Lisa Su: Nữ tỷ phú được coi là huyền thoại của thung lũng khởi nghiệp Silicon

22:49 07/03/2024

Lisa Su cũng nằm trong số 26 "kẻ làm thuê vĩ đại" trở thành tỷ phú tại Mỹ, tức không sáng lập công ty, giống Tim Cook, Frank Slootman hay Steve Ballmer.

CEO AMD, Lisa Su
Chân dung nữ CEO AMD, Lisa Su.

10 năm từ ngày giữ chức CEO AMD, Lisa Su đưa công ty trở thành một thế lực mới, còn bà là nữ tỷ phú đầu tiên trong lĩnh vực bán dẫn.

Sự phát triển nhanh của ngành bán dẫn, đặc biệt là sản xuất chip để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) trong cơn sốt AI, đã giúp không ít nhân vật tỏa sáng, trong đó có CEO Nvidia Jensen Huang và bà Lisa Su - nữ Tổng Giám đốc đầu tiên của một công ty bán dẫn quy mô lớn.

Năm 2014, khi đã 53 tuổi, Lisa Su vẫn quyết định đảm nhiệm vị trí CEO của AMD (Advanced Micro Devices), thời điểm mà giá cổ phiếu của công ty sản xuất chất bán dẫn chỉ dao động quanh mức 2 USD. Đánh giá tình trạng công ty lúc đó, Cựu Giám đốc điều hành của AMD, Patrick Moorhead mô tả AMD “gần như đã chết”.

Thế nhưng, tận dụng sai lầm của các nhà sản xuất chất bán dẫn khác, Su nhanh chóng giúp AMD ký kết thỏa thuận với các đối tác hàng đầu trong thị trường công nghệ như Lenovo, Sony, Google hay Amazon... Sau 10 năm tiếp quản, Lisa Su được coi là huyền thoại tại Thung lũng khởi nghiệp Silicon khi đã vực dậy thành công AMD

Bà gia nhập danh sách tỷ phú hồi tháng 1. Tại Advanced Micro Devices (AMD), bà sở hữu 0,2%, tương đương bốn triệu cổ phiếu của công ty. Cùng với các quyền chọn cổ phiếu thưởng đã giúp khối tài sản của bà hiện đạt 1,1 tỷ USD.

Khi bà Su xuất hiện trên trang bìa Forbes vào tháng 5 năm ngoái, bà mới có tài sản 740 triệu USD. Tuy nhiên, cổ phiếu AMD đã tăng 75% kể từ đó, đưa bà trở thành một trong 26 nữ tỷ phú tự thân của Mỹ, cùng với MC Oprah Winfrey, CEO Arista Networks Jayshree Ullal, cựu COO Meta Sheryl Sandberg... Lisa Su cũng nằm trong số 26 "kẻ làm thuê vĩ đại" trở thành tỷ phú tại Mỹ, tức không sáng lập công ty, giống Tim Cook, Frank Slootman hay Steve Ballmer.

Người phụ nữ đam mê trở kỹ sư

Bà Su, tên đầy đủ là Lisa Tzwu-Fang Su, sinh ra ở Đài Loan vào tháng 11/1969. Khi ba tuổi, cả gia đình di cư đến New York. Bà và anh trai được gia đình khuyến khích học toán và khoa học từ nhỏ. Khi lên 7, người cha bắt đầu dạy bà về tính toán, còn mẹ hướng dẫn các khái niệm kinh doanh. Hồi còn trẻ, bà đã mơ ước trở thành kỹ sư. "Tôi rất tò mò về cách mọi thứ hoạt động", bà nói trong một cuộc phỏng vấn với SFGates năm 2016.

Lúc 10 tuổi, Lisa Su bắt đầu tháo rời rồi sửa chữa những chiếc ôtô điều khiển từ xa của anh trai. Khi được trao cho chiếc máy tính đầu tiên thời học trung học cơ sở là Apple II, bà lập tức yêu thích lĩnh vực này nên chọn ngành kỹ thuật điện tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) năm 1986, lấy bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ tại đây.

Theo MIT Technology Review, khi còn là nghiên cứu sinh, Lisa Su là "một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên xem xét công nghệ silicon trên chất cách điện (SOI) - một kỹ thuật chưa được chứng minh nhưng có khả năng tăng hiệu suất bóng bán dẫn bằng cách xây dựng chúng trên các lớp của vật liệu cách điện". Bà cũng bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài "Bóng bán dẫn hiệu ứng trường (MOSFET) silicon trên vật liệu SOI dưới mức micromet".

Trong thời gian học tiến sĩ, bà lần lượt làm việc ở Analog Devices, Cisco, Liên minh Bán dẫn Toàn cầu và Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ. Đến năm 2016, bà xuất bản hơn 40 bài báo kỹ thuật và đồng tác giả một số cuốn sách nhận định về thị trường điện tử tiêu dùng.

Bà Su lấy bằng tiến sĩ năm 1994, sau đó làm tại Texas Instruments và IBM đến 1999. Riêng tại IBM, bà được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch trung tâm nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn. Bà có vai trò quan trọng trong phát triển công thức giúp các kết nối bằng chất liệu đồng hoạt động với chip bán dẫn thay vì nhôm, giúp giải quyết vấn đề tạp chất đồng làm nhiễm bẩn trong quá trình sản xuất.

Năm 1999, một năm sau khi ra mắt công nghệ đồng, Giám đốc điều hành lúc bấy giờ của IBM, Lou Gerstner, mời bà làm trợ lý kỹ thuật của mình. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên sau 20 năm, Gerstner nói với Forbes rằng ban đầu ông lo lắng Su còn quá ít tuổi so với công việc, nhưng những nghi ngờ của ông nhanh chóng bị dập tắt: “Cô ấy là một trong những nhân viên xuất sắc nhất mà tôi từng làm việc cùng. Lisa không tuân theo những khuôn mẫu bình thường, cô ấy đã thổi bay chúng trong toàn bộ sự nghiệp của mình”. 

Năm 2000, bà Su vẫn chuyển sang vai trò Giám đốc các dự án mới nổi của IBM. "Về cơ bản, tôi là giám đốc của chính mình, vì không có ai khác trong nhóm", bà nói với MIT Technology Review. Tuy nhiên, bà nhanh chóng tuyển 10 người và đạt thành tựu về chip sinh học.

Tháng 6/2007, bà Su chuyển sang Freescale Semiconductor với vai trò Giám đốc công nghệ và giúp Freescale có được "ngôi nhà của mình" khi IPO năm 2011, theo EETimes. Bà rời công ty sau đó.

Bước chuyển mình của Lisa Su tại AMD

Lisa Su trở thành Phó Chủ tịch AMD vào tháng 1/2012 và được đề bạt vào vị trí CEO của AMD vào năm 2014, các nhà phân tích gọi công ty là “không thể đầu tư được” với khoản nợ 2,2 tỷ USD. Thời điểm đó, gặp khó khăn mọi mặt, AMD không thể cung cấp đúng hạn các sản phẩm cho khách hàng, khi này, hai nhà sản xuất chất bán dẫn là Intel và Nvidia tiến lên, thay nhau thống trị các ngách của thị trường. Su thừa nhận: “Công nghệ của chúng tôi không đủ khả năng cạnh tranh vào thời điểm đó”.

Cuối những năm 90 và đầu những năm 2000. AMD, vốn chỉ là công ty sản xuất chất bán dẫn hạng hai, bắt đầu tạo ra lợi nhuận kỷ lục bằng cách xây dựng bộ vi xử lý của riêng mình để đánh bại ông lớn Intel về tốc độ.

Thế nhưng, đến năm 2014, những ngày huy hoàng của AMD chấm dứt, khoảng một phần tư nhân viên của AMD, bị người tiền nhiệm của Su, Rory Read, sa thải. Nếu AMD từng chiếm khoảng một phần tư thị trường chip máy chủ (trị giá 24 tỷ USD hiện nay), thì đến năm 2014, thị phần của họ đã giảm xuống còn 2%. Lúc đó với tư cách là Giám đốc điều hành, Su đã cổ vũ tinh thần nhân viên: “Tôi tin rằng chúng ta có thể xây dựng lại tất cả”. Lisa Su, nhà lãnh đạo nữ đã tạo nên huyền thoại sau này từng chia sẻ lại: “Hiển nhiên tôi phải nói điều đó, nhưng nó thực sự là điều khó xảy ra với công ty tôi vào thời điểm đó”. 

Lời kêu gọi này là bước đầu tiên trong kế hoạch ba hướng của nữ doanh nhân để khắc phục tình hình của AMD: Tạo ra những sản phẩm tuyệt vời, củng cố lòng tin của khách hàng và đơn giản hóa công ty. 

Những năm đầu lãnh đạo AMD của Su, thị phần của AMD trong thị trường sản xuất máy chủ tiếp tục giảm xuống còn nửa phần trăm. Các nhà nghiên cứu của AMD lúc này làm việc cật lực trong phòng thí nghiệm. Năm 2017, họ ra mắt chip mới có tên Zen với khả năng tính toán nhanh hơn 50% so với các thiết kế trước đây của công ty. Động thái này đã xoay chuyển tình thế của AMD trong ngành công nghiệp. Đến năm 2020, thế hệ thứ ba của Zen, được phát hành, chính thức dẫn đầu thị trường chip về tốc độ. Kiến trúc của Zen hiện vẫn là nền tảng cho tất cả các bộ xử lý của AMD.

Sản phẩm đột phá đã giúp AMD thành công ký kết các thỏa thuận với các gã khổng lồ công nghệ, vốn cần rất nhiều CPU để cung cấp năng lượng cho các dự án đám mây đang bùng nổ của họ. Tháng 2 năm 2022, vốn hóa thị trường của AMD lần đầu tiên vượt qua Intel. 

Ảnh minh họaĐánh giá về thành tích của AMD dưới sự dẫn dắt của CEO Lisa Su, chuyên gia phân tích Matt Ramsay gọi nó là “bước ngoặt kỳ diệu nhất trong lĩnh vực bán dẫn”.
Đánh giá về thành tích của AMD dưới sự dẫn dắt của CEO Lisa Su, chuyên gia phân tích Matt Ramsay gọi nó là “bước ngoặt kỳ diệu nhất trong lĩnh vực bán dẫn”.

"Điều quan trọng với một hãng công nghệ là xác định được điểm mạnh thực sự"

Ngành công nghiệp bán dẫn vốn không dành cho người yếu tim. Mỗi chu kỳ phát triển sản phẩm mới mất khoảng 3 đến 5 năm, vì vậy các công nghệ mà doanh nghiệp đang tạo ra ngày nay phải là những gì khách hàng đang tìm kiếm trong một vài năm tới.

Thành công không thể nhờ “ăn xổi”. Để thu hút các khách hàng cao cấp, họ phải tạo ra một lộ trình công nghệ, cho thấy công ty có thể liên tục tung ra các bản cập nhật hiệu suất cao và các sản phẩm mới. Theo bà Su, điều quan trọng nhất với chúng tôi năm 2014 là đầu tiên, chọn lựa đúng thị trường tốt cho công nghệ. Nó không phải những gì bạn đang làm bây giờ mà là những gì sẽ làm những năm tiếp theo mà mọi người chú ý.

Ván cược đã được đền đáp. Ngày nay, AMD đang khám phá những đỉnh cao mới trên sàn chứng khoán. Từ khi bà Su trở thành CEO tháng 10/2014, cổ phiếu đã tăng giá từ khoảng 3 USD lên hơn 200 USD thời điểm hiện tại.

Vài năm trước khi có thủ lĩnh mới, AMD phải thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm chi phí, rút lui khỏi một số lĩnh vực kinh doanh, bao gồm từ bỏ quyền sở hữu xưởng đúc bán dẫn. Khi bà Su nhậm chức, một số quyết định lớn nhất của bà chính là chọn xem không làm gì.

Bà cho biết, điều tối quan trọng với một hãng công nghệ là xác định được điểm mạnh thực sự vì “bạn phải là tốt nhất, số 1 hoặc số 2”. Tuy nhiên, nó đồng nghĩa với việc cần suy nghĩ nghiêm túc về lĩnh vực nào AMD ít có khả năng thống trị. Cuối cùng, công ty quyết định không theo đuổi công nghệ cho di động hoặc cảm biến cho thiết bị IoT, những lĩnh vực đầy hứa hẹn nhưng nằm ngoài năng lực cốt lõi của họ.

Thay vào đó, AMD đặt cược vào kiến trúc điện toán hiệu suất cao, bao gồm bộ xử lý máy tính mạnh mẽ và chip đồ họa dùng trong game, AI, siêu máy tính… AMD phát triển những con chip nhanh và mạnh, thường bán giá thấp hơn đối thủ. Đây là chiến lược đặc biệt quan trọng với một công ty mà vào thời điểm đó đang vật lộn để tìm ra lối đi ngách trong thị trường đang nằm trong tay số ít người chơi.

Các sản phẩm của AMD thuyết phục đến nỗi Bộ Năng lượng Mỹ đã chọn chip của AMD cho dự án siêu máy tính tại Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge ở Tennessee.

Không phải ngẫu nhiên mà AMD xoay chuyển cục diện được như ngày hôm nay. Bà Su chia sẻ phong cách lãnh đạo của mình đơn giản chỉ là sự nỗ lực, quyết tâm sẽ được đền đáp. “Tôi luôn động viên mọi người tập trung và quyết tâm thành công, ngay cả khi đối mặt thách thức lớn”. Bà mong đợi đồng nghiệp cũng làm việc với sự tập trung và cố gắng tương tự.

Đánh giá về thành tích của AMD dưới sự dẫn dắt của CEO Lisa Su, chuyên gia phân tích Matt Ramsay gọi nó là “bước ngoặt kỳ diệu nhất trong lĩnh vực bán dẫn”. AMD cạnh tranh với cả hai đối thủ lớn hơn là Intel và Nvidia.

Bà Su sinh ra tại Đài Loan nhưng theo bố mẹ đến Mỹ khi mới chập chững biết đi. Bà từng chia sẻ, bà chọn khoa kỹ thuật điện tử - một trong những chuyên ngành khó nhất để theo học, vì muốn thử thách bản thân. “Tôi rút ra rằng, mỗi khi chọn điều gì đó khó khăn và làm tốt, nó sẽ giúp tôi tự tin đón nhận thử thách tiếp theo. Tâm lý này đi theo tôi trong suốt sự nghiệp”.

Khi tuyển dụng, bà Su cũng tìm kiếm những nhân viên “đam mê”. Họ phải phù hợp với giá trị cốt lõi của AMD: tham vọng, cần cù, quyết tâm và tinh thần đồng đội. “Nhóm của chúng tôi có động lực cao để tạo ra những gì tốt nhất. Chúng tôi làm việc chăm chỉ để tìm ra những ‘tảng đá’ lớn – xu hướng, nút thắt cổ chai và đổi mới quan trọng – để tạo ra sự thay đổi khi phát triển thế hệ sản phẩm tiếp theo dẫn dắt ngành công nghiệp”.

Hà Trang (t/h)