Ngày xuân du ngoạn ngàn Nưa

09:57 14/02/2022

Trong Không gian mờ ảo, được bao phủ bởi những lớp sương mù dày đặc, cùng với quần thể di tích núi Nưa- đền Nưa - Am Tiên và những câu chuyện mang màu sắc u linh khiến cho phong cảnh ngàn Nưa những ngày đầu xuân như chốn “bồng lai tiên cảnh”. Có lẽ vì thế, hàng nghìn người dân ở khắp mọi nơi đã hành hương về đây để cầu phúc lộc đầu năm và thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang dã, thanh tịch của vùng đất linh thiêng trên đỉnh ngàn Nưa huyền thoại.

Phối cảnh tổng thể Am Tiên
Phối cảnh tổng thể Am Tiên. (Ảnh: Mai Trang)

Từ thành phố Thanh Hóa di chuyển theo hướng tỉnh lộ 517, chúng tôi đến đến làng Cổ Định, xã Tân Ninh, Triệu Sơn, Thanh Hóa. Đền Am Tiên nằm trên đỉnh núi Nưa ở độ cao gần 600 m so với mực nước biển. Quần thể bao gồm "Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên", với tổng diện tích 100 ha, riêng khu vực đền Am Tiên khoảng 4 ha. Là nơi gắn với sự tích cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu. Nơi đây có huyệt đạo linh thiêng, cũng nơi trời đất giao thoa (hay còn gọi là cổng trời), có giếng Tiên trên đỉnh núi ngàn Nưa, nước nơi đây không bao giờ vơi cạn.

Người dân địa phương cho biết, trước đây đường lên Am Tiên toàn là lau lách, du khách muốn lên tham quan, chiêm bái danh thắng gặp nhiều khó khăn khi di chuyển. Sau này, huyện Triệu Sơn đã phê duyệt quy hoạch xây dựng lại con đường truyền thống từ khu vực đền Nưa lên Di tích Quốc gia Am Tiên và huy động nhân dân trong vùng cùng một số doanh nghiệp trên địa bàn hiến đất, góp vốn đầu tư xây dựng. Đường lên đền Am Tiên bây giờ đã được đầu tư xây dựng đường bê tông sạch sẽ, thoáng đãng  nên chỉ mất khoảng 15 phút chạy xe là du khách có thể lên trên đỉnh ngàn Nưa. Từ đây nhìn xuống có thể trông ra bốn phương tám hướng, thấy rõ sự trù phú của các làng mạc trong vùng.

Tại ngàn Nưa, chúng tôi không chỉ được nghe nhiều câu chuyện u linh, huyền bí mà hơn tất cả, nơi đây còn được biết đến là nơi thờ chính thức Bà Triệu- Người phụ nữ đã cùng anh trai Triệu Quốc Đạt dấy binh khởi nghĩa dẹp loạn giặc Ngô.

Đền Nưa - nơi thờ chính thức Bà Triệu
Đền Nưa - nơi thờ chính thức Bà Triệu. (Ảnh: Phương Nam)

Theo sử sách ghi lại, năm 248, Triệu Thị Trinh (tức Bà Triệu) cùng người anh trai Triệu Quốc Đạt, một Huyện lệnh có thế lực trong vùng, đã tập hợp nghĩa sĩ, chọn núi Nưa làm căn cứ để luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi quân Đông Ngô xâm lược.

Cuộc khởi nghĩa sau đó tuy đã thất bại, nữ tướng phải tuẫn tiết ở núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) nhưng câu nói đầy khí tiết của bà: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta” muôn đời sau vẫn còn lưu truyền mãi. Hình tượng Bà Triệu “cưỡi voi, đánh cồng” đã đi vào tiềm thức của bao lớp người, trở thành biểu tượng về bản lĩnh và ý chí của người phụ nữ trên quê hương xứ Thanh, vì vậy mà người đời sau truyền nhau ru rằng:

“Ru con con ngủ cho lành

Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi

Muốn coi lên núi mà coi

Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng

Túi gấm cho lẫn túi hồng

Têm trầu cánh phượng cho chồng ra quân"

Ngày nay, xung quanh vùng núi Nưa vẫn còn lưu truyền nhiều địa danh gắn liền với căn cứ kháng chiến của Bà Triệu như: Gò Đống Thóc (nơi để kho lúa của nghĩa quân), Đồng Kỵ (nơi nuôi ngựa chiến của nghĩa quân).

Xung quanh khu vực Am Tiên người dân còn thu gom được rất nhiều hiện vật bằng đá, gạch thời Lê và thời Nguyễn như khánh đá, chân tảng đá, gạch vồ cổ cỡ lớn... Đó chính là những di vật có giá trị minh chứng một cách xác thực về sự tồn tại khá lâu đời của các loại hình kiến trúc, tín ngưỡng, tôn giáo Phật - Đạo -Mẫu trên đỉnh núi Nưa huyền thoại này.

Trên đỉnh ngàn Nưa, ngoài Am Tiên - là nơi thờ Thánh Mẫu, thờ Phật còn có nhiều địa điểm kỳ bí như bàn cờ Tiên. Tương truyền là nơi các tiên ông thấy cảnh đẹp thường lui tới thượng cờ, ngồi ngắm núi sông làng mạc. Cho đến hiện nay, dấu tích bàn cờ tiên vẫn được gìn giữ và bảo tồn. Đỉnh Am Tiên còn có mạch nước ngầm trong vắt. Kỳ lạ hơn, nước có ở đỉnh núi nhưng lại không bao giờ cạn, mưa to nước không đầy, tạo thành một cái giếng rất tự nhiên nên người dân địa phương gọi là giếng Tiên, ai tới giếng cầu xin nước về uống sẽ gặp được nhiều may mắn. 

Giếng Tiên nước quanh năm không bao giờ cạn
Giếng Tiên nước quanh năm không bao giờ cạn. (Ảnh: Phương Nam)

Rồi chuyện về những cây cổ thụ ngàn năm tuổi dùng để cột voi, chuyện về vườn đào Tiên, vườn thuốc Tiên… vì thế mà đến ngày nay, dưới đỉnh Am Tiên vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện thần tiên, như câu chuyện Tiên ông xuống chợ.

Chuyện rằng: “Đất Thanh Hoá phần nhiều là núi đất, bát ngát bao la đến mấy ngàn dặm. Trong đó có một ngọn núi cao chót vót, tên gọi là núi Na. Núi có động, dài mà hẹp, hiểm trở mà quạnh hưu, bụi trần không bén tới. Hàng ngày trong động có người tiều phu gánh củi đi ra, đem đổi lấy cá và rượu cốt được no say chứ không lấy một đồng tiền nào. Hễ gặp ông già trẻ con dưới làng lại nói chuyện trồng dâu, trồng gai một cách vui vẻ. Ai hỏi họ tên, nhà cửa, tiều phu chỉ cười mà không trả lời. Mặt trời gác núi lại thủng thẳng về động”.

Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn còn ghi rằng: “Ở Tinh Mễ, xã Quần Ngọc phía Tây của huyện Nông Cống (nay là xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn) có tên gọi là khu Na Sơn (núi đuổi ma). Tương truyền núi có nhiều ma quỷ nhưng rồi một vị sơn tăng đến đây đọc chú, dần dần ma quỷ biến mất đi nên có tên gọi như thế. Mạch núi vốn được bắt nguồn từ huyện Lôi Dương (nay thuộc huyện Thọ Xuân) đổ lại, từng dãy liên tiếp, dài suốt mười mấy dặm. Nơi đây có 4 ngọn nước đổ dồn, nhà phong thủy nói bảy phiến long, bảy phiến hổ tức là nơi này. Trên ngọn cao chót vót của dãy núi có một ngôi chùa cổ, tục gọi là Am Tiên…”.

Ngoài những câu chuyền huyền thoại, u linh, trên đỉnh núi Nưa ở độ gần 600m so với mực nước biển còn có một bãi đất rộng, truyền rằng đó là một huyệt đạo thiêng gọi là “huyệt khí quốc gia”. Hiện theo nghiên cứu phong thủy, Việt Nam  có 3 huyệt đạo thiêng. Một là núi Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội); hai là ở núi Bà Đen (Tây Ninh); ba là huyệt đạo ở đỉnh núi Nưa, (Triệu Sơn, Thanh Hóa). Huyệt đạo thiêng ở đây là một khoảng đất rộng, được rào chắn kỹ lưỡng, bán kính khoảng hơn 20m.Theo cách gọi của các nhà phong thủy, Huyệt đạo này là nơi giao hòa, đắc địa của trời đất, tất cả linh khí của trời đất sẽ được hội tụ tại huyệt đạo thiêng này. Bởi thế, lãnh đạo, nhân dân các địa phương thường lên đây thắp hương cầu cho quốc thái dân an, cầu lộc, cầu tài mỗi dịp đầu xuân năm mới.

Huyệt đạo kinh thiêng của trời đất tại am tiên
Huyệt đạo kinh thiêng của trời đất tại Am Tiên. (Ảnh: Phương Nam)

Ông Lê Bật Sơn, Thủ từ đền Am Tiêm cho biết, đây chính là nơi giao thoa giữa đất và trời, nên ta có thể cảm nhận được sự chuyển động của vũ trụ. Khi đứng ở huyệt đạo, nếu du khách nắm tay, nhắm mắt lại, sau đó thả lỏng cơ thể sẽ thấy tâm hồn như đang bay bổng. Ngày mồng 9 Âm lịch hàng năm chính là ngày mở cửa trời, nên cho dù ngày đó trời có mưa gió, bão bùng thì có một thời khắc nhất định núi Nưa sẽ quang đãng, hanh thông, đất trời như rộng mở. Hay mỗi lần đất nước có sự đổi thay nào đó, đêm đến người dân quanh vùng lại thấy có một vệt sáng trên đỉnh ngàn Nưa.

Với những nguồn gốc và giá trị lịch sử vốn có, năm 2009, khu di tích đền Nưa - Am Tiên đã được Bộ VHTT-DL công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hằng năm, Lễ hội chính đền Nưa - Am Tiên thường diễn ra từ ngày mở cổng trời (ngày 09, tháng) đến 20 tháng Giêng Âm lịch.

Hành hương về đền Nưa- An Tiêm trong những ngày đầu xuân, giữa bối cảnh đại dịch Covid- 19 dang diễn biến phức tạp, chúng tôi được biết năm 2022 lễ hội đền Nưa không được tổ chức rộng rãi theo truyền thống, nhưng hàng nghìn khách thập phương với tấm lòng thành kính vẫn đổ về ngàn Nưa về ngàn Nưa để thực hiện tín ngưỡng cầu phúc lộc đầu năm và thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ, không khí trong lành và nghe những câu chuyện ký bí được lưu truyền qua bao đời ở vùng đất đất thiêng này.

Ngọc Lâm