Nghệ An: Tốc độ tăng tổng sản phẩm năm 2021 ước đạt 6,25%

18:00 25/11/2021

Đó là thông tin được Sở Kế hoạch & Đầu tư Nghệ An nêu lên tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2021 của UBND tỉnh này….

Theo đó, tuy đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, nhưng kinh tế Nghệ An vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 ước đạt 6,25%, trong đó: Khu vực nông – lâm - thủy sản ước tăng 5,21%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 14,05%; khu vực dịch vụ ước tăng 1,24%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 6,64%. Dự kiến hết năm 2021, toàn tỉnh Nghệ An có 300/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chiếm 72,99%, có 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có 07 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn NTM. 

  Phiên họp thường kỳ tháng 11/2021 của UBND tỉnh Nghệ An.

Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 17.603 tỷ đồng, vượt 25,42% dự toán, bằng 98,7% cùng kỳ. Chi ngân sách ước đạt 27.984 tỷ đồng, bằng 108,8% dự toán. Sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 16,03% cùng kỳ. Một số sản phẩm có mức tăng khá so với cùng kỳ như đá xây dựng, xi măng, sữa tươi, bao bì, điện sản xuất…Xuất khẩu là điểm sáng trong bối cảnh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dự ước cả năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1.500 triệu USD, tăng 33,57% so với năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu năm 2021 ước đạt 840 triệu USD, tăng 14,28% so với cùng kỳ năm 2020.

Công tác chỉ đạo, điều hành triển khai kế hoạch đầu tư công được thực hiện quyết liệt. Tính đến 20/11/2021, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân 2.101,886 tỷ đồng, đạt 66,47% kế hoạch giao đầu năm, trong đó vốn trong nước đã giải ngân đạt 74,95%, vốn nước ngoài đạt 31,46%. Dự kiến đến 31/01/2021, tổng tất cả các nguồn vốn giải ngân đạt 93,09% kế hoạch giao đầu năm. 

  Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư  Nghệ An Nguyễn Xuân Đức báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 tại phiên họp.

Môi trường đầu tư kinh doanh được tập trung cải thiện, tăng cường công tác thu hút đầu tư, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tính đến ngày 20/11/2021, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới cho 106 dự án, điều chỉnh 118 lượt dự án, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 28.072,8 tỷ đồng. Thành lập mới 1.666 doanh nghiệp, tăng 1,34% cùng kỳ và có 703 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 152 doanh nghiệp so với cùng kỳ 2020.

Lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo tổ chức dưới nhiều hình thức, phù hợp với tình hình dịch bệnh để lan tỏa giá trị tốt đẹp trong nhân dân. Tập trung triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tính đến 16/11/2021, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 72.871 lượt đối tượng với kinh phí 106,84 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 64,11% số đối tượng, 52,52% kinh phí dự kiến hỗ trợ).

Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được quan tâm thực hiện. Công tác cải cách hành chính, quản lý nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh đã được các sở, ban, ngành tham mưu xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử theo đúng quy định. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, các ngành, địa phương. 

  Doanh nghiệp ngành may mặc của Nghệ An duy trì sản xuất trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Thực hiện tốt công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu kiện của nhân dân. Hoạt động đối ngoại được triển khai linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với diễn biến dịch Covid-19.

Song, có 06/28 chỉ tiêu chủ yếu dự kiến không đạt mục tiêu đề ra, trong đó có chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế là tốc độ tăng trưởng GRDP, GRDP bình quân đầu người, tạo áp lực cho các năm tiếp theo để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) đã đề ra. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải hoạt động cầm chừng, tạm ngừng hoạt động và phải giải thể. Tiến độ thực hiện của nhiều dự án đầu tư, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm so với yêu cầu…

Văn Cương – Hương Giang