Nghệ An: Làng nghề Mây tre đan vượt khó trong đại dịch

07:22 20/07/2021

Năm 2021 do những khó khăn do dịch Covid-19 mang lại, các làng nghề truyền thống Mây tre đan trên địa bàn Nghệ An đang nỗ lực thích nghi với tình hình mới, đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị các điều kiện cho việc khôi phục sản xuất khi dịch bệnh đi qua.

Làng nghề mây tre đan ở các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thanh Chương, Nghi Lộc… ở Nghệ An chuyên sản xuất với các sản phẩm gia dụng và thủ công mỹ nghệ. Nếu như trước kia, các làng nghề hoạt động sôi động ngày đêm với các đơn hàng phục vụ trong nước, xuất khẩu thì khi dịch Covid-19 bùng phát, làng nghề rơi vào tình trạng sản xuất cầm chừng. 

  Các nghệ nhân sản xuất sảm phẩm Mây tre đan tại TP Vinh, Nghệ An.

Theo ông Thái Đại Phong, Giám đốc công ty TNHH Đức Phong chuyên xuất khẩu các mặt hàng mây tre đan xuất khẩu cho biết: “Hiện công ty đang liên kết với 16 làng nghề trên địa bàn tỉnh làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre đan xuất khẩu sang 34 quốc gia, chủ yếu là châu Âu. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021, khi đại dịch Covid-19 quay trở lại, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xuất khẩu của công ty, nhất là chi phí vận tải…”. Ông Phong, nói thêm  giá cước vận tải đường thủy đi châu Âu tăng 8-10 lần so với trước và đơn hàng tiêu thụ chậm hơn trước. Thế nhưng công ty vẫn đảm bảo việc làm cho gần 500 lao động ở các làng nghề và các đơn hàng xuất khẩu cho đến tháng 8 năm nay…

Đây cũng là thực trạng chung của các làng nghề trên địa bàn Nghệ An trong thời điểm hiện nay. Với 164 làng nghề, trong đó có nhiều làng nghề tham gia xuất khẩu hàng hóa thì đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, doanh thu mà còn ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của hàng nghìn lao động. Trước thực trạng đó, các làng nghề buộc phải tìm hướng đi phù hợp để bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Chia sẻ về khó khăn của bà con làng nghề, ông Võ Văn Lý – Trưởng phòng kinh tế Thị xã Cửa Lò nói: “Chính quyền địa phương đã động viên bà con duy trì sản xuất, chế biến, hướng dẫn bà con cách bảo quản hải sản, khuyến khích các hộ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua kênh online. Đồng thời, khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các làng nghề đăng ký xây dựng các sản phẩm OCOP. Theo đó, sản phẩm 3 sao OCOP được hỗ trợ 10 triệu đồng, 4 sao 15 triệu đồng và 5 sao 20 triệu đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ về bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu sản phẩm…”.

Vũ Văn Tiến