Luật Viễn thông không được làm tăng chi phí của doanh nghiệp

23:57 12/04/2023

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, bổ sung các quy định chính sách kinh doanh trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây là cần thiết nhưng phải phù hợp.

Chiều 12/4, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây. Vì vậy chưa phù hợp với xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, theo đó trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây cùng với hạ tầng viễn thông tạo thành hạ tầng số thống nhất, quan trọng của nền kinh tế số, cung cấp các dịch vụ lưu trữ, xử lý và truyền đưa thông tin.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Ngoài ra, theo định nghĩa dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng của WTO, các dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây thực hiện hoạt động lưu trữ và truy xuất, xử lý thông tin của người sử dụng thông qua việc gửi, truyền, nhận thông tin trên mạng viễn thông là các dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông.

Trên thế giới, một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Ai Cập,... cũng quy định dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây là dịch vụ viễn thông và quản lý theo pháp luật về viễn thông.

Tương tự, các dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet (gọi tắt là OTT viễn thông - các dịch vụ trên Internet cung cấp tính năng tương tự dịch vụ viễn thông như gọi điện thoại, nhắn tin,...) được sử dụng ngày càng phổ biến, có khả năng thay thế cho các dịch vụ viễn thông trong khi pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý, dẫn đến không bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin.

Vì vậy, dự thảo luật đưa ra các quy định quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet trong viễn thông.

Cho ý kiến vào dự án luật, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Thông tin và Truyền thông với dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Đây là dự án luật mang tính kỹ thuật rất cao, có tính chuyên sâu rất lớn, nhưng cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị rất công phu, trách nhiệm, tâm huyết.

Các đại biểu đều cho rằng, luật hiện hành được ban hành từ năm 2009, trong bối cảnh khoa học công nghiệp, công nghệ thông tin, viễn thông còn rất đơn giản, điện thoại thông minh còn rất đơn giản, chưa có nhiều dịch vụ. Nhưng bối cảnh hiện nay đã thay đổi rất nhanh chóng. Đây là dự án luật rất quan trọng để thể chế hóa chủ trương của Đảng về cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và về chuyển đổi số quốc gia. Trong lĩnh vực này, Quốc hội đã thông qua Luật Tần số vô tuyến điện và dự kiến tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đây là một chuỗi luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng trong lĩnh vực này.

Cho ý kiến vào những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc bổ sung các quy định về chính sách kinh doanh trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet là cần thiết. Tuy nhiên cần tiếp tục cân nhắc, đánh giá kỹ tác động chính sách nếu quy định về các dịch vụ này trong luật; đồng thời xác định mức độ điều chỉnh cho phù hợp.

Về quy định cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội lưu ý nếu quy định nội dung này phải bảo đảm minh bạch. Đồng thời nếu như không có quy định rõ ràng về phương án kỹ thuật cần thiết để bảo đảm an ninh thông tin thì rất dễ tùy tiện, tránh tình trạng giải thích tùy tiện, làm tăng chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.

Về các hoạt động mà bên cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu để luật hóa những quy định có trong Thông tư số 38/2016/TT-TTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông liên quan đến nội dung này để đảm bảo minh bạch, ổn định.

Hội thảo góp ý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi)
Hội thảo góp ý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Trước đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Phát biểu tại hội thảo này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn nêu rõ, sau 13 năm, Luật Viễn thông hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế nhất định, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần sửa đổi Luật này. Dự thảo Luật mở rộng hơn, đưa vào 3 dịch vụ mới gồm: quản lý về trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, quản lý dịch vụ ứng dụng OTT.  Ông Nguyễn Phương Tuấn cho rằng, cần làm rõ việc đưa 3 dịch vụ này vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật có khả thi không, hay nên được điều chỉnh ở một khung khổ pháp luật khác.

Nhiều ý kiến nhận định, Luật Viễn thông có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế nói chung và ngành viễn thông nói riêng. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển và Chính phủ đưa ra chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, các dịch vụ viễn thông truyền thống đang đi xuống và xuất hiện nhiều dịch vụ kết nối mới thay thế cũng cần thay đổi cách quản lý cho phù hợp với xu hướng phát triển.

Tại hội thảo này, nhiều ý kiến chia sẻ, Luật Viễn thông (sửa đổi) phải bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên đối với lĩnh vực quản lý thị trường bán buôn, cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới, bảo vệ thông tin người dùng và quyền của người sử dụng dịch vụ…

Các ý kiến cho rằng, cần làm rõ khái niệm các dịch vụ OTT, dịch vụ điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu… có phải là dịch vụ viễn thông hay không và mức độ quản lý như thế nào. Cũng có ý kiến phân tích, cần làm rõ các nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động viễn thông để bảo đảm sự đồng bộ với hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến bàn luận, cần làm rõ hơn những nguyên tắc và nội dung trong sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.

P.V (t/h)