Linh thiêng ngôi chùa nơi cửa bể

08:05 10/02/2021

Trên địa bàn thành phố Sầm Sơn hiện có tới hơn 20 di tích đã được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh, là một trong số các địa phương có tỷ lệ mật độ di tích cao. Trong rất nhiều di tích lịch sử đó Khải Nam là ngôi chùa cổ, nổi tiếng linh thiêng.

Phần Hậu cung của chùa Khải Nam được xây dựng khang trang

Phần Hậu cung của chùa Khải Nam được xây dựng khang trang.

Sầm Sơn có bao nhiêu làng thì gần như cũng có bấy nhiêu Đình, Đền, Chùa, Phủ, Miếu, Điện, ... Chùa Khải Nam là một ngôi chùa có lịch sử lâu đời, tọa lạc tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn. Chùa được nhà nước Việt Nam xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia trong Cụm di tích Chùa Khải Nam - Đền Cá Lập. Đây là một trong số ít những ngôi chùa ở Thanh Hóa còn lưu giữ được những giá trị đặc trưng của làng quê Việt như “Cây đa, bến nước, sân chùa”. Người dân xứ biển Sầm Sơn có đi đâu cũng không thể quên tiếng chuông chùa vang vọng thiêng liêng trong mùa lễ hội.

Theo dòng chảy của lịch sử, chùa Khải Nam có nhiều tên gọi khác nhau. Ý nghĩa tên gọi của các ngôi chùa ở nước ta cũng không giống nhau ở các thời đại. Vào thời Lý tên các chùa đều mang ý nghĩa khuyến thiện, cầu mong, răn bảo,… Sang triều Trần tên chùa lại chú ý đến ý nghĩa cửa Phật. Tên chùa Khải Nam hiểu theo nghĩa thông thường là mở rộng lòng từ bi, đón nhận cứu khổ mọi chúng sinh trên nước Nam.

Tương truyền chùa Khải Nam có từ thời Trần Anh Tông (năm 1293-1314). Ban đầu, chùa được xây dựng chỉ mới bằng tranh tre, vách đất, tạm dùng để làm nơi thờ Phật và sinh hoạt tín ngưỡng. Đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 16-18), chùa mới được xây dựng lại bề thế, với Tam quan nguy nga, Chính điện lộng lẫy. Đến thời Nguyễn (năm 1870) chùa được xây dựng lại một lần nữa với kiến trúc lớn hơn. Tuy nhiên, do tác động ngoại cảnh của thiên tai, chiến tranh cùng sự bào mòn của thời tiết, ngôi chùa đã trở thành phế tích. Những năm cuối thế kỷ 20, nền chùa cũ được dùng xây dựng trường học, nay là trường Tiểu học Quảng Tiến 1.

Cổng chính vào chùa
Cổng chính vào chùa.

Để một di tích lịch sử có vai trò quan trọng không bị mai một, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân phật tử gần xa và cũng tạo điểm nhấn cho cụm di tích Đền Cá Lập,… thì việc khôi phục lại chùa Khải Nam là hết sức cần thiết. Bởi vậy, năm 2011, chùa Khải Nam được xây dựng lại ở một vị trí mới gần nền chùa cũ với diện mạo bề thế, khang trang, trở thành một địa điểm tâm linh quan trọng, thu hút nhiều du khách của thành phố Sầm Sơn.

Khu đất xây dựng chùa Khải Nam có diện tích chừng 4.500m2, quay về hướng Tây. Đây là khu đất thiêng, không gian thoáng đãng, cách nhà ở khu dân cư. Dòng sông Mã, sông Đơ và Âu thuyền như một dải lụa hình vòng cung bao bọc ngôi chùa. Phía Nam có dãy Trường Lệ che chắn. Theo phong thủy, đây là đất tụ linh, tụ đức thu hút được sinh lực từ trên cao xuống tạo âm dương hòa hợp.

Chùa Khải Nam xưa kia là một công trình kiến trúc nghệ thuật, là niềm tự hào của những người thợ thủ công tại phường Quảng Tiến. Chùa từng được mệnh danh là "An Nam đệ nhất Ải Tự" để nói về sự linh thiêng. Ngôi chùa đã minh chứng về một vùng đất bồi cổ, vốn có cư dân đến tụ cư lâu đời, cùng với những tiến trình thăng trầm của lịch sử dân tộc. Chùa Khải Nam giúp chúng ta hiểu được về sự hình thành, phát triển của đạo Phật trên đất nước Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Ngôi chùa cũng chính là chứng nhân lịch sử cho các cuộc gặp gỡ bí mật của các nhà hoạt động cách mạng, là nơi hội họp, luyện tập võ nghệ của lực lượng du kích, tự vệ thời kỳ tiền khởi nghĩa. Tháp chuông chùa Khải Nam là nơi chứng kiến lá cờ Cách mạng tung bay trong ngày tổng khởi nghĩa của đất nước.

Truyền thống mà hiện đại, chặt chẽ mà linh hoạt, chùa Khải Nam vừa kế thừa được nét đẹp và giá trị triết học của kiến trúc truyền thống đồng thời vừa thể hiện được hơi thở của thời đại với một bố cục, kiến trúc phóng khoáng. Công trình tâm linh này hài hòa với địa thế, thiên nhiên mà vẫn giữ được nét trầm mặc, tĩnh tại, đậm chất thiền tự. 

Buổi lễ cầu an tại chùa Khải Nam
Buổi lễ cầu an tại chùa Khải Nam.

Lễ hội văn hóa truyền thống chùa Khải Nam có tên Cầu Phúc được tổ chức vào ngày 12 tháng 11 âm lịch hằng năm. Bà con Phật tử khắp nơi về đây chiêm bái để cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, biển lặng sóng êm, mùa màng bội thu, tôm cá đầy thuyền, cầu cho xóm làng bình yên, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Ngôi chùa đã từng tồn tại lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ ngư dân Sầm Sơn cùng những hồi tưởng về thuở khai làng, lập ấp với bao chiến công, bao linh hồn của các vị anh hùng, cha ông… Sự tồn tại của ngôi chùa không chỉ là nhu cầu thiết thực về văn hóa tinh thần của nhân dân mà còn là sự kế thừa sinh khí, là lá bùa thiêng, chấn giữ huyệt đạo cho sự phát triển bền vững, toàn diện của phường Quảng Tiến nói riêng và thành phố biển Sầm Sơn nói chung.

Gặp Đại đức Thích Tâm Định - Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Sầm Sơn, Sư Trụ trì chùa Khải Nam vào một ngày đầu năm 2021, sư tâm sự:

“Về làm sư Trụ trì chùa Khải Nam theo đạo Phật là nhân duyên để cùng với bà con phật tử tiếp tục công việc trùng tu tôn tạo xây dựng lại chùa. Đây cũng là bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia với nhà chùa, người tu sỹ với phật tử. Cũng như các cơ sở chùa chiền trong cả nước, năm 2020, do dịch bệnh Covid-19, chùa Khải Nam đã thực hiện nghiêm túc việc đóng cửa, thực hiện giãn cách xã hội, cùng với chính quyền và nhân dân thành phố Sầm Sơn đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh được an toàn. Mùa du lịch lễ hội đầu xuân Tân Sửu đang cận kề, tình hình dịch bệnh trên thế giới và nước ta vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Quảng Tiến lại là địa bàn của nhiều người đánh bắt thủy hải sản, người dân có thể trà trộn nhập cảnh từ biển về rất khó kiểm soát. Trong mùa lễ hội sắp tới nhà chùa sẽ quyết định không tổ chức rước kiệu để thực hiện khuyến cáo “5k”của Bộ Y tế. Lễ hội Cầu Phúc, chùa Khải Nam chỉ tổ chức mừng thọ, cầu an cho phật tử bằng cách chia nhỏ các nhóm để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch".

Minh Hiền