Lợi nhuận bất động sản đi đầu sẽ dẫn tới tiêu cực nhiều hơn tích cực

15:59 03/11/2022

Nhiều doanh nghiệp hiện nay tạo hệ sinh thái thành lập hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp để đầu tư vào bất động sản, kể cả "qua mặt" các ngân hàng thương mại, cơ quan quản lý nhà nước về mục tiêu sử dụng vốn, vòng vèo giữa các doanh nghiệp với nhau, ký kết hợp đồng về thương mại dịch vụ nhưng đầu cơ vào bất động sản.

Sáng 3/11, tiếp tục kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội), Chủ tịch Ngân hàng Agribank cho biết, đất đai là lĩnh vực khó, phức tạp và ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của tất cả mọi người từ cá nhân tới tổ chức. Các khiếu kiện chủ yếu liên quan đến đất đai.

Về cơ chế quản lý đất đai và chuyển đổi đất đai hiện nay chỉ bằng một quyết định hành chính, một tờ giấy A4 có thể chuyển đổi trạng thái đất, từ một mảnh đất mấy chục triệu đồng có thể thành mấy tỷ đồng. Nếu điều này không được thực hiện đúng sẽ dẫn tới bất bình đẳng và nảy sinh tranh chấp.

Cũng theo ông Ấn, rất nhiều doanh nghiệp giàu lên từ đất. Nếu bất động sản trở thành kênh có giá trị nhất, đầu tư sinh lời lớn nhất, tất cả mọi thứ sẽ tập trung vào bất động sản.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp hiện nay tạo hệ sinh thái thành lập hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp để đầu tư vào bất động sản, kể cả "qua mặt" các ngân hàng thương mại, cơ quan quản lý nhà nước về mục tiêu sử dụng vốn, vòng vèo giữa các doanh nghiệp với nhau, ký kết hợp đồng về thương mại dịch vụ nhưng đầu cơ vào bất động sản. 

Ảnh minh họa
Đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội).

Nhiều doanh nghiệp đang làm ăn hiệu quả trong lĩnh vực khác cũng không tập trung sản xuất kinh doanh đầu tư chiều sâu trong lĩnh vực đó mà tìm cách san sẻ sang bất động sản. Về mặt lâu dài, đây là vấn đề làm ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh quốc gia. Do đó cần phải giải được bài toán làm thế nào kinh doanh bất động sản là lĩnh vực có thể tạo lợi nhuận ở mức trung bình – cao. Bởi nếu là lợi nhuận đi đầu thì sẽ dẫn tới tiêu cực nhiều hơn tích cực.

Bên cạnh đó, ông Ấn cũng băn khoăn về việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch và nhìn nhận đây là vấn đề rất lớn. Và lấy dẫn chứng tại Hà Nội, phân vùng lũ nhưng mấy chục năm nay không có lũ, dù vậy, người dân cũng không thể xây sửa nhà cửa.

Đối với quyền thuê đất của tổ chức kinh tế, thuê đất hàng năm theo điều 44 Dự thảo Luật Đất đai, đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, việc được thế chấp tài sản trên đất cần phải rõ hơn bởi thực tế hoạt động của ngân hàng đang xảy ra tình huống, thế chấp tài sản trên đất nhưng sau này chính quyền thu đất thì việc thế chấp tài sản trên đất không có ý nghĩa. Tài sản gắn liền trên đất mới có giá trị. Cách thể hiện thế nào trong luật phải đảm bảo được lợi ích của người thế chấp và tổ chức tín dụng cũng phải làm rõ ràng hơn.

Về cưỡng chế thu hồi đất cũng là vấn đề khó và ách tắc trong triển khai. Để có được đất sạch triển khai dự án không đơn giản. Hiện có tình trạng, tâm lý người tuân thủ thì thua thiệt và người chây ì lại có lợi ích. Trong đền bù, người đi trước được đền bù thấp, càng chây ì càng cao. Dẫn tới người tuân thủ không chỉ cảm thấy thiệt thòi mà còn thấy "bị hớ". Từ đó càng nảy sinh tâm lý chây ì trong những dự án khác.

PV