Mỹ đẩy mạnh việc phổ cập internet đến mọi người dân vào năm 2023

23:11 27/06/2023

Nỗ lực này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Biden đang nỗ lực thúc đẩy quảng bá những thành tựu về đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, kinh tế và biến đổi khí hậu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố về chương trình tài trợ Internet băng thông rộng ngày 26/6 tại Nhà Trắng. (Ảnh: Reuters).
Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố về chương trình tài trợ Internet băng thông rộng tại Nhà Trắng. (Ảnh: Reuters)..

Nhà Trắng mới đây cho biết, đã phân bổ 42,45 tỷ USD cho 50 bang tại Mỹ với mục tiêu phổ cập Internet tốc độ cao đến năm 2030.

Khoản tài trợ được áp dụng dựa trên Chương trình triển khai và tiếp cận công bằng về băng thông rộng, một phần của Luật đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký năm 2021. Nguồn vốn này không phân bổ đồng đều mà sẽ chi tiêu dựa trên bản đồ phạm vi phủ sóng Internet do Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) mới phát hành gần đây.

Theo đó, Texas và California – hai bang đông dân nhất đứng đầu danh sách nhận tài trợ với số tiền tương ứng 3,1 tỷ USD và 1,9 tỷ USD. Các bang khác dân số ít hơn như Virginia, Alabama và Louisiana cũng nằm trong top 10 nhận tài trợ vì thiếu khả năng tiếp cận băng rộng. Các bang này đều có diện tích vùng sâu vùng xa rộng lớn, ít kết nối Internet hơn các thành phố lớn. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, đây là khoản đầu tư vào Internet tốc độ cao lớn nhất lịch sử. Ông đánh giá truy cập Internet cũng quan trọng như điện, nước, dịch vụ cơ bản khác. Số tiền tối thiểu mà một bang được cấp là 107 triệu USD.

Nỗ lực này nhằm đảm bảo rằng tất cả người dân Mỹ đều có thể tiếp cận Internet tốc độ cao với giá cả phù hợp và chất lượng. Xét về quy mô gói đầu tư, đây là gói đầu tư lớn nhất trong lịch sử nước này.

Gói đầu tư được công bố trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đặt tham vọng đưa Internet tốc độ cao đến những vùng xa xôi bằng cáp quang, giúp các hộ gia đình, trang trại, trường học có thể kết nối xuyên suốt.

Chính quyền ông Biden ước tính khoảng 8,5 triệu địa điểm tại Mỹ thiếu khả năng truy cập Internet băng rộng. Còn theo Phó Tổng thống Kamala Harris, 24 triệu người Mỹ không được sử dụng Internet tốc độ cao vì họ không đủ tiền trả hàng tháng hay sống tại các khu vực chưa được kết nối hoàn toàn với mạng cáp quang. 

Các công ty băng rộng như Verizon, Comcast, Charter Communications, AT&T dè dặt cung cấp dịch vụ cho khu vực hẻo lánh, dân số thấp vì đầu tư đắt đỏ và không có nhiều thuê bao. Tình trạng này thu hút chú ý từ dịch Covid-19 khi học sinh phải nghỉ học và học online.

Các bang dự kiến đệ trình kế hoạch xây dựng hạ tầng Internet băng thông rộng vào cuối năm và nhận khoảng 20% số tiền tài trợ. Sau khi kế hoạch được hoàn thiện, có thể kéo dài đến 2025, chính phủ sẽ giải ngân số tiền còn lại.

Trước đây, trong những năm 1930, người dân nước Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Franklin D. Roosevelt cũng được hưởng lợi từ một chương trình dân sinh liên quan đến điện năng, được biết đến là Đạo luật Điện khí hóa Nông thôn, theo đó giúp mang lại điện năng cho gần như hầu hết hộ gia đình và trang trại ở Mỹ.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Biden đang nỗ lực thúc đẩy quảng bá những thành tựu về đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, kinh tế và biến đổi khí hậu, nhằm tạo nền tảng ủng hộ cho chiến dịch tái tranh cử vào năm 2024.

Đình Lâm (t/h)