Nghệ An: Nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động giai đoạn 2021 -2025

16:31 08/07/2021

UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ nhiệm vụ và pháp pháp của Kế hoạch hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 65.000 người lao động trên địa bàn giai đoạn 2021-2025…

Theo đó, Kế hoạch trên được UBND tỉnh Nghệ An ban hành với nhiệm vụ và giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, đổi mới và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm phổ biến, cung cấp đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách pháp luật nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Làm tốt công tác định hướng, tư vấn, tuyển sinh nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm. Đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào học nghề nghiệp theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường tổ chức các hoạt động để trang bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho người học. 

  Gắn đào tạo nghề với nhu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu của thị trường lao động là một trong những giải pháp UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu thực hiện trong Kế hoạch hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động trên địa bàn giai đoạn 2021 -2025 (Nguồn ảnh: baodauthau.vn)

Thứ hai, thực hiện tốt công tác khảo sát, cập nhật, bổ sung nhu cầu học nghề của người lao động. Dự báo nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn để xây dựng kế hoạch đào tạo hằng năm, giai đoạn gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và của từng vùng, từng ngành, từng địa phương. Chú trọng đào tạo các ngành nghề mới, nhất là các ngành nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, sản xuất công nghệ cao gắn với quy hoạch các sản phẩm chủ lực, các vùng sản xuất hàng hoá tập trung

Thứ ba, tăng cường các điều kiện đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nghiệp cho người lao động. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo đồng bộ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và yêu cầu của thị trường lao động. Nhất là các cơ sở đào tạo nghề nghiệp cho người lao động đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, lao động nông thôn.

Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh có đủ điều kiện tham gia đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho học viên.

Chú trọng xây dựng, chỉnh sửa, đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp và đặc điểm quy trình sản xuất, quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi ở từng vùng miền. Thường xuyên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới. Huy động các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo. 

  Đào tạo nghề chất lượng cao góp phần quan trọng cung ứng nhân lực cho tăng trưởng, tăng năng suất lao động (Nguồn ảnh: tuyengiao.vn)

Thứ tư, tăng cường gắn kết với doanh nghiệp để thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo có địa chỉ. Đồng thời, đào tạo theo vị trí làm việc trong doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã. Đào tạo nghề gắn với thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm – Chương trình OCOP”, liên kết sản xuất, hỗ trợ vốn sản xuất, tạo việc làm cho người lao động sau đào tạo. Chú trọng hỗ trợ đào tạo lại cho lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp.

Thứ năm, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, nhất là vai trò trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành, người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động. Tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc triển khai thực hiện Kế hoạch. Phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm trong công tác giáo dục nghề nghiệp kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Thông qua nhiệm vụ và giải pháp trên, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành và các đơn vị có liên quan nghiêm túc tổ chức thực hiện Kế hoạch hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, định kỳ báo cáo kết quả về Sở LĐ-TB&XH để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Văn Cương – Hoàng Lan