Nâng cao năng lực tài chính cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa

15:34 28/07/2023

Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tìm kiếm những chuyên gia tài chính có năng lực.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với những kiến thức về kế toán, kiểm toán quốc tế, ngày 28/7, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) triển khai Chương trình phát triển nguồn nhân lực ACCA job FastTrack và Chương trình đào tạo “Nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn và năng lực cạnh tranh quốc tế thông qua chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS”.

Ảnh minh họa
Toàn cảnh chương trình.

Tham gia chương trình, về phía VINASME có TS.Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME; ông Nguyễn Văn Từ - Chánh Văn phòng VINASME, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, bà Nguyễn Thị Bích Hường - Trưởng ban Thông tin và Truyền thông, ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, ông Trần Văn Hiển – Phó Trưởng ban Đào tạo và Hội viên VINASME.

Về phía ACCA có bà Helen Brand – Giám đốc điều hành toàn cầu ACCA; ông Ren Varma - Giám đốc khu vực Đông Nam Á lục địa ACCA; ông Tô Quốc Hưng – Giám đốc quốc gia Việt Nam. Ngoài ra chương trình còn có sự góp mặt của đại diện Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, bà Bùi Thúy Anh – Quản lý thương mại về giáo dục, Bộ Thương mại quốc tế Anh cùng đại diện một số doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ chương trình, buổi sáng ngày 28/7 đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa ACCA với VINASME.

Tại buổi lễ ký kết, TS. Tô Hoài Nam chia sẻ: “Với mong muốn tìm mọi biện pháp hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển mạnh hơn trong bối cảnh biến đổi liên tục của nền kinh tế toàn cầu, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, với tư cách là đại diện cấp quốc gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cùng đại diện một số doanh nghiệp sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc. ACCA là tổ chức đã có trên 119 năm hoạt động với mạng lưới hơn 241 ngàn hội viên, 542 ngàn học viên trên toàn cầu và cũng là tổ chức nghề nghiệp lớn hàng đầu thế giới. Chúng tôi rất vui mừng và hy vọng sớm chứng kiến thành quả tốt đẹp của mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa VINASME và ACCA".

TS. Tô Hoài Nam
TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME chia sẻ.

"VINASME luôn khẳng định sự nỗ lực đổi mới trong hợp tác với các tổ chức có uy tín, có năng lực như ACCA, tổ chức với các phương pháp đào tạo chuẩn quốc tế nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Với bản ký kết hợp tác và chương trình ngày hôm nay sẽ là tiền đề góng góp vào sự hợp tác phát triển sâu rộng hơn nữa giữa 2 bên”, ông Nam nhận định.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa ACCA với VINASME.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa ACCA với VINASME.

Bà Helen Brand đã bày tỏ sự vinh hạnh khi có mặt tại sự kiện. Bà chia sẻ: “Thông thường các công ty lớn, các công ty đa quốc gia luôn được quan tâm và lắng nghe, thế nhưng thực tế các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới là động lực phát triển kinh tế, đó là lý do vì sao tôi rất vinh dự để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa về các vấn đề tài chính. Thỏa thuận ngày hôm nay có ý nghĩa trên nhiều khía cạnh, là nền tảng nâng cao năng lực và thúc đẩy sự chuyên nghiệp của đội ngũ kế toán cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây cũng là dịp tạo cơ hội kết nối và chia sẻ kiến thức về tài chính, hỗ trợ cho sự tăng trường của ngành nghề kế toán tại Việt Nam. Sự kiện là bước tiến quan trọng cho việc thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa ACCA và VINASME, qua đó tạo động lực cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam".

bà Helen Brand
Bà Helen Brand chia sẻ trong buỗi lễ ký kết. 

Trong khuôn khổ buổi lễ cũng đã ra mắt chương trình ACCA FastTrack dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chia sẻ về chương trình, ông Tô Quốc Hưng nhận định: "Việc ra mắt Chương trình phát triển nguồn nhân lực ACCA Job FastTrack dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hứa hẹn là một bước đột phá trong quá trình tăng cường năng lực tài chính – kế toán cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Đồng thời hỗ trợ cho khối doanh nghiệp này phát triển thông qua việc kết nối doanh nghiệp với những tài năng là các chuyên gia và cộng đồng nhân tài ACCA với hàng nghìn hội viên, học viên và mạng lưới liên kết với hơn 50 trường đại học, cao đẳng trên cả nước”.

Tô Quốc Hưng
Ông Tô Quốc Hưng trình bày về chương trình ACCA FastTrack dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“ACCA hiểu rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, những doanh nghiệp đó vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc tìm kiếm những chuyên gia tài chính có năng lực và trình độ chuyên môn. Vì vậy, ACCA đã xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực ACCA Job FastTrack SME nhằm hỗ trợ và tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tuyển dụng và phát triển nhân tài”, ông Hưng chia sẻ.

Đại diện của ACCA và VINASME cũng đã chứng kiến Lễ ký kết Thỏa thuận Hợp tác về phát triển nguồn nhân lực thông qua Chương trình FastTrack ACCA diễn ra giữa đại điện các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham dự với ông Ren Varma - Giám đốc khu vực Đông Nam Á lục địa ACCA. Đây hứa hẹn sẽ là một chương trình rất có ý nghĩa và có giá trị với các doanh nghiệp.

Chia sẻ về mối quan hệ hợp tác này, ông Varma nói: “Mối quan hệ hợp tác sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành tài chính kế toán Việt Nam, mang đến cơ hội đáng mong chờ để hướng đến thành công chung, nâng cao chất lượng đội ngũ kế toán tài chính cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”.

Buổi chiều ngày đã diễn ra Chương trình Đào tạo nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp cận vốn quốc tế thông qua áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS.

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, ông Lê Anh Sơn – Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ kiểm toán, Công ty Deloitte Việt Nam nói: “Việc áp dụng IFRS đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thì sẽ có 4 lợi ích chính. Thứ nhất, liên quan đến hội nhập kinh tế, thứ 2 là cải thiện quy trình, thứ 3 là thu hút vốn đầu tư và thứ 4 là tăng khả năng cạnh tranh.

IFRS trên toàn cầu có khoảng 160 vùng lãnh thổ yêu cầu phải áp dụng, điều này thể hiện mức độ phổ biến của IFRS. Việc áp dụng giúp minh bạch thông tin, năng khả năng tiếp cận thông lệ quản trị trên quốc tế. Ở Việt Nam, theo Quyết định 345/QĐ-BTC 2020 của Bộ Tài chính cũng đưa ra và xây dựng lộ trình việc áp dụng IFRS cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó Bộ Tài Chính có đưa ra giai đoạn áp dụng tự nguyện là trước năm 2025. Sau khi áp dụng tự nguyện như vậy thì Bộ Tài chính sẽ xem xét đánh giá lại kết quả, đưa ra lộ trình cụ thể hơn trong việc áp dụng 1 cách chính thức. Theo khảo sát Deloitte Việt Nam, trong 3 năm gần đây, mức độ nhận thức về việc áp dụng IFRS đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có tăng lên, tuy nhiên tỉ lệ sẵn sàng áp dụng IFRS còn khá là khiêm tốn”.

ông Lê Anh Sơn – Phó tổng giám đốc Dịch vụ kiểm toán, công ty Deloitte Việt Nam
Ông Lê Anh Sơn – Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ kiểm toán, công ty Deloitte Việt Nam chia sẻ với PV Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập.

Theo ông Lê Anh Sơn, đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung, thách thức trong việc áp dụng IFRS đến từ rất nhiều phía. Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, cần phải có lộ trình hoặc 1 chính sách ưu đãi để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp áp dụng. Thứ 2 về phía nội tại của doanh nghiệp, họ cần đầu tư vào hệ thống, quy trình, ngoài ra cần phải có tư duy đổi mới để tiệm cận với các thông lệ quốc tế. Thứ 3, về phía trung tâm đào tạo, nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh đội ngũ có kiến thức vững chắc về IFRS, đây chính là nguồn lực dồi dào cho các doanh nghiệp sau này”.

Ảnh minh họa
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) chụp ảnh lưu niệm với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA).

Bảo Trinh
Video: Linh Chi