Chùa Bái Đính (Ninh Bình): Nét đẹp tâm linh trong lòng cô đô Hoa Lư

10:26 03/11/2021

Chùa Bái Đính Ninh Bình là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Với tuổi đời hơn 1000 năm, ngôi chùa trải qua nhiều thời đại phong kiến Việt từ nhà Đinh, Tiền Lê đến nhà Lý. Được vinh danh là một trong những ngôi chùa trong quần thể du lịch Bái Đính – Tràng An, chùa Bái Đính gây ấn tượng bởi kiến trúc hoành tráng, những bảo tháp nguy nga và cảnh quan làm say đắm lòng người.

Chùa Bái Đính nằm trên núi Bái Đính thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đây được xem là một vị trí đắc địa khi nằm ở trung tâm và chỉ cách cố đô Hoa Lư khoảng 5km và khu du lịch Tràng An khoảng chừng 11.5km.Chùa Bái Đính thuộc phía Bắc của quần thể du lịch sinh thái Bái Đính – Tràng An. Đây là một địa danh nổi tiếng tại Ninh Bình với bề dày lịch sử hình thành và phát triển. Nơi đây cũng là vùng đất gắn liền với 3 triều đại phong kiến lớn của Việt Nam là Đinh, Tiền Lê và nhà Lý. Chùa Bái Đính có tổng diện tích khuôn viên rộng 539 ha bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới, bên cạnh đó là các công trình đang trong thời gian xây dựng khác nữa. 

  Toàn cảnh chùa Bái Đính nằm giữa cố đô Hoa Lư Ninh Bình.

Sau khi hoàn thiện thì khu du lịch chùa Bái Đính hiện nay được chia thành 2 phần là chùa Bái Đính cổ với những di tích xưa và chùa Bái Đính mới là phần chùa được xây dựng sau năm 2005. Đa phần du khách hiện nay biết đến và đi chùa Bái Đính sau khi ngôi chùa này đã được xây thêm phần chùa mới, vì thế không có nhiều người thực sự biết chùa Bái Đính có từ bao giờ.

Trên thực tế, chùa Bái Đính đã có lịch sử gần 1000 năm. Theo các tài liệu được truyền lại thì chùa Bái Đính chính thức được xây dựng vào năm 1121 bởi thiền sư nổi tiếng của nhà Lý – Nguyễn Minh Không. Trước đó thì chùa cũng đã có một số điểm đến như đền thờ thần Cao Sơn nhưng chưa được chính thức quy hoạch thành chùa. Như vậy, với lịch sử gần 1000 năm, chùa Bái Đính cổ thờ thần Cao Sơn, thiền sư Nguyễn Minh Không, Phật và Tiên. Dù đã được trùng tu và mở rộng vào năm 2005, xây thêm rất nhiều các khu chùa mới nhưng về cơ bản thì những vị thần được thờ tại chùa Bái Đính vẫn giữ nguyên. 

  Một góc của hành lang La Hán nổi tiếng tại chùa.

Giống như nhiều ngôi chùa lớn khác, ở chùa Bái Đính cũng có lễ hội đặc trưng diễn ra hàng năm. Theo đó lễ hội này được gọi là lễ hội xuân, khai mạc từ mùng 6 Tết và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Lễ hội có 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Trong đó: Phần lễ bao gồm các nghi thức dâng hương thờ cúng Phật, đức Thánh Nguyễn, Thần Cao Sơn,…Phần hội bao gồm các trò chơi dân gian, hát chèo, hát xẩm,…

Hằng năm mọi người thường đổ xô đi lễ hội chùa Bái Đính từ chiều mùng 1 Tết. Tiếp theo sẽ khai mạc vào mùng 6 Tết và kéo dài tới hết tháng 3 âm lịch. Theo phong tục của người Việt Nam, thường thì sẽ hay đi lễ chùa cầu may vào dịp năm mới. Vì thế mà Bái Đính cũng như những ngôi chùa khác thường thu hút rất đông du khách đổ về vào mùa xuân.

Chính vì vậy bạn nên chọn du lịch Bái Đính dịp đầu năm để tận hưởng trọn vẹn nhất không khí mùa xuân tràn ngập. Tuy nhiên đây cũng là mùa du lịch lễ hội cao điểm nên khách tham quan tới đây rất đông gây ra tình trạng quá tải, chen chúc. Vì thế nếu như bạn không thích phải bon chen, ồn ào thì có thể đi chùa Bái Đính vào những khoảng thời gian khác trong năm.

Đền thờ thánh Nguyễn là một hạng mục kiến trúc thuộc quần thể chùa Bái Đính được xây dựng theo thế “tựa núi nhìn sông”. Trong đền thờ đặt tượng thờ thiền sư Nguyễn Minh Không. Có một câu chuyện kể lại rằng, một lần lên núi tìm thuốc chữa bệnh cho vua, ông vô tình phát hiện ra một hàng động đẹp mà hợp thế nên xây chùa thờ Phật. Ông không chỉ là một danh y nổi tiếng bốc thuốc cứu chữa giúp đỡ người dân mà ông còn được tôn là tổ sư nghề đúc đồng. 

  Đền thờ Thánh Nguyễn với kiến trúc cổ xưa.

Trong một thời gian dài ông đã cất công nghiên cứu, tìm hiểu nguồn gốc văn minh Đông Sơn thời Việt cổ. Sưu tầm các đồ đồng cổ nhằm mục đích khôi phục làng nghề đúc đồng truyền thống đã mai một. Ngoài ra ông còn được thờ ở nhiều nơi khắp tỉnh Ninh Bình.

Sau khi vượt qua 300 bậc thang để lên tới cổng Tam Quan bạn sẽ thấy có 2 ngã ba ở bên cạnh dốc. Đó là con đường dẫn đến Hang Sáng và Động Tối. Hang sáng là nơi thờ Thần và Phật. Sở dĩ có tên gọi là Hang Sáng là bởi trong hang có đủ ánh sáng tự nhiên. Ngay ngoài cửa đặt tượng hai vị thần uy nghiêm vẻ mặt dữ dằn, sâu bên trong là nơi đặt tượng thờ Phật. Hang sâu khoảng 25 mét, rộng 15 mét và cao khoảng hơn 2 m. Đi hết đến cuối hang bạn sẽ sang bên đền thờ thần Cao Sơn linh thiêng.

Tiếp theo phía bên Động Tối được bố trí hệ thống đèn chiếu sáng tạo nên một khung cảnh khá huyền ảo. Phía trên các mảng đá thạch nhũ hình thành theo mạch nước ngầm. Các bậc thang của lối đi được trang trí sinh động bằng hình rồng uốn lượn. Ở chính giữa có giếng nước tự nhiên điều hòa không khí. Nơi đây đặt tượng thờ mẫu và các vị tiên. Nhiều tượng thờ được đặt sâu trong các ngách đá và có đồ thờ riêng.

Theo truyền thuyết kể lại rằng, nước ở Giếng Ngọc được Thiền sư Nguyễn Minh Không dùng để sắc thuốc chữa bệnh cho nhà vua và người dân. Bạn có thể chiêm ngưỡng xung quanh lan can đá tạo thành một vòng rộng lớn. Đứng từ trên đại điện nhìn xuống giếng Ngọc nổi bật giữa khuôn viên rộng lớn cây xanh bao phủ.

Đây cũng là giếng chùa được ghi nhận kỉ lục lớn nhất Việt Nam với màu nước trong xanh ngọc bích – điểm nhấn nổi bật nhất của chùa Bái Đính.

Hiện nay Giếng Ngọc đã được tu tạo với hình mặt nguyệt. Đường kính rộng gần 30m, độ sâu khoảng 6m. Xung quanh miệng giếng được xây bằng đá núi Đính. Diện tích Giếng Ngọc lên tới 6000m2, bốn góc là 4 lầu bát giác. Nổi bật giữa khu vườn ngợp bóng cây xanh. Nước giếng quanh năm trong veo mát lành, thường được dùng làm nước cúng lễ tại chùa.

Vũ Tiến