![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025 |
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây trong ngày 6/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng và yêu cầu tập trung triển khai hiệu quả “bộ tứ chiến lược”, bao gồm Nghị quyết số 57, Nghị quyết số 59, Nghị quyết số 66 và đặc biệt là Nghị quyết số 68 - văn bản mới nhất về phát triển doanh nghiệp tư nhân, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Định hướng chiến lược này được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực. Tuy nhiên, để chuyển từ tầm nhìn chính sách thành kết quả cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng cần có các hướng dẫn triển khai rõ ràng, hệ sinh thái pháp lý minh bạch và sự đồng hành nhất quán từ các bộ, ngành.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội nhận định: “Trong phiên họp thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2025 , Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của ‘bộ tứ chiến lược’. Đây là những định hướng dài hạn, đặc biệt là trong đó phải kể đến Nghị quyết số 68-NQ/TW đã đặt ra yêu cầu mới đối với doanh nghiệp tư nhân, không chỉ trong sản xuất, kinh doanh mà còn từng bước tham gia vào công tác xây dựng đất nước”.
![]() |
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội |
Theo ông Mạc Quốc Anh, để đáp ứng các yêu cầu đó một cách hiệu quả, trước hết điều đầu tiên là phải phát triển doanh nghiệp tư nhân dựa trên năng lực thực tế, trong đó cần hỗ trợ mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có năng lực cạnh tranh ở cả trong nước và quốc tế. Đồng thời, cần thúc đẩy mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi cung ứng giá trị để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia sâu hơn vào các khu công nghiệp, chuỗi xuất khẩu.
Một điểm đáng chú ý trong Nghị quyết 68 là định hướng giao nhiệm vụ rõ ràng cho khu vực tư nhân, không chỉ sản xuất, cung cấp dịch vụ mà còn đóng góp vào quản trị, chính sách, điều này thể hiện vai trò ngày càng lớn của khu vực này trong quá trình phát triển đất nước.
Ông Mạc Quốc Anh kỳ vọng Quốc hội và các bộ, ngành sẽ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp có thể triển khai thuận lợi. Đồng thời, việc tổ chức các buổi sơ kết, đánh giá hiệu quả thực thi Nghị quyết cũng là điều cần thiết để rút ra bài học kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển doanh nghiệp tư nhân một cách thực chất, bền vững.
Khi các chính sách được ban hành, điều doanh nghiệp hiện nay đang cần chính là tốc độ và tính khả thi. Nghị quyết số 68 sẽ chỉ phát huy hiệu lực thực sự nếu có sự nối dài bằng các thông tư, văn bản cụ thể để doanh nghiệp hiểu và triển khai được ngay.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Đinh Thị Thúy - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MISA - cho biết: "Tôi cũng đẫ lắng nghe thông điệp từ Tổng Bí thư thông qua nghị Quyết số 68, thấy được sự quan tâm, cam kết của Đảng và Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Điều này là rất thiết thực đối với doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi".
Tuy nhiên, để đi nhanh và đi xa hơn, doanh nghiệp rất cần sự đồng hành từ phía Nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách phù hợp. “Chúng tôi mong muốn sau khi các chính sách như Nghị định số 68 được ra đời thì tiếp đến là các thông tư, văn bản hướng dẫn sẽ được ban hành kịp thời, rõ ràng, minh bạch. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt và triển khai được ngay các định hướng lớn của Đảng và Nhà nước”, bà Thúy chia sẻ.
![]() |
Bà Đinh Thị Thúy - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MISA |
Bà Thúy cũng chia sẻ thêm, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đã và đang có những nỗ lực nhất định để chuyển đổi tư duy, đổi mới mô hình hoạt động, chủ động tiếp cận công nghệ số và triển khai các nền tảng quản trị hiện đại. Theo bà, đây là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh số toàn cầu.
Từ kinh nghiệm thực tế, bà Thúy cho biết hiện có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi số do thiếu kiến thức, kỹ năng và đặc biệt là nguồn lực. Chính vì vậy, bản thân MISA đã triển khai các nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng thông qua dữ liệu tài chính số hóa, giúp ngân hàng đánh giá đúng năng lực tài chính doanh nghiệp, từ đó giải ngân tín chấp hiệu quả hơn. Thời gian vừa qua các ngân hàng hợp tác với MISA đã giải ngân được hơn 20.000 tỷ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vay vốn thông qua nền tảng của chúng tôi.
Ngoài ra, MISA cũng phối hợp với cơ quan thuế triển khai các chương trình miễn phí như tặng 300 hóa đơn điện tử hay 6 tháng sử dụng phần mềm kế toán, phần mềm chuyển đổi số cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ. “Chúng tôi mong để mở rộng các sáng kiến thiết thực này, rất cần cơ chế hỗ trợ phù hợp từ phía Nhà nước”, bà Thúy đề xuất.
Về lâu dài, bà Thúy cho rằng cần thiết lập các chính sách độc lập, linh hoạt để thúc đẩy hạ tầng công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, phát triển nguồn nhân lực số và ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa quy trình, nâng cao năng suất. Đồng thời, bà cũng đề xuất: "Về phía các hiệp hội, không nên chỉ đóng vai trò kết nối, mà nên đóng cả vai trò tư vấn chiến lược, dẫn dắt, đặc biệt là vào những thời điểm quan trọng như sau khi Nghị quyết số 68 được ban hành. Thông qua các hội viên tiêu biểu, hiệp hội cũng cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền, thúc đẩy tinh thần đổi mới và chuyển đổi số, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển".
Từ những chia sẻ từ đại diện doanh nghiệp và hiệp hội cho thấy một điểm chung rằng, để hiện thực hóa hiệu quả “bộ tứ chiến lược”, đặc biệt là Nghị quyết số 68-NQ/TW, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội. Việc biến chủ trương thành hành động đòi hỏi một hệ sinh thái hỗ trợ đủ mạnh, đồng bộ về chính sách, hạ tầng và nguồn nhân lực, từ đó giúp doanh nghiệp tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.