Nghệ An: Hiệu quả từ Mô hình sản xuất sản phẩm thủy sản theo chuỗi khép kín đảm bảo ATTP cần nhân rộng

13:10 13/12/2022

Mô hình sản xuất sản phẩm thủy sản theo chuỗi khép kín đảm bảo ATTP do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản Nghệ An phối hợp với UBND TX. Cửa Lò triển khai xây dựng đã đạt được hiệu quả thiết thực, cần nhân rộng…

Từ thực trạng sản xuất chế biến thủy sản…

Từ sự hội tụ các yếu tố như bờ biển trải dài 82km và 4.239 hải lý vuông cùng 6 cửa lạch ra vào…cho thấy Nghệ An có đủ tiềm năng để phát triển lớn mạnh ngành nghề chế biến thủy sản. Theo đó, chế biến thủy sản đã trở thành một nghề có truyền thống lâu đời của các huyện, thị ven biển tỉnh Nghệ An gồm Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò. Sản lượng nước mắm truyền thống sản xuất trong tỉnh Nghệ An ước đạt 12 - 15 triệu lít/năm. Các cơ sở sản xuất lớn của tỉnh Nghệ An như: Công ty CP Thủy sản Nghệ An; Công ty CP Vạn Phần; Công ty CP thủy sản Quỳnh Lưu; Làng nghề chế biến nước mắm tập trung Quỳnh Dị (TX. Hoàng Mai); Làng nghề nước mắm Cửa Hội cùng với hơn 300 cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình... 

Ảnh minh họa
Ngư dân Nghệ An ra khơi...

Nghệ An đã có Nhà máy chế biến thủy sản 38B tại huyện Quỳnh Lưu và Nhà máy sản xuất cá hộp Royal Foods; Nhà máy chế biến nước mắm Masan tại Khu công nghiệp Nam Cấm (huyện Nghi Lộc). Thêm vào đó, Nghệ An còn có hàng trăm hộ chế biến thủy sản tại các huyện, thị: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Hoàng Mai, Cửa Lò. Không những thế, Nghệ An còn là trung tâm thu mua, phân phối thủy sản của cả nước. Hiện, toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 200 kho đông lạnh với công suất thiết kế 40.000 tấn, trữ lượng dự trữ thực tế mỗi năm 28.000 - 29.000 tấn sản phẩm, tập trung chủ yếu ở Cửa Lò, Hoàng Mai, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, sản phẩm chủ yếu là cá, mực đông lạnh.

Tiềm năng là vậy, nhưng trong thực tế, về mặt chất lượng và số lượng sản phẩm thủy sản Nghệ An không thực sự song hành, các mặt hàng gia công, chế biến thô vẫn chiếm tỷ trọng lớn nên giá trị không cao. Trong những năm qua, do nhiều nguyên nhân dẫn đến ngành nghề chế biến thủy sản của Nghệ An chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, vẫn còn nhiều hạn chế chưa được tháo gỡ, điển hình như: Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chế biến thủy sản chưa được đầu tư đúng mức, trang thiết bị còn lạc hậu, sản xuất manh mún… Sản phẩm thủy sản Nghệ An tham gia xuất khẩu chủ yếu vẫn là hàng thô, hàng thùng, không có nhãn mác nên chưa nâng cao được giá trị, chưa xây dựng được thương hiệu thủy sản Nghệ An trên thị trường trong và ngoài nước.

Đến hiệu quả thiết thực của mô hình…

Từ thực trạng trên cho thấy “điểm cốt lõi” để nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản Nghệ An là ở khâu chế biến. Do đó, để giải quyết “điểm nghẽn” cho thủy sản Nghệ An thì cần phải xây dựng được các cơ sở chế biến sâu sản phẩm, đảm bảo chất lượng tốt, mẫu mã để giới thiệu đến người tiêu dùng. Theo đó, thực hiện kế hoạch hoạt động trong lĩnh vực quản lý chất lượng, chế biến thương mại nông lâm thuỷ sản năm 2022, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản Nghệ An hỗ trợ Công ty CP Thủy sản Quỳnh Lưu xây dựng mô hình chế biến nước mắm theo tiêu chuẩn HACCP, xây dựng Mô hình sản xuất sản phẩm thủy sản theo chuỗi khép kín đảm bảo tiêu chuẩn ATTP tại Công ty TNHH MTV Hải sản Sơn Huyền (gọi tắt là Công ty Sơn Huyền). Sau gần một năm triển khai, các mô hình này đã đạt được những hiệu quả thiết thực… 

Ảnh minh họa
Công ty Sơn Huyền sản xuất, chế biến sản phẩm Nem Hải Sản

Công ty Sơn Huyền là đơn vị chuyên thu mua thủy sản Nghệ An. Trụ sở Công ty đóng tại phường Nghi Hải (TX. Cửa Lò), gần với Cảng cá Cửa Hội nên rất thuận tiện để xây dựng và phát triển Mô hình sản xuất sản phẩm thủy sản theo chuỗi khép kín từ khai thác - thu mua - bảo quản - chế biến đảm bảo tiêu chuẩn ATTP, đáp ứng nguyện vọng của Công ty. Mục tiêu chung của mô hình này là nhằm: Đáp ứng nhu cầu và quyền được sử dụng sản phẩm đảm bảo an toàn, rõ nguồn gốc của người tiêu dùng. Từng bước tạo dựng thói quen, tập quán, trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả đối với người sản xuất, kinh doanh; Hỗ trợ công ty áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp, tiên tiến để đảm bảo cung cấp cho người tiêu dùng các loại sản phẩm đáp ứng các tiêu chí về ATTP, xây dựng thành công quy trình chế biến các sản phẩm thủy sản theo tiêu chuẩn; Tạo dựng được liên kết chặt chẽ trong kiểm soát ATTP của chuỗi sản xuất gắn với đại lý thu mua đến cơ sở kinh doanh sản phẩm; Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ và sự phối hợp của các cơ quan quản lý tham gia thực hiện mô hình. Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát ATTP của địa phương; Tạo dư luận tốt và góp phần củng cố, khẳng định xu hướng quản lý ATTP theo chuỗi là hướng đi tất yếu mang lại sự phát triển bền vững trong sản xuất, chế biến thủy sản; Đổi mới về bao bì, nhãn mác phù hợp với quy định hiện hành và thị hiếu người tiêu dùng; Sản phẩm được quảng bá rộng rãi, có thị trường tiêu thụ ổn định trong cả nước. 

Ảnh minh họa
Cận cảnh sản phẩm Tôm Tẩm Bột của Công ty Sơn Huyền

Trên cơ sở đó, Mô hình đã được triển khai với những mục tiệu cụ thể: Xây dựng được quy trình sản xuất, chế biến các sản phẩm của Công ty đáp ứng yêu cầu ATTP; Đánh giá thực trạng, tư vấn nâng cấp về điều kiện đảm bảo ATTP trong quá trình sản xuất, vận chuyển và kinh doanh sản phẩm của Công ty; Sản phẩm chế biến được gắn nhãn mác, tem nhận diện mã vạch, mã QR; Kết nối sản phẩm của Công ty là đặc sản nổi bật của vùng ven biển Nghệ An với các trung tâm thương mại trong, ngoài tỉnh và quảng bá sản phẩm thông qua hội chợ thương mại được tổ chức trong nước, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm; Tuyên truyền, phổ biến, quảng bá kết quả thực hiện mô hình sản xuất sản phẩm thủy sản theo tiêu chuẩn ATTP gắn với tiêu thụ sản phẩm. 

Ảnh minh họa
Công ty Sơn Huyền sản xuất sản phẩm Chả Mực Đặc Biệt

Để thực hiện, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản Nghệ An đã tổ chức tập huấn cho 20 học viên là lãnh đạo, người lao động của Công ty Sơn Huyền để trang bị kiến thức ATTP và đào tạo áp dụng quy trình, công nghệ chế biến thủy sản, phổ biến các quy phạm, quy định, nội quy liên quan đến áp dụng tiêu chuẩn ATTP trong quá trình sản xuất, chế biến. Song song với đó, trong quá trình thực hiện sản xuất, Chi cục đã bố trí cán bộ nghiệp vụ thường xuyên bám sát để hướng dẫn cho người lao động sản xuất đúng quy trình và chỉnh sửa những công việc sai quy trình công nghệ. Đồng thời, giám sát, kiểm tra, đánh giá và khắc phục các sai lỗi trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, Chi cục còn hỗ trợ các vật tư cần thiết để sản xuất sản phẩm đạt chất lượng theo quy định. Nhờ đó, các sản phẩm thủy sản chế biến tại Công ty Sơn Huyền đã được sản xuất theo chuỗi khép kín từ Khai thác - Bảo quản – Chế biến – Tiêu thụ. 

Ảnh minh họa
Cận cảnh Khu sơ chế, khu chế biến, kho bảo quản sản phẩm của Công ty Sơn Huyền

Trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến tại Công ty Sơn Huyền cơ bản được đầu tư đồng bộ theo hướng liên hoàn từ khâu bảo quản - sơ chế - chế biến - đóng gói thành phẩm. Một số thiết bị được đầu tư theo công nghệ hiện đại… Nhìn chung, cơ sở hạ tầng nơi sản xuất đã được đầu tư, quy hoạch riêng biệt gồm các khu vực: Kho nguyên liệu, kho sơ chế, chế biến và kho thành phẩm. Nguyên liệu sản xuất của Công ty chủ yếu được lấy từ nguồn có sẵn tại địa phương và một số tỉnh khác trong cả nước. Công ty đã hợp đồng với các chủ phương tiện khai thác thủy sản trên địa bàn và các công ty chuyên cung cấp nguyên liệu để thu mua nguyên liệu đảm bảo. Hiện, Công ty đã sản xuất và tự công bố chất lượng chủ yếu cho 03 sản phẩm, đó là: Nem Hải sản, Chả mực đặc biệt và Tôm tẩm bột. Sản phẩm sản xuất đề cao chỉ tiêu chất lượng, ATTP. Nhãn mác sản phẩm đảm bảo theo quy định, có mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc…Nhờ đó đã tạo được thông tin minh bạch giữa cơ sở sản xuất với người tiêu dùng. Công ty đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nghệ An cấp giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện ATTP trong sản xuất, chế biến sản phẩm có nguồn gốc từ thủy sản. 

Ảnh minh họa
Bà Nguyễn Thị Huyền - GĐ Công ty TNHH MTV Hải sản Sơn Huyền giới thiệu quy trình Chế biến sản phẩm Tôm tẩm bột

Với sự thành công có được sau gần một năm triển khai xây dựng, vào tháng 11/2022 vừa qua, Chi cục đã tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả và chuyển giao cũng như định hướng nhân rộng mô hình, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm chế biến thuỷ sản. Qua Hội nghị, Chi cục cũng đã ghi nhận những đóng góp quý báu của các tập thể, cá nhân trong quá trình xây dựng mô hình tại Công ty Sơn Huyền.  

Ảnh minh họa
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết dự án mô hình chế biến thủy sản 

Được biết, ngoài mô hình trên, trong thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nghệ An còn xây dựng thành công các mô hình chế biến nông lâm thuỷ sản như: Mô hình chế biến muối của Công ty CP Muối Vĩnh Ngọc (huyện Quỳnh Lưu), Mô hình Chế biến Gừng của HTX Dịch vụ nông nghiệp tiểu thủ công Hương Sơn…

Văn Cương