![]() |
Theo ông Nguyễn Kim Hùng, Nghị quyết số 68-NQ/TW là lời hiệu triệu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bước vào kỷ nguyên đổi mới – nơi công nghệ không còn là lựa chọn, mà là con đường sống còn. |
Gần 40 năm sau Đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến dài, với khu vực kinh tế tư nhân trở thành trụ cột quan trọng, đóng góp 50% GDP, hơn 30% ngân sách và tạo việc làm cho hơn 80% lao động. Tuy nhiên, khu vực này vẫn gặp nhiều rào cản và thể chế chưa theo kịp thực tiễn. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị được coi là cú hích chiến lược, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) cùng startup, nhờ vào các chính sách về chuyển đổi số, đổi mới công nghệ và tiếp cận vốn.
Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập về việc Nghị quyết số 68 đề cao vai trò của công nghệ và đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Kim Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhận định: “Việc Nghị quyết số 68-NQ/TW đặt công nghệ và đổi mới sáng tạo ở vị trí trung tâm là một lựa chọn đúng và kịp thời, góp phần tác động đến sự chuyển dịch của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong tương lai". Là người vừa trực tiếp điều hành doanh nghiệp, vừa đại diện tiếng nói cho cộng đồng SME, ông Nguyễn Kim Hùng nhận thấy rõ ba chuyển dịch quan trọng trong giai đoạn tới:
Thứ nhất là chuyển đổi mô hình kinh doanh. Doanh nghiệp cần chuyển từ phương thức truyền thống sang số hóa, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và hệ thống quản trị bằng công nghệ. Đây sẽ là điều kiện bắt buộc nếu muốn tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ hai là chuyển dịch chuẩn tiếp cận vốn. Các tổ chức tín dụng trong tương lai sẽ ưu tiên những doanh nghiệp có nền tảng công nghệ vững chắc, dữ liệu minh bạch và mô hình kinh doanh hướng đến sự bền vững. Doanh nghiệp không thích nghi với “chuẩn tín dụng mới” sẽ dần bị loại khỏi cuộc chơi.
Cuối cùng là chuyển đổi tư duy lãnh đạo. Từ phong cách quản trị cảm tính sang điều hành dựa trên dữ liệu và chiến lược có cơ sở. Ông Hùng nhận định đây là thách thức lớn nhất, song cũng là yếu tố bắt buộc để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển bền vững trong thời đại số.
Đặc biệt, ông Hùng kiến nghị: “Hãy cho phép doanh nghiệp dùng tài sản trí tuệ – công nghệ – mô hình AI làm tài sản bảo đảm vay vốn. Nếu làm được, chúng ta sẽ thay đổi căn bản cách SME tiếp cận tài chính trong nền kinh tế số.”
Dù mục tiêu thúc đẩy ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số cho khu vực tư nhân của Nghị quyết số 68-NQ/TW đã mở ra nhiều cơ hội, nhưng theo ông Hùng, vẫn còn khoảng cách lớn giữa định hướng của Nghị quyết và khả năng tiếp cận thực tế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Chúng ta đang có một nghịch lý là công nghệ ngày càng phổ biến, nhưng SME lại không dễ tiếp cận. Lý do là thiếu định hướng, thiếu kết nối, và thiếu cơ chế hỗ trợ theo năng lực thực tế", ông Hùng nhận định.
Từ thực tiễn điều hành doanh nghiệp, ông Nguyễn Kim Hùng đề xuất một số giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực tư nhân. Trước hết, cần xây dựng một "nấc thang năng lực số" phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp, thay vì áp dụng một chính sách đồng loạt. Mỗi cấp độ chuyển đổi sẽ cần những cơ chế hỗ trợ khác nhau, từ nhận thức, đào tạo cho đến ứng dụng công nghệ.
Bên cạnh đó, để công nghệ thực sự đến được với doanh nghiệp, cần phát triển mạng lưới trạm chuyển giao công nghệ tại địa phương, đóng vai trò kết nối giữa viện nghiên cứu, các startup công nghệ và doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi.
Cuối cùng, ông Hùng nhấn mạnh đến mô hình hỗ trợ công nghệ dưới dạng dịch vụ thuê bao (tech-as-a-service), cho phép doanh nghiệp sử dụng ngay, trả dần theo nhu cầu, đồng thời được Nhà nước chia sẻ chi phí đầu tư ban đầu. Đây sẽ là một giải pháp giúp giảm rào cản tài chính và thúc đẩy ứng dụng công nghệ rộng rãi hơn.
Ông cũng chia sẻ một mô hình đang được triển khai tại KimNam Group, nơi ông Hùng đang trực tiếp lãnh đạo: “Chúng tôi đã xây dựng nền tảng đánh giá nhanh năng lực số và tài chính cho SME, giúp họ biết rõ mình đang ở đâu và cần gì. Nếu được thể chế hóa và mở rộng, đây sẽ là công cụ thực hiện chính sách rất hiệu quả".
![]() |
Nghị quyết số 68 đã đề cao vai trò của công nghệ và đổi mới sáng tạo |
Sandbox – Không gian thể chế cho đổi mới sáng tạo
Một điểm đáng chú ý trong Nghị quyết số 68 lần này chính là việc đề xuất khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho công nghệ, sản phẩm và mô hình kinh doanh mới. Theo ông Kim Hùng, đây là “vùng đệm thể chế” cực kỳ cần thiết trong bối cảnh đổi mới sáng tạo đang trở thành động lực tăng trưởng chính.
“Sandbox là không gian thử nghiệm chính sách cực kỳ cần thiết cho thời kỳ đổi mới sáng tạo. Nếu thiết kế đúng, đây sẽ là ‘vùng đệm thể chế’ để SME thử mô hình mới mà không bị trói bởi thủ tục cứng nhắc", đại diện VINASME nhận xét.
Theo ông Hùng, có ba lĩnh vực cần được ưu tiên triển khai cơ chế sandbox nhằm tạo đột phá trong phát triển doanh nghiệp. Trước hết là tài chính số dành cho SME, nơi có thể thử nghiệm các công nghệ mới như AI chấm điểm tín nhiệm, tài sản hóa trí tuệ, hay nền tảng gọi vốn cộng đồng, nhằm mở ra các kênh huy động vốn phi truyền thống và phù hợp hơn với năng lực của doanh nghiệp quy mô nhỏ.
Tiếp theo là chuyển đổi số trong mô hình quản trị doanh nghiệp, với các thử nghiệm cho phép SME vận hành mô hình điều hành dựa trên dữ liệu, tích hợp AI và IoT (Internet vạn vật) vào các khâu sản xuất, thương mại và logistics, giúp tăng năng suất và hiệu quả quản lý. Cuối cùng, lĩnh vực kinh tế xanh và nông nghiệp số cũng cần không gian thử nghiệm chính sách, nơi doanh nghiệp, hợp tác xã và startup có thể phối hợp triển khai các giải pháp công nghệ tuần hoàn, truy xuất nguồn gốc, và thương mại hóa tín chỉ carbon, từ đó tạo ra giá trị mới cho sản phẩm và góp phần phát triển bền vững.
Ông cũng đề xuất: “Tôi nghĩ nên xây dựng sandbox cấp tỉnh, có sự tham gia của hiệp hội, viện nghiên cứu, và các cơ quan quản lý, để tạo ‘mô hình mẫu thể chế’ mang tính địa phương và khả thi.”
Bên cạnh cơ chế sandbox, điểm quan trọng nữa của Nghị quyết số 68 là cho phép doanh nghiệp trích tối đa 20% thu nhập tính thuế để lập Quỹ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Dù được đánh giá cao về tầm nhìn, nhưng ông Kim Hùng cảnh báo về tính khả thi nếu không có điều chỉnh phù hợp với thực tiễn doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Chính sách này rất có tầm, nhưng nếu không điều chỉnh linh hoạt, thì SME khó hưởng lợi. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ hiện nay lợi nhuận thấp, dòng tiền yếu, nên khó có khả năng trích quỹ, nhất là khi việc sử dụng quỹ lại bị ràng buộc nhiều quy định, ông Hùng nhận xét.
Để khắc phục tình trạng này, ông Hùng đề xuất ba hướng cải tiến. Trước hết là cho phép các doanh nghiệp trong cùng một cụm hoặc ngành nghề lập quỹ chung, nhằm chia sẻ nguồn lực, tránh tình trạng manh mún và tạo ra sức bật tập thể. Thứ hai, cần thay đổi tư duy coi quỹ chỉ là một khoản chi phí, mà nên xem đây là một kênh đầu tư có thể sinh lời, cho phép doanh nghiệp rót vốn vào startup, công nghệ nền tảng hay phần mềm dùng chung. Cuối cùng là số hóa toàn bộ hoạt động quản lý và giám sát quỹ, tạo ra một nền tảng minh bạch và dễ kiểm soát, giúp doanh nghiệp an tâm sử dụng mà không lo bị truy thu do những vướng mắc thủ tục.
Ông nhấn mạnh thêm, muốn doanh nghiệp trích lập quỹ, thì quỹ đó phải thực sự có giá trị sử dụng, linh hoạt, hiệu quả và an toàn. Nếu không, chính sách tốt cũng sẽ rơi vào tình trạng ‘trên nóng dưới lạnh’.
“Nghị quyết số 68-NQ/TW là lời hiệu triệu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bước vào kỷ nguyên đổi mới – nơi công nghệ không còn là lựa chọn, mà là con đường sống còn. Nếu đi cùng nhau, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hoàn toàn có thể bứt phá – không chỉ để tồn tại, mà để dẫn đầu trong tương lai số", ông Nguyễn Kim Hùng chia sẻ. |