nghiệp tư nhân sẽ được “chỉ định thầu” dự án quốc gia nếu đủ năng lực

Dự thảo nghị quyết mới tạo cơ chế cho doanh nghiệp tư nhân đủ năng lực được chỉ định thầu dự án quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân đến 2030.
Hà Nội bứt phá thu ngân sách, vượt mốc 310.000 tỷ, dẫn đầu cả nước

Hà Nội bứt phá thu ngân sách, vượt mốc 310.000 tỷ, dẫn đầu cả nước

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách 4 tháng đầu năm nay đạt hơn 944.000 tỷ đồng – tương đương gần 50% kế hoạch cả năm 2025. Trong đó, Hà Nội gây bất ngờ lớn khi thu tới 310.000 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ và đạt 61% dự toán cả năm – mức tăng trưởng chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Vì sao đội thêm 3.700 tỷ đồng?

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Vì sao đội thêm 3.700 tỷ đồng?

Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh vốn đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu lên hơn 21.500 tỷ đồng do biến động chi phí đền bù, vật liệu và bổ sung công trình hạ tầng kỹ thuật.
Vật liệu xây dựng xanh: Vượt qua rào cản để phát triển bền vững

Vật liệu xây dựng xanh: Vượt qua rào cản để phát triển bền vững

Phát triển vật liệu xây dựng xanh là xu thế không thể đảo ngược trong hành trình hướng đến một ngành xây dựng phát thải thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal

Với yêu cầu trực tiếp từ Thủ tướng Chính phủ, việc thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal sẽ không chỉ là cơ hội mở rộng thị trường mà còn là bước đi chiến lược.
Bộ Tài chính: Việt Nam đồng hành kiến tạo năng lực công nghệ chiến lược quốc gia

Bộ Tài chính: Việt Nam đồng hành kiến tạo năng lực công nghệ chiến lược quốc gia

Buổi làm việc giữa Bộ Tài chính và Tập đoàn Intel khẳng định cam kết phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, AI và công nghệ cao, thúc đẩy hợp tác đầu tư chiến lược vì tương lai công nghệ quốc gia.
VinSpeed đề xuất vay vốn Nhà nước không lãi suất cho đường sắt cao tốc Bắc – Nam

VinSpeed đề xuất vay vốn Nhà nước không lãi suất cho đường sắt cao tốc Bắc – Nam

VinSpeed, công ty thuộc Vingroup, vừa đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tổng vốn 61,35 tỷ USD. Đề xuất vay vốn Nhà nước không lãi suất trong 35 năm hứa hẹn giảm tải ngân sách và thúc đẩy phát triển hạ tầng chiến lược.
Bộ Xây dựng giải ngân chậm, gánh áp lực gần 10.000 tỷ đồng tháng 5

Bộ Xây dựng giải ngân chậm, gánh áp lực gần 10.000 tỷ đồng tháng 5

Sau 4 tháng đầu năm 2025, Bộ Xây dựng mới giải ngân gần 16% kế hoạch vốn, trong khi áp lực dồn về tháng 5 lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Giải pháp nào để tăng tốc?
Đề xuất mở rộng cao tốc Bắc – Nam phía Đông lên 6 làn xe

Đề xuất mở rộng cao tốc Bắc – Nam phía Đông lên 6 làn xe

Bộ Xây dựng đề xuất mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông lên 6 làn xe, tạo đột phá lớn về kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm tải lưu lượng và tai nạn.
Hiện thực hóa Nghị quyết số 68: Từ cam kết chính sách đến hành động cụ thể

Hiện thực hóa Nghị quyết số 68: Từ cam kết chính sách đến hành động cụ thể

Để hiện thực hóa hiệu quả Nghị quyết số 68 mới được ban hành, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức hiệp hội.
Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng:

Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng: 'Cú hích'' thúc đẩy kinh tế Việt Nam nâng tầm vị thế quốc tế

Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế Việt Nam được xem 'Cú hích'' thúc đẩy kinh tế Việt Nam vươn mình, góp phần nâng tầm vị thế quốc tế.
Đề xuất giảm thuế VAT còn 8%, người tiêu dùng hưởng lợi gì?

Đề xuất giảm thuế VAT còn 8%, người tiêu dùng hưởng lợi gì?

Chính phủ đề xuất giảm thêm 2% thuế VAT cho hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10% từ 1/7/2025, nhằm kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ tăng trưởng.