Ngành dệt may sẽ tìm thấy "ánh sáng trong hoang hoải"

01:53 16/12/2022

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, ngành Dệt may vẫn có khả năng tìm được cơ hội bứt phá. Giai đoạn 6 tháng cuối năm, dù tình hình sản xuất chững lại, song kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2022 dự kiến vẫn giữ mức tăng trưởng tốt, ước đạt 42 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm 2021. Theo ông Giang, với 17 FTA hiện có đã mở ra nhiều cơ hội, song đến nay các DN còn bỏ lỡ khiến hàng hóa Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đầy 2% thị phần tại thị trường EU khi tham gia Hiệp định EVFTA.

Ảnh minh họa
An Phước - Viramie đang giới thiệu sản phẩm mới cho khách hàng tham quan tại một triển lãm của ngành Dệt may.  

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đơn hàng các tháng cuối năm nay và quý I/2023 của nhiều doanh nghiệp giảm khá mạnh, mức giảm bình quân 25 - 27%.

Đặc biệt, với doanh nghiệp làm hàng gia công, sự suy giảm này càng nặng hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải chịu áp lực từ lãi suất ngân hàng tăng, mua nguyên phụ liệu và tỷ giá chênh lệch.

Theo Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM Phạm Xuân Hồng, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may tăng trưởng chủ yếu rơi vào các tháng đầu năm. Song từ tháng 7/2022 tới nay, các DN đang rất khó khăn, nhiều DN dệt may ở khu vực TPHCM đang sụt giảm đơn hàng mạnh tập trung vào thị trường Mỹ, EU bởi sức ép lạm phát lớn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

“Không chỉ gặp khó khăn về số lượng đơn hàng, đơn giá hàng dệt may cũng bị giảm hơn 20%, thậm chí có đơn hàng giảm tới 40 - 50%. Trong 10 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của đơn vị tăng khoảng 8% so cùng kỳ năm 2021, song các đơn hàng bị thiếu do đối tác dịch chuyển sang những thị trường có giá nhân công rẻ, thuế suất thấp như Bangladesh, Myanmar, châu Phi,...” - ông Hồng chia sẻ.

Tuy thực trạng không mấy khả quan song theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, ngành Dệt may vẫn có khả năng tìm được cơ hội bứt phá. Giai đoạn 6 tháng cuối năm, dù tình hình sản xuất chững lại, song kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2022 dự kiến vẫn giữ mức tăng trưởng tốt, ước đạt 42 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm 2021.

Theo ông Giang, với 17 FTA hiện có đã mở ra nhiều cơ hội, song đến nay các DN còn bỏ lỡ khiến hàng hóa Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đầy 2% thị phần tại thị trường EU khi tham gia Hiệp định EVFTA. Do đó, tận dụng được các FTA sẽ là một lực đẩy cho các DN gia tăng sản xuất, xuất khẩu trong thời gian tới.chính tình hình khó khăn lại là áp lực buộc doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường. Thành công của nhiều doanh nghiệp trong khó khăn vẫn tăng trưởng như May Việt Tiến, May 10, Nhà Bè, An Phước... sẽ là sự tham khảo tốt cho các doanh nghiệp trong ngành. 

d
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas. Ảnh: https://nhabe.com.vn/ 

Ông Giang cũng đề xuất nhiều biện pháp như thúc đẩy giảm nhập khẩu, tăng nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước để doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất, phát triển bền vững, xanh hóa, quản trị số, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt là khuyến khích doanh nghiệp dệt may phát triển bán hàng theo thiết kế, sáng tạo, giảm thiểu làm hàng gia công cho đối tác.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cân nhắc việc giảm thuế hoặc hoãn thuế cho doanh nghiệp ở thời điểm này và tìm các nguồn tài chính cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động. 

Toàn cảnh sự kiện
Toàn cảnh Hội thảo quốc tế ngành Dệt may 2022 toor chức tại TPHCM ngày 15.12.2022. Ảnh: Mị Dung. 

Ông Huy Linh, đại diện Công ty TNHH Dệt may Linh Đan (TP. Dĩ An, Bình Dương) cho biết, đến nay, do đơn hàng đã giảm tới 70%, nên Công ty chỉ còn “cầm cự” được hết tháng 12. Dù vậy, tới thời điểm này, Linh Đan vẫn cố gắng giữ chân 100% nhân sự.

“Tôi đang bỏ tiền túi ra để trả lương cho công nhân, chứ lợi nhuận, doanh thu của Công ty còn đang âm. Giờ chúng tôi chỉ mong sao sau Tết có đơn hàng, nếu không cứ tiếp tục tình trạng như hiện nay thì không biết sẽ đi về đâu”, ông Linh nói.

Đại diện Công ty CP May Phương Đông (quận Gò Vấp, TP.HCM) ông Phan Đinh Quang, cho biêt, từ tháng 11 tới nay, lượng đơn hàng về đã giảm khoảng 40%, nhưng May Phương Đông vẫn có thể cố gắng duy trì việc làm cho hơn 2.000 lao động, đồng thời có chế độ thưởng Tết cho người lao động nhờ nhận gia công cả những đơn hàng không thuộc thế mạnh của mình, đa dạng hóa các mặt hàng, sản phẩm. Thậm chí, ở thời điểm hiện tại, Công ty cũng sẵn sàng nhận cả những đơn hàng nhỏ, lẻ và giá trị thấp, giá không tốt để duy trì việc làm cho người lao động.

Công ty TNHH Viking Việt Nam (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cũng áp dụng những cách làm tương tự nhằm có thêm việc để giữ chân người lao động. Được biết, lượng đơn hàng của Viking đã giảm khoảng 5% ở quý IV/2022, nhưng tình hình sắp tới sẽ ít lạc quan khi đến thời điểm hiện tại, lượng đơn hàng cho quý I/2023 đã giảm khoảng 30%.

Bà Lê Nguyễn Trang Nhã, CEO Công ty TNHH Viking Việt Nam cho hay, Viking vẫn đang giữ nguyên lương, thưởng Tết và duy trì việc làm cho người lao động. Để làm được vậy, bên cạnh những phương pháp như đa dạng sản phẩm, nhận đơn nhỏ, lẻ… Viking còn nỗ lực phát triển thêm khách hàng nội địa.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ phát triển thị trường ngách, chọn đối tượng khách hàng là những người làm việc trong những điều kiện rất khắc nghiệt, sử dụng những nguyên phụ liệu đặc biệt để tạo ra những công năng tối ưu hơn cho sản phẩm”, bà Nhã nói.

Mị Dung