Lào Cai: Phát triển kinh tế hộ gia đình, nông dân vùng cao huyện Bắc Hà nâng cao thu nhập từ cây rau sạch

14:14 19/07/2023

Với tổng giá trị 27 tỷ đồng từ sản xuất rau an toàn - rau trái vụ, rau đặc sản trong 6 tháng đầu năm, huyện Bắc Hà đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Kết quả trên đây khẳng định hiệu quả kinh tế, hướng đi mới đúng đắn cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy Lào Cai trên địa bàn huyện Bắc Hà, nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho bà con nông dân vùng cao.

Đại diện xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà giới thiệu cây rau cải Kale đặc sản và các sản phẩm nước uống, miến làm từ nguyên liệu cây rau này đã chinh phục thị trường trong nước với du khách.
Đại diện xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà giới thiệu cây rau cải Kale đặc sản và các sản phẩm nước uống, miến làm từ nguyên liệu cây rau này đã chinh phục thị trường trong nước với du khách. (Ảnh: Phòng NN huyện Bắc Hà).

Mới đây, Phòng Nông nghiệp huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai cho biết: trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng diện tích rau đặc sản sản sạch - rau an toàn thực hiện trên địa bàn huyện 297 ha, gồm: Rau trái vụ, rau an toàn ước trồng được 118 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch ước 48 ha, sản lượng ước đạt 571,2 tấn; rau đại trà 179 ha với sản lượng 2.130,1 tấn. Tổng sản lượng rau ước đạt 2.701,3 tấn, tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 27 tỷ đồng. Chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh khoảng 70%, phục vụ khách du lịch và một phần bán cho thị trường các tỉnh khác khoảng 30%. Tình hình tiêu thụ và giá cả ổn định từ 15- 20 ngàn đồng/kg đã đem lại nguồn thu khá cao, cải thiện và nâng cao đời sống đồng bào vùng cao nơi đây.

Năm 2023 là năm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai, với lợi thế về tự nhiên, đặc biệt là vùng trung và thượng huyện có khí hậu mang tính ôn đới, huyện vùng cao Bắc Hà đã và đang tập trung trồng và mở rộng diện tích cây rau trái vụ, rau hữu cơ, với nhiều loại rau đặc sản gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất cánh tác, vừa góp phần phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, lại tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho bà con nông dân, địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Giang - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bắc Hà cho biết: “Thời gian qua, huyện Bắc Hà đã và đang tập trung trồng và mở rộng diện tích cây rau trái vụ, rau an toàn, vừa tạo ra các sản phẩm rau, củ, quả đặc sản như cải kale, bắp cải trái tim, rau ngũ gia bì, củ cải đỏ, đậu hà lan... vừa cung ứng cho thị trường trong và ngoài huyện, vừa là sản phẩm du lịch mà du khách được thưởng thức trong các bữa ăn hay mua về làm quà trong các chuyến đi đến với miền cao nguyên trắng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, lại tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho bà con nông dân, địa phương”.

Ông Trần Đắc Hà – Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà cho biết: “Năm 2023, trên địa bàn xã tiếp tục đẩy mạnh trồng cây ra trái vụ, rau an toàn, rau đặc sản, chủ yêu là cây cải kale, với trang trại kale Fram nổi tiếng trong nước với các sản phẩm rau sạch và đồ uống, đồ ăn như miến được chiết xuất, sản xuất từ nguồn nguyên liệu cây cải kale Lùng Phình, được các siêu thị hà nội, trong tỉnh, người tiêu dung yêu thích. Các loại rau đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác, giúp người dân tăng thêm thu nhập và tăng hệ số sử dụng đất nông nghiệp và quan trọng là đã tạo thêm sản phẩm, hút khách du lịch đến với Lùng Phình nói riêng và Bắc Hà nói chung”.

Anh Tráng Sào Long, người dân tộc Phù Lá, hộ nông dân đầu tiên tham gia mô hình trồng rau cải Kale ở xã Lùng Phình cho biết: "Gia đình mình tham gia trồng rau cải Kale từ cuối năm 2021 đến nay. Vụ đầu tham gia mô hình này, gia đình được hỗ trợ giống, nylon và được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm sóc cây rau. Sau quen, tự đầu tư trồng và được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, trang trại Kale Fram bao tiêu sản phẩm. Năm 2022, gia đình mở rộng diện tích trồng hơn 03 sào rau, năm nay cũng trồng như vậy. Cây cải kale này phát triển khá tốt, ăn ngon, thu hoạch được bao tiêu sản phẩm với giá cả khá cao từ 15 - 20 ngàn đồng/kg, hơn hẳn các loại rau khác và trồng ngô, lúa".

Anh Tráng Sào Long, dân tộc Phù Lá, xã Lùng Phình là hộ đầu tiên trồng và tiếp tục duy trì diện tích cây cải kale, bảo đảm thu nhập
Anh Tráng Sào Long, dân tộc Phù Lá, xã Lùng Phình là hộ đầu tiên trồng và tiếp tục duy trì diện tích cây cải kale, bảo đảm thu nhập. (Ảnh: Phòng NN huyện Bắc Hà)

Để ổn định đầu ra và nâng cao giá trị cho rau trái vụ, rau an toàn huyện Bắc Hà đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai các mô hình liên kết trồng, tiêu thụ rau trái vụ cho người dân trên địa bàn. Các loại rau, củ an toàn, trái vụ ở huyện Bắc Hà được trồng theo hình thức gối vụ, thu hoạch theo đợt và chuyển đi tiêu thụ tại các siêu thị lớn tại Hà Nội. Nhờ làm tốt công tác liên kết, giá bán rau trái vụ của huyện Bắc Hà đạt trung bình 20.000 đồng/kg. Với mỗi hecta trồng rau trái vụ, người dân huyện Bắc Hà có thể thu về khoảng 200 triệu đồng/vụ.

Có thể khẳng định, việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ, xen canh gối vụ, mạnh dạn phát triển cây rau trái vụ, rau an toàn với nhiều loại rau đặc sản gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất cánh tác, là hướng đi mới phù hợp, hiệu quả ở vùng cao Bắc Hà, tỉnh Lào Cai vừa góp phần phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, lại tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho bà con nông dân, địa phương./.

P.V (T/h)