Luật Đường Bộ cần làm rõ nội hàm khái niệm của cụm từ “Hệ thống giao thông có trí tuệ”

11:18 24/11/2023

Sáng ngày 24/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ. Theo đó, đại biểu đề nghị làm rõ nội hàm khái niệm của cụm từ “Hệ thống giao thông có trí tuệ”.

Ảnh minh họa
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai

Đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Đường bộ và Luật TTATGTĐB

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai góp ý về tính thống nhất của Luật Đường bộ với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB). Đại biểu nhận thấy, hai dự án Luật có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và có sự phối hợp để phân định rõ phạm vi điều chỉnh của hai dự án Luật.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương nhận thấy, có một số nội dung trong 2 dự án Luật tiếp tục chồng lấn, một số nội dung cùng quy định ở cả 2 dự án Luật nên dễ gây sự chồng lấn, khó khăn, trùng lặp trong quá trình thực hiện.

Cụ thể, tại khoản 1, Điều 43 của dự thảo Luật quy định là Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh là nơi thu thập, lưu giữ, phân tích và xử lý dữ liệu để kết nối, chia sẻ cho các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động chỉ huy giao thông. Còn theo quy định tại Khoản 2, Điều 69 của Luật TTATGTĐB, Trung tâm chỉ huy giao thông là nơi thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu và cung cấp thông tin, tình hình giao thông thuộc Vụ chỉ huy điều hành giao thông.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đặc biệt là các thông tin cần phải thu thập, lưu trữ, phân tích và xử lý dữ liệu của hai loại Trung tâm này để tránh trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ và lãng phí về nguồn lực.

Về một số nội dung được quy định đồng thời trong hai dự thảo Luật như việc vận chuyển hành khách bằng xe ô tô và việc vận tải, đưa đón học sinh bằng xe ô tô, trách nhiệm của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận chuyển hành khách, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị đối với việc tổ chức thực hiện mà phải áp dụng cả hai Luật dẫn đến khó theo dõi và khó thực hiện, cần phải tích cực rà soát hai dự án Luật này để xử lý các vướng mắc nêu trên, đảm bảo thuận tiện trong việc áp dụng pháp luật cho người dân và doanh nghiệp.

Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn.

Nên có quy định về “Đất hành lang an toàn đường bộ”

Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, cần làm rõ nội hàm khái niệm của cụm từ “Hệ thống giao thông có trí tuệ”

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lưu Bá Mạc bày tỏ tán thành với hồ sơ Dự thảo Luật Đường bộ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.

Đại biểu cũng nhất trí với Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình của Bộ Giao thông vận tải, chất lượng của Dự thảo Luật, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, sẽ được nâng lên rất nhiều và Luật sau khi được thông quá, sẽ dễ đi vào cuộc sống.

Góp ý cụ thể vào nội dung dự thảo Luật đối với quy định về Hệ thống giao thông thông minh tại khoản 1 Điều 7, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cân nhắc làm rõ nội hàm khái niệm của cụm từ “Hệ thống giao thông có trí tuệ”, hoặc chỉnh lý cụm từ “trí tuệ” bằng một cụm từ khác phù hợp hơn với nội hàm của “Hệ thống giao thông thông minh”.

Theo đại biểu tỉnh Lạng Sơn, cụm từ “Hệ thống giao thông có trí tuệ” còn trừu tượng, chưa thực sự rõ nghĩa. Khi triển khai cụ thể hóa trong thực tiễn sau này, dễ gây nhiều cách hiểu khác nhau và rất dễ gây tranh luận.

Đối với quy định về “Đất hành lang an toàn đường bộ” tại Điều 19,  hiện đang có vướng mắc trong việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đối với thửa đất có phần diện tích đất, nằm trong hành lang an toàn đường bộ. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, cân nhắc bổ sung thêm quy định vào khoản 2 Điều 19 Dự thảo Luật theo hướng cho phép người dân được chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai đối với phần đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ, mà chưa được Nhà nước thu hồi.

Bên cạnh đó, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cân nhắc, có chính sách hỗ trợ miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất của người dân đối với diện tích nếu được chuyển đổi nằm trong hành lang an toàn đường bộ, một cách phù hợp. Từ đó, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa hai Dự thảo Luật, trong đó bao gồm Điều 122 Dự thảo Luật Đất đai và Điều 19 Dự thảo Luật Đường bộ.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

Đề nghị quy định rõ nơi đặt trạm thu phí

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương ghi nhận dự thảo luật được chuẩn bị công phu, toàn diện với sự cố gắng tách 1 luật thành 2 luật tuy nhiên vẫn còn một số điều trùng lặp giữa dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đại biểu cho rằng chính sách phát triển đường bộ còn khá chung chung, đề nghị cân nhắc hoàn thiện Điều 5 dự thảo Luật.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đề nghị rà soát để thể hiện lại để tránh quá cụ thể, bảo đảm phổ quát hơn. Mặt khác, đại biểu cũng cho rằng một số hành vi này chi phối bởi đạo đức nên có thể cho các thiết chế văn hóa lên tiếng liên quan đến vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân chỉ rõ các điều gồm Điều 24 về xây dựng và khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật và tại Điều 32 về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, hay các điều quy định về đường cao tốc…đã không quy định lồng ghép điều khoản về thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện có quy định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến 2050 đã nêu rõ các quy định đối với các công trình hạ tầng phải tính toán và lồng ghép với biến đổi khí hậu. Nên các quy định về các công trình kết cầu hạ tầng giao thông không có các điều khoản về biến đổi khí hậu thì sẽ không đồng bộ với các văn bản khác. Trong khi Việt Nam là nước chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu nhưng công tác biến đổi khí hậu ngoài hiện trường thì rất ít mà chủ yếu nêu trong văn bản. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung.

Về trạm thu phí đường bộ, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị quy định rõ nơi đặt trạm thu phí, tránh trường hợp trạm thu phí ở một nơi lại thu cho 1 tuyến đường khác.

Về Điều 50 đầu tư xây dựng phát triển đường cao tốc, tại khoản 7 có nêu về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho biết đây là nội dung quy định rất cụ thể trong Luật Đất đai, do đó, đề nghị không nên quy định lại trong luật này.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Quản lý chặt chẽ hoạt động đưa đón học sinh

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, việc tách riêng Luật Đường bộ để tập trung quy định các vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ là cần thiết. Cơ quan soạn thảo đã cố gắng phân định một cách hợp lý nhất các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, còn một số quy định đang được quy định đồng thời ở hai luật, gây bất tiện cho người dân trong quá trình áp dụng, thực thi luật. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo quy định không bỏ sót, nhưng cũng không trùng lặp, dễ áp dụng.

Góp ý về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô, đại biểu cho rằng, việc pháp luật có quy định riêng để quản lý chặt chẽ hoạt động đưa đón học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập, hoặc tham gia các hoạt động khác của nhà trường là rất cần thiết, vì trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, thực tiễn đã xảy ra không ít các vụ tai nạn đáng tiếc, nhất là liên quan đến việc đưa đón học sinh.

Đánh giá cao sự cố gắng của cơ quan soạn thảo khi cùng quy định về nội dung này ở cả 2 luật mà không trùng nhau, tuy vậy, đại biểu cho rằng, các nội dung quan trọng nhất của hoạt động này đã được quy định tại Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ. Đại biểu đề nghị trong dự thảo luật đường bộ chỉ cần quy định, hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô là một trong các loại hình vận tải hành khách phải tuân thủ đầy đủ các quy định chung về vận tải hành khách.

Hiện nay, Điều 76 của dự thảo luật không quy định nhiều nội dung, nhưng còn dài, chủ yếu là các quy định liên quan đến bảo đảm an toàn và  dẫn chiếu đến các điều khoản liên quan, trong đó còn một số quy định chưa hợp lý. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc bảo đảm cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ ở mọi cấp độ đều đảm bảo điều kiện tiếp cận cho người khuyết tật.

Nghệ Nhân