Mạng xã hội mới nhà Meta đang nhanh chóng thu hút lượng lớn người dùng

23:40 06/07/2023

Sau 7 giờ kể từ lúc ra mắt, trang Guardian trích dẫn lời CEO Meta Platforms Mark Zuckerberg cho biết Threads đã thu hút tới 10 triệu lượt đăng ký.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Threads vừa được Meta Platforms ra mắt đang nhanh chóng thu hút lượng người dùng lớn. Đây là nền tảng được ví như "kẻ hủy diệt Twitter" với giao diện và cách thức sử dụng có nhiều điểm tương đồng với mạng xã hội của ông chủ Elon Musk.

Theo công bố của Meta, người dùng tại 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có thể tại Threads tại các cửa hàng ứng dụng trên hai hệ điều hành Android và iOS. Lượng người dùng Threads được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh nhờ khả năng chuyển đổi dễ dàng từ Instagram. Cụ thể, người dùng Instagram hoàn toàn có thể đăng nhập vào Threads mà không cần phải đăng ký.

Sau 7 giờ kể từ lúc ra mắt, Guardian trích dẫn CEO Meta Platforms Mark Zuckerberg cho biết Threads đã thu hút tới 10 triệu lượt đăng ký. Các thương hiệu lớn như Billboard, HBO, NPR và Netflix đều đã thiết lập tài khoản trong vòng vài phút sau khi ra mắt. Trong khi đó, những người nổi tiếng như Shakira, Gordon Ramsay, Kim Kardashian, Jennifer Lopez cũng như các chính trị gia nổi tiếng như Đại diện đảng Dân chủ Mỹ Alexandria Ocasio-Cortez cũng ủng hộ nền tảng này.

Tuy Threads là một ứng dụng độc lập nhưng người dùng có thể đăng nhập sử dụng thông tin trên Instagram của họ và theo dõi cùng một tài khoản, nhờ đó việc truy cập Threads dễ dàng hơn rất nhiều. Việc liên kết giữa hai ứng dụng cũng được đảm bảo về quyền riêng tư khi người dùng có thể tùy chọn việc công khai liên kết này.

Sau khi đăng ký, họ có thể chọn theo dõi chính những tài khoản bản thân đã theo dõi trên Instagram.Về mặt hình thức, ứng dụng này gần giống với Twitter với một số thay đổi về mặt từ ngữ, ví dụ như “retweet” trở thành “repost” hay “tweet” được gọi là “thread”.

Theo một bài đăng trên blog của Meta, Threads có nhiều điểm tương đồng với Twitter khi cho phép đăng tải các bài viết ngắn tối đa 500 ký tự, có thể đính kèm đường link, hình ảnh và video kéo dài đến 5 phút. Người dùng có thể tương tác với các bài đăng này qua việc bấm nút "like", đăng lại hoặc trả lời, song không thể nhắn tin trực tiếp với tài khoản khác. Hiện ứng dụng có sẵn trên App Store của Apple và Play Store của Google tại hơn 100 quốc gia.

Instagram và Facebook, đều thuộc công ty mẹ Meta, có lịch sử lâu dài và thành công trong việc sao chép các sản phẩm từ đối thủ cạnh tranh. Tính năng Reels của công ty này là câu trả lời của họ trước ứng dụng video TikTok, và Stories là nhằm đáp trả Snapchat của Snap Inc. Các ứng dụng của Meta trước đây đều cạnh tranh một cách gián tiếp với Twitter bằng cách lôi kéo các hãng sản xuất tin tức, chính trị gia và nhiều người nổi tiếng đăng tải trên nền tảng của họ. Sự xuất hiện của Threads đánh dấu lần đầu tiên Meta tung ra một phiên bản giống Twitter.

Thời điểm tung ra ứng dụng này cũng dường như có lợi cho Meta. Kể từ khi Elon Musk mua lại Twitter với giá 44 tỉ USD, công ty này đã cắt giảm hàng nghìn nhân viên, nới lỏng các chính sách kiểm soát nội dung, gây ra nhiều thách thức kỹ thuật cho người dùng và các bên quảng cáo. Twitter cũng chịu tổn thất về tài chính, doanh thu từ quảng cáo của họ đã giảm tới 50%. Mới đây ông Musk đã thuê Linda Yaccarino, giám đốc của NBCUniversal, làm CEO nhằm cải thiện mối quan hệ với các nhãn hàng.

Twitter hiện vẫn hạn chế số lượng tweet mà người dùng có thể xem mỗi ngày – một biện pháp mà Musk cho là “tạm thời” nhằm chống lại các trình thu thập dữ liệu.

Những hạn chế này chỉ là động thái mới nhất khiến người dùng Twitter tìm kiếm nền tảng thay thế. Nhưng hầu hết những đối thủ trước đó của nền tảng mạng xã hội này, như Bluesky và Mastodon, đều chưa xây dựng được những mạng lưới đủ lớn để tạo cho các bài đăng tầm ảnh hưởng lớn như trên Twitter. Nhiều mạng xã hội thay thế mới vẫn đang trong quá trình tạo dựng hệ thống kiểm soát nội dung độc hại, không phù hợp và bạo lực.

Threads sẽ bắt tay với tất cả các hệ thống công ty sẵn có, nhờ vào cơ sở hạ tầng sẵn có của Instagram. Ứng dụng này sẽ có cùng bộ quy định nội dung như Instagram, với các chức năng kiểm soát như chặn tài khoản quấy rối. Nhiều người có tầm ảnh hưởng từng xác thực tài khoản trên Instagram vẫn có thể giữ nguyên tích xanh của họ trên Threads. Hồi đầu năm nay, Twitter đã biến tích xanh này thành một tính năng phải trả tiền.

“Người dùng đang tìm kiếm một trải nghiệm mà họ có thêm quyền kiểm soát, và nơi mà sự an toàn được tích hợp vào sản phẩm ngay từ ban đầu”, Connor Hayes, Phó giám đốc phụ trách sản phẩm chia sẻ.

Một điểm hấp dẫn khác, theo Hayes, là Threads được xây dựng trên cùng giao thức truyền thông mạng xã hội ActivityPub giống Mastodon và nhiều ứng dụng mạng xã hội phi tập trung khác. Có nghĩa là, những người tạo dựng được một lượng người theo dõi trên Threads cuối cùng sẽ có thể sử dụng ứng dụng này để tương tác với một cộng đồng lớn hơn, vượt trên Instagram. Đây là ứng dụng đầu tiên của Meta có thể tương tác với các sản phẩm cạnh tranh, mặc dù ông Hayes không đưa ra thời gian cụ thể cho đợt cập nhật đó.

Nhận định về ứng dụng mới của mình, ông Zuckerberg cho biết: “Tôi nghĩ rằng nên có một ứng dụng trò chuyện công khai với hơn 1 tỷ người dùng. Twitter đã có cơ hội để làm điều này nhưng chưa thành công. Hy vọng chúng tôi sẽ làm được”. Twitter hiện có hơn 250 triệu người dùng, trong khi Instagram được cho là có khoảng 2 tỷ người dùng.

Meta khẳng định: “Tầm nhìn của chúng tôi là những người sử dụng các ứng dụng tương thích sẽ có thể theo dõi và tương tác với mọi người trên Threads mà không cần có tài khoản Threads và ngược lại, từ đó mở ra một kỷ nguyên mới của các mạng xã hội đa dạng và được kết nối với nhau”.

Kể từ khi ra mắt, Threads nhận được nhiều phản ứng từ thận trọng cho tới nhiệt tình khi nhiều người dùng ca ngợi tính chất dễ sử dụng của ứng dụng này cũng như khả năng tích hợp với Instagram. Tuy nhiên, nó cũng vấp phải nhiều lo ngại liên quan tới sử dụng dữ liệu cá nhân cũng như sự an toàn của trẻ em.