Chủ tịch Vinasme kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phục hồi và phát triển

15:52 07/07/2023

Chiều 6/7, tại cuộc làm việc với Thường trực Chính phủ do Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, TS Nguyễn Văn Thân- Đại biểu QH khóa XV, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam đã báo cáo về tình hình SX-KD và kiến nghị giải pháp hỗ trợ DN phục hồi.

Theo TS Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam (Vinasme), đơn hàng sụt giảm, đầu ra khó khăn, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu vẫn cao, điện vừa tăng giá (hiện tượng cắt điện ở một tỉnh phía Bắc tạo nên tâm lý bất ổn cho nhiều doanh nghiệp sản xuất), khó tiếp cận vốn… rất nhiều thách thức khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực sản xuất. Điều đáng lo ngại là những khó khăn hiện nay hoàn toàn có thể khiến doanh nghiệp gục ngã trước khi có cơ hội phục hồi. Điều đáng nói hơn nữa là khi doanh nghiệp gục ngã thì người lao động sẽ không có việc làm và thu nhập, đây là vấn đề đề an sinh xã hội và an toàn xã hội.

Minh chứng cho những khó khăn của doanh nghiệp, TS Nguyễn Văn Thân chỉ rõ, đã xuất hiện nhiều hơn các doanh nghiệp cắt giảm lao động, giảm giờ làm của người lao động, hoặc cho người lao động làm việc luân phiên. Đây là một thực tế đáng quan ngại. Có tới 80% doanh nghiệp rất khó khăn về tiếp cận tín dụng nếu không có tài sản thế chấp, là cảnh báo nhiều hạn chế cần phải được cải thiện ngay. Hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm, dịch vụ hàng hoá của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, tụt hậu so với thế giới chủ yếu là do khả năng tiếp cận vốn kém (đặc biệt là vốn trung và dài hạn). Lãi xuất cao, sản xuất không đủ chi phí, nên có tâm lý cầm chừng, nghe ngóng.

Ảnh minh họa
Chủ tịch Vinasme kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ DN phục hồi và phát triển tại cuộc làm việc với Thường trực Chính phủ.

Để các doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam đề xuất một số kiến nghị giải pháp để Thủ tướng chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ.

Trước hết, nhu cầu vay vốn đang nóng lên từng ngày và là vấn đề cấp thiết, rất cần được giải quyết ngay để đáp ứng các hoạt động sản xuất, kinh doanh như mua thiết bị máy móc, bổ sung vốn lưu động và các lĩnh vực đầu tư khác của doanh nghiệp.

Thành lập ở Trung ương Tổ công tác đặc biệt để thúc đẩy quá trình thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do lãnh đạo Chính phủ làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính làm Tổ phó, các thành viên là đại diện các bộ, ngành, tổ chức đại diện doanh nghiệp Trung ương và một số chuyên gia về kinh tế và pháp luật. Chính phủ hoặc UBTV Quốc hội ban hành một nghị quyết trao thẩm quyền đủ mạnh cho Tổ công tác trên cơ sở chương trình hành động quy mô toàn quốc và tổng thể, có mục tiêu kế hoạch cụ thể để giải quyết các vấn đề cấp bách đang vướng mắc, đồng thời thúc đẩy khả năng phản ứng chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực điều hành của các cấp quản lý trong công tác chỉ đạo điều hành của hệ thống hành chính, nhất là ở cấp địa phương.  Trong đó, trước mắt tập trung giải quyết tháo gỡ vào 3 vấn đề là vốn, thủ tục hành chính và mặt bằng SXKD. 

Rà soát loại bỏ một số quy định trong hệ thống quy phạm pháp luật còn chưa phù hợp, lệch nhịp với thực tiễn, gây khó khăn trong việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư công để nhanh chóng tạo cầu cho thị trường nội địa để bù đắp sự sụt giảm của thị trường thế giới.

Để thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị, cần sớm ban hành Luật phát triển công nghiệp, trong đó theo hướng làm rõ danh mục các ngành, sản phẩm công nghiệp nền tảng ưu tiên phát triển quốc gia và theo lợi thế của các vùng, địa phương.

Xây dựng các biện pháp phát triển công nghiệp theo chiều sâu (theo chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, hàm lượng khoa học công nghệ, phát triển bền vững…); phân công, phân cấp rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương thông qua tạo cơ sở pháp lý khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của các Bộ, ngành địa phương trong phát triển các ngành công nghiệp theo phân công của Chính phủ. Có chính sách khuyến khích tăng cường liên kết giữa các địa phương trong phát triển công nghiệp, hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp theo lợi thế của các địa phương, vùng; tăng cường công tác điều phối, phân cấp theo ngành, vùng, lãnh thổ và giữa các địa phương;

Quy định biện pháp ưu tiên đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành, qua đó tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tăng giá trị xuất khẩu; khuyến khích phát triển chế biến nông sản bằng công nghệ cao; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Quy định về tính kết nối trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh bảo đảm đồng bộ, khả thi, có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với điều kiện thực tiễn đất nước nhằm nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Quy định cụ thể hơn việc xác định cụm liên kết ngành công nghiệp, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, tổ hợp công nghiệp để áp dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành. Quy định chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp đối với đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số phát triển bền vững

Quy định rõ trách nhiệm của các CQNN trong việc phát triển công nghiệp theo hướng xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng ngành và các cơ quan, đơn vị thuộc ngành ở các cấp, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; trung ương và địa phương. Bổ sung trách nhiệm của các tổ chức xã hội, xã hội- nghề nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và các quỹ phát triển trong việc xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, nghề công nghiệp, vùng nguyên liệu.

Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam- Nguyễn Văn Thân cũng đề cập với Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề cấp thiết cụ thể liên quan đến điều kiện hoạt động của Hiệp hội, trong đó nhấn mạnh, đề Chính phủ sớm xem xét, quyết định công nhận Hiệp hội DNNVV Việt Nam và các Hội doanh nghiệp/DNNVV địa phương là Hội có tính đặc thù, hoặc tương đương như hội “đặc thù” nhằm đảm bảo tương xứng với vị trí, vai trò và sự đóng góp của các DNNVV đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án Hỗ trợ Hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp do Hiệp hội DNNVV Việt Nam đã trình để Hiệp hội cùng các địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển và hội nhập.

P.V