Môi giới BĐS chỉ còn khoảng 30 - 40% so với giai đoạn đầu 2022

16:49 16/05/2023

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng số lượng môi giới bất động sản bỏ nghề tăng cao là do họ không nhận được lương, không có thu nhập trong nhiều tháng.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, số lượng môi giới đang hoạt động trên thị trường bất động sản hiện nay chỉ còn khoảng 30 - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Đặc biệt, tại một số khu vực, số lượng môi giới bất động sản tiếp tục nghỉ việc lên tới 80% ngay trong những tháng đầu năm 2023.

Làn sóng môi giới bất động sản nghỉ việc bắt đầu từ những tháng trước Tết năm 2023. Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều sàn giao dịch buộc phải cắt giảm nhân sự, thậm chí quyết định chế độ làm việc luân phiên, hoán đổi hoặc cá biệt cho tới 50% môi giới nghỉ việc không lương.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng số lượng môi giới bỏ nghề tăng cao là do họ không nhận được lương, không có thu nhập trong nhiều tháng vì không có “hàng” để bán.

bất động sản
Môi giới BĐS chỉ còn khoảng 30 - 40% so với giai đoạn đầu 2022

Làm rõ về tình trạng môi giới bỏ nghề, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, số đông môi giới bất động sản bỏ nghề thường là nhân sự mới, chưa gắn bó lâu năm với nghề. Những công ty môi giới phải đóng cửa vì không nắm bắt, dự đoán được biến cố, xu thế của thị trường, không đủ năng lực về tài chính. “Vượt qua giai đoạn thị trường bất động sản khó khăn, những môi giới bất động sản “sống sót” được sẽ là người chiến thắng”, người đứng đầu Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định.

Chính phủ đã đưa ra gói tín dụng 120.000 tỉ đồng với lãi suất 8,7% và 8,2% mỗi năm để hỗ trợ cho cả chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, liều thuốc kích thích này vẫn không thể lay động được thị trường vốn đã ở trạng thái bất động từ gần một năm nay. Các doanh nghiệp bất động sản cho rằng, mức lãi suất 8,2%/năm đối với người mua nhà vẫn còn quá cao; cần phải đưa lãi suất về 5-6% để giúp thị trường phục hồi. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy.

Trước hết, cần khẳng định việc tìm kiếm giải pháp để phá băng thị trường bất động sản là rất cần thiết, vì đây là ngành có sức lan tỏa cao của nền kinh tế. Nhưng trước khi bàn đến giải pháp phục hồi thị trường, cần phải làm rõ chúng ta muốn có thị trường bất động sản như thế nào – thị trường mà hầu như chỉ dành cho giới đầu cơ hay một thị trường người có nhu cầu chỗ ở thực có thể tiếp cận?

Phát biểu tại hội thảo do báo Thanh Niên tổ chức gần đây, Tiến sĩ Trần Du Lịch nói rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận thị trường bất động sản của Việt Nam hiện vẫn méo mó, kích thích đầu cơ…; sản phẩm bất động sản hiện nay phục vụ cho đầu cơ là chính, không đáp ứng nhu cầu người sử dụng; giá đất bị đẩy lên cao. Trong khi đó, các nhà kinh doanh bất động sản sử dụng công cụ tài chính thái quá, không kiểm soát được rủi ro, gây hệ quả.

P.V (t/h)