Mỹ - Trung và kỳ vọng trong vòng đám phán thỏa thuận mới

00:00 12/10/2020

Mỹ có thể kéo dài đánh thuế với hàng hóa Trung Quốc trong một thời gian đáng kể để đảm bảo rằng Bắc Kinh tuân thủ bất kỳ thỏa thuận thương mại nào.

Mỹ - Trung Quốc đang chuẩn bị tiến hành vòng đàm phán mới trong tuần tới

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump cũng lưu ý rằng việc tuyên bố có thể áp mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong một khoảng thời gian" không có nghĩa là tiến trình đàm phán rơi vào bế tắc.

Lời tuyên bố được Tổng thống Donald Trump đưa ra có thể làm phức tạp hơn các cuộc đàm phán mới trong tuần này, bởi giới chức Bắc Kinh đang thúc giục Washington dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan như một phần của thỏa thuận.

Theo kế hoạch, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ tới Trung Quốc vào tuần này để tham gia vòng đàm phán thương mại, được đánh giá là đang bước vào giai đoạn cuối cùng nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại kéo dài suốt tám tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các chuyên gia nhận định, mặc dù Mỹ và Trung Quốc vẫn cách xa nhau khi giải quyết xung đột thương mại, nhưng cũng không loại trừ khả năng có thể có một thỏa thuận sẽ được đưa ra vào cuối tháng Tư. 

Một thỏa thuận tốt đẹp cho cả hai bên sẽ đạt được nếu Trung Quốc đồng ý bảo vệ quyền sở hữu tốt hơn và giảm vai trò của nhà nước trong nền kinh tế; Mỹ đồng ý tăng cường tiết kiệm quốc gia và đầu tư công; và cả hai bên đã đồng ý đảo ngược việc tăng thuế gần đây. Thật không may, đây không phải là thỏa thuận có khả năng thành hiện thực.

Có thể thấy, chính sách thương mại của Mỹ với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Trump dường như không có sự đồng nhất. Để đạt được những ưu thế ban đầu, Tổng thống Trump đã tìm cách khắc phục thâm hụt thương mại hàng hóa song phương của Hoa Kỳ. 

Trung Quốc có thể cam kết mua thêm đậu nành, khí đốt tự nhiên và các mặt hàng khác của Hoa Kỳ. Nhưng điều này sẽ có ít hoặc không ảnh hưởng đến cán cân thương mại chung của Mỹ.

Tuy nhiên, càng về sau, chính quyền Trump dường như đã bỏ qua việc cần cân bằng thâm hụt thương mại mà chủ yếu tập trung vào việc thúc đẩy Trung Quốc tái cấu trúc nền kinh tế bằng cách thu hẹp khu vực nhà nước và giảm bớt sự kiểm soát của chính phủ với nền kinh tế.

Về cơ bản, cải cách thị trường cũng được chính phủ Trung Quốc quan tâm, nhưng hầu như rất ít bước tiến triển, thậm chí không có hành động nào được thực hiện kể từ thời điểm Đảng Cộng sản Trung Quốc tán thành cải cách vào cuối năm 2013.

Ngược lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không quan tâm đến việc giảm quy mô hoặc vai trò của nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả tiếp tục được hưởng các khoản vay ngân hàng dễ dàng hơn so với các công ty tư nhân năng động. 

Do đó, Trung Quốc khó có khả năng đáp ứng yêu cầu này phía Mỹ và chỉ có thể đáp ứng các mục tiêu dễ dàng hơn như mua thêm hàng hoá từ Mỹ, mở cửa thị trường Trung Quốc cho công ty Mỹ, cũng như một số biện pháp giám sát các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ và việc cưỡng ép chuyển giao công nghệ cho công ty Trung Quốc.

"Vấn đề cải cách thị trường thường không nằm trong danh mục đàm phán của Trung Quốc, họ sẽ từ chối nhắc đến vấn đề này. Tuy nhiên, nếu vòng đàm phán mới Trung Quốc có thể đưa ra điều kiện tiến hành cải cách theo một lộ trình dài hơi và các quan chức cấp cao của Mỹ thật sự đồng ý với điều này, các bước tiếp theo để hai bên đạt được một thỏa thuận sẽ trở nên dễ dàng hơn", một thành viên phái đoàn đàm phán Mỹ cho biết.

Trong thời gian qua, các chính sách kinh tế và thương mại của chính quyền Trump đối với Trung Quốc đang tạo ra những tác động không nhỏ tại Trung Quốc và cũng buộc các nhà hoạch định chính sách của quốc gia này phải áp dụng các chính sách kinh tế phi chính trị vào thị trường nội địa, với các chính sách tiền tệ linh hoạt hơn.

Tại thời điểm hiện tại, dường như Trung Quốc cần nhanh chóng đạt được một thỏa thuận hơn Mỹ. Việc kéo dài thời hạn đàm phán cũng sẽ có tác động lớn tới Trung Quốc khi nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì tương đối mạnh thì những dữ liệu gần đây cho thấy kinh tế Trung Quốc đang suy giảm.

Sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế Trung Quốc đang làm xói mòn các triển vọng trả nợ thông qua tăng trưởng. Đến lượt Bắc Kinh đã chuyển sang hợp nhất tài khóa như một biện pháp "thắt lưng buộc bụng" bằng việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu để giảm nợ.

Cùng với đó, cuộc chiến thương mại với Mỹ kéo dài đã giúp các nước láng giềng với Trung Quốc sẽ trở thành người hưởng lợi gián tiếp khi trở thành nơi thu hút đầu tư nước ngoài mới. Do đó, các chính sách trả đũa của Bắc Kinh sẽ có tác động tiêu cực hơn nữa, làm sâu sắc thêm những bất lợi của cuộc chiến thương mại với nền kinh tế của Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến công du châu Âu để tìm kiếm đồng minh và sự ủng hộ cho sáng kiến "Vành đai, Con đường". Và Mỹ chắc chắn đang theo dõi chặt chẽ chuyến đi này. Tuy nhiên, khi ông Tập trở về nước, ông sẽ tiếp tục phải chuẩn bị những sách lược mới để đối phó với đối thủ đáng gờm nhất của mình khi các chiến lược lâu nay của Bắc Kinh trong mối quan hệ với Mỹ đã không còn hữu dụng.