Meta công khai thuật toán đứng sau những nội dung trên mạng xã hội

10:02 03/07/2023

Việc công khai những thuật toán này là một phần của quy tắc cởi mở, minh bạch, đáng tin cậy để người dùng tự do quản lý những nội dung tiếp cận trên mạng xã hội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Khi AI ngày càng phổ biến, yêu cầu các công ty công nghệ minh bạch về cách thức hoạt động của công nghệ này ngày càng cao. Trong bài đăng mới đây, Nick Clegg - Chủ tịch các vấn đề toàn cầu của Meta - đã công khai những thuật toán đứng sau những nội dung được đề xuất trên bản tin Facebook hay story trên Instagram, cho thấy ảnh hưởng của AI đến các nền tảng.

Ông khẳng định việc công khai những thuật toán này chính là một phần của quy tắc cởi mở, minh bạch, đáng tin cậy của Facebook và Instagram để người dùng tự do quản lý những nội dung tiếp cận trên mạng xã hội.

Bộ công cụ thuật toán bao gồm 22 phần, được gọi là các “thẻ hệ thống” quy định những nội dung người dùng tiêu thụ, những kết quả tìm kiếm được đề xuất và cách hoạt động của mục thông báo trên các nền tảng mạng xã hội của Meta.

Mỗi thẻ sẽ có đầy đủ thông tin về hệ thống AI đằng sau khả năng xếp hạng và đề xuất nội dung. Đơn cử như thẻ Instagram Explore bao gồm quy trình 3 bước nhằm hiển thị ảnh và video Reels từ những tài khoản lạ.

Trước tiên, hệ thống sẽ tổng hợp những bức ảnh, video Reels công khai trên Instagram. Sau đó, AI sẽ cân nhắc đến cách người dùng tương tác với những nội dung tương tự, được gọi là “dấu hiệu đầu vào”.

Cuối cùng, hệ thống sẽ xếp hạng nội dung đã gom được từ ban đầu. Trong đó, những nội dung có vị trí cao hơn là những nội dung AI dự đoán sẽ dễ thu hút sự quan tâm của người dùng trong tab Khám phá.

Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách vấn đề toàn cầu của Meta. Ảnh: The Verge
Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách vấn đề toàn cầu của Meta. Ảnh: The Verge.

Tương tự, trên Facebook, các bài đăng cũng sẽ được xếp hạng dựa trên 3 tiêu chuẩn chính: bài viết đó có bị các bên fact-check bên ngoài gắn cờ chưa, mức độ thu hút của các bài viết khác thuộc tài khoản đó và lịch sử tương tác của người dùng với tài khoản.

Với thẻ hệ thống cho tính năng tìm kiếm, ứng dụng sẽ tập hợp tất cả kết quả trả lời cho truy vấn của người dùng, chấm điểm dựa trên các tương tác trước đây. Sau đó, hệ thống tiếp tục áp dụng các “bộ lọc bổ sung” và “tiến trình hợp nhất” để chắt lọc và hiển thị kết quả tìm kiếm cuối cùng cho người dùng.

"Chúng tôi kết hợp các yếu tố để dự đoán nội dung gần nhất với sở thích người dùng. Nhiều thuật toán dựa vào hành vi, số khác lại dựa trên các khảo sát và phản hồi của người dùng", Clegg nói.

Mạng xã hội cũng dùng AI để lọc và loại bỏ nội dung có hại nhằm giúp hạn chế việc phân phối những bài viết chấp lượng thấp. Nền tảng cũng đang cố gắng xóa nội dung xấu khỏi bảng tin người dùng nhưng không tiết lộ tiêu chí cụ thể do lo ngại người dùng có thể "lách luật".

Thời gian tới, Facebook sẽ cho phép người dùng click vào một nội dung, xem lại lịch sử hoạt động để hiểu vì sao AI lại đề xuất nội dung này đến mình. Meta cho biết sau khi thử nghiệm trên Facebook, tính năng này sẽ được mở rộng sang Instagram.

Clegg nói Facebook cũng cung cấp cho người dùng một số công cụ để tự chọn trải nghiệm của mình với AI. Nếu không muốn trí tuệ nhân tạo phân phối nội dung, người dùng có thể bật chế độ "Không cá nhân hóa" trong phần cài đặt.

Trong mỗi video, bài viết được đề xuất, họ cũng có thể thông báo cho nền tảng biết họ quan tâm hoặc không quan tâm. Ngoài ra, Facebook cũng sẽ có những tùy chọn khác như hiển thị thêm hoặc hiển thị ít hơn nội dung tương tự. Người dùng có thể tìm thấy tùy chọn này trong phần cài đặt mở rộng.

Ngoài ra, Meta cũng hỗ trợ các nhà nghiên cứu tìm hiểu về nền tảng thông qua thư viện nội dung và giao diện lập trình ứng dụng (API) công khai, chứa rất nhiều tài nguyên từ Facebook và Instagram.

Meta tuyên bố: "Những công cụ này sẽ cung cấp quyền truy cập toàn diện nhất vào nội dung có sẵn công khai trên Facebook và Instagram so với bất kỳ công cụ nghiên cứu nào mà chúng tôi đã xây dựng cho đến nay, ngoài ra, việc này cũng giúp công ty đáp ứng các nghĩa vụ tuân thủ về chia sẻ dữ liệu và minh bạch".

Theo CNN, Meta đã công khai các hệ thống thuật toán giữa bối cảnh người dùng ngày càng lo ngại những rủi ro đến từ trí tuệ nhân tạo từ lan truyền tin giả đến lừa đảo, tống tiền…

Những nghĩa vụ minh bạch đó có khả năng là yếu tố lớn nhất thúc đẩy Meta quyết định giải thích rõ hơn cách sử dụng AI để định hình nội dung mà chúng ta nhìn thấy và tương tác. Sự phát triển bùng nổ của công nghệ AI và sự phổ biến sau đó của nó trong những tháng gần đây đã thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý trên khắp thế giới, những người bày tỏ lo ngại về cách các hệ thống này thu thập, quản lý và sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng. 

“Với những cải tiến công nghệ như AI tạo sinh, mọi người vừa hào hứng với những cơ hội mà nó mang lại, vừa lo lắng về mối nguy từ nó. Do đó, chúng tôi tin rằng cách tốt nhất để đối mặt với những lo ngại này là minh bạch và công khai hơn”, Chủ tịch Nick Clegg viết.

Thu Phương (t/h)