Làng Cổ Đường Lâm: Thanh tịnh, cổ kính cho giới trẻ khám phá

08:48 15/12/2021

Đường Lâm được biết đến là một ngôi làng cổ đầu tiên được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Xét về khía cạnh bảo tồn lịch sử văn hóa nghệ thuật cũng như quy mô kiến trúc, làng cổ Đường Lâm chỉ đứng sau Phố cổ Hội An và Phố cổ Hà Nội. Nơi đây vẫn còn vẹn nguyên nghệ thuật và kiến trúc của một làng cổ vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Đến nơi đây, các bạn trẻ sẽ cảm nhận thấy các nét đặc trưng của một ngôi làng xưa. Với cây đa, giếng nước, sân đình, chùa miếu, đường làng quanh co, ngõ nhỏ, những ngôi nhà gỗ cổ, những bức tường được xây bằng gạch đỏ hoặc trát bùn xưa… làng cổ Đường Lâm hiện lên giữa thời kỳ hiện đại hóa của đất nước như một cổ trấn đầy hoài niệm và yên bình. 

Ảnh minh họa
Nét đẹp Làng cổ đường Lâm.

Nhiều người khi đến đây thường nói “Cổ trấn bị lãng quên” thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, Làng cổ Đường Lâm cách trung tâm Hà Nội chỉ 40 – 50 km về phía Đông. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt với rất nhiều danh nhân văn hóa nổi tiếng như Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, bà chúa Mía, Ngô Quyền, bà Man Thiện… Chính vì cùng là nơi sinh của 2 vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền nên Đường Lâm còn được biết đến với tên gọi “Mảnh đất 2 vua”.

Đường Lâm có rất nhiều địa điểm tham quan gắn liền với kiến trúc, văn hóa làng quê xưa cũ hoặc các nhân vật, sự kiện lịch sử. Mỗi địa danh này lại có những câu chuyện với sức hút và ý nghĩa riêng mà chúng ta nên đến tận nơi, tận mắt chứng kiến, tìm hiểu, lắng nghe và cảm nhận.

Cổng làng Mông Phụ: Được xây dựng theo kiểu Thượng gia hạ môn, tức dưới là cổng trên là nhà, Cổng làng Mông Phụ mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa của thời nhà Lê. Ngày xưa cổng làng là nơi dừng chân nghỉ ngơi của những người nông dân, những người đi tuần, những người đi chợ về. Đây cũng là nơi mang đậm hồn quê mà những người xa quê luôn nhớ về và tìm về đầy xúc động. 

Ảnh minh họa
Cổng làng Mông Phụ.

Được xây dựng năm 1684, Đình làng Mông Phụ gồm Nghi Môn, sân đình, 2 tòa Tả Mạc và Hữu Mạc hai bên và tòa Đại đình ở giữa. Đây là kiến trúc kiểu chữ Công thường gặp ở các triều đại phong kiến xưa kia. Bên trong đình còn lưu giữ rất nhiều bức hoành phi câu đối cổ có niên đại mấy trăm năm. Hai bên hông đình là hai giếng cổ. 

Ảnh minh họa
Đình làng Mông Phụ.

Nằm trong khuôn viên thôn Mông Phụ, nhà thờ họ Giang là di tích được xây dựng từ thời vua Tự Đức nhằm tưởng nhớ công ơn của Thám hoa Giang Văn Minh - người được vua Lê Thần Tông cử đi sang Trung Quốc và sẵn sàng đối đáp với nhà vua và quần thần nhà Minh để bảo vệ danh dự dân tộc.

Theo thông kê thì làng cổ Đường Lâm có tất cả 956 ngôi nhà cổ được xây dựng từ những năm 1649. Các ngôi nhà ở đây đều được xây 5 gian hay 7 gian bằng các vật liệu truyền thống như gỗ xoan, tre nứa, gạch đất nung, ngói, đá ong, đất nện hay mùn cưa…Khuôn viên các ngôi nhà đều rộng rãi và phân thành nhiều khu: nhà chính, nhà ngang, sân, bếp, vườn, giếng nước, chuồng trại, cây rơm, cổng có mái che…Những ngôi nhà cổ đẹp nhất, nổi tiếng nhất ở Đường Lâm là: Nhà cổ của ông Huyến thu hút du khách thăm quan bởi không gian xanh mát cây cối và khoảng sân xếp đầy tăm tắp các vại tương màu nâu trầm do nghề nấu tương bao đời cha ông để lại. Mọi đồ vật đều cổ xưa rất hòa quyện với những bức hoành phi câu đối được trưng khắp nơi trong căn nhà; nhà của chị Lan với những đồ trang trí hình chiếc sừng và bục cửa rất cao khiến ai muốn bước vào trong căn nhà đều phải cúi rạp mình. Những điều này đều thể hiện đây là ngôi nhà của người đỗ đạt làm quan.

Đền thờ Phùng Hưng: Phùng Hưng là thủ lĩnh trong cuộc nổi dậy chống lại ách đô hộ hà khắc của nhà Đường thời Bắc thuộc tại Việt Nam. Sau khi khởi nghĩa thành công, Phùng Hưng đã xây dựng chính quyền tự chủ và cai trị trong 7 năm. Để tưởng nhớ vị vua đặc biệt này, đền thờ Phùng Hưng được lập ở nhiều nơi. Tuy nhiên, nếu linh thiêng và quy mô nhất phải kể đến đền thờ Phùng Hưng ở làng cổ Đường Lâm. Sở dĩ như vậy là bởi Đường Lâm là nơi vị anh hùng dân tộc này được sinh ra và lớn lên. 

Ảnh minh họa
Đền thờ Phùng Hưng.

Từ đền Phùng Hưng đi thêm 500 mét du khách sẽ tới được lăng mộ Ngô Quyền. Lăng mộ thờ Ngô Quyền nằm giữa cánh đồng lúa bát ngát đầy tĩnh mịch và xung quanh là các di tích mang đậm dấu ấn lịch sử oai hùng và ly kỳ. Đó là đồi Hùm, nơi thủ lĩnh Phùng Hưng đánh hổ cứu dân hay rặng chuối buộc voi chiến của Ngô Quyền thời xưa.

Tại làng cổ Đường Lâm có rất nhiều giếng cổ. Cũng như Đình làng, Giếng nước được coi là linh hồn của nhiều làng quê Việt Nam. Đi tham quan quanh Đường Lâm bạn sẽ bắt gặp rất nhiều giếng cổ. Nếu được, bạn hãy múc những xô nước dưới giếng cổ để cảm nhận được dòng nước mạch vô cùng trong vắt và mát rượi ở nơi đây. 

Ảnh minh họa
Giếng cổ Đường Lâm.

Chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự): Được xây trên khu đất cao thuộc thôn Đông Sàng. Đây là nơi lưu giữ hàng trăm pho tượng Phật quý hiếm. Bước vào không gian của chùa Mía bạn sẽ cảm nhận được sự bình yên của tâm hồn trong không gian của Phật pháp nhiệm màu vô cùng tôn nghiêm và thanh tịnh.

Nếu du khách thập phương có dịp đến với làng cổ Đường Lâm vào mùa lễ hội tức tháng Giêng âm lịch hàng năm bạn lại được trải nghiệm và chứng kiến cảm nhận nét đẹp văn hóa dân gian vô cùng đặc sắc của một làng quê Bắc Bộ xưa. Các trò chơi dân gian như cờ tướng, bịt mắt bắt vịt, chọi gà, hội thi kéo co…với không khí vui tươi rộn rã, tiếng trống cổ vũ râm ran đầu hồi chắc chắn sẽ khiến bạn cảm nhận được không khí lễ hội rộn rã, tưng bừng khó quên.

Vũ Tiến