Ngày 11/7/202, hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới năm 2025, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã tổ chức lễ mít tinh và công bố Báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2025.
Sự kiện diễn ra tại Hà Nội, đánh dấu một bước ngoặt trong định hướng chính sách dân số quốc gia: từ kiểm soát sang phục vụ phát triển, lấy con người làm trung tâm và đề cao quyền sinh sản như một trụ cột của phát triển bền vững.
Pháp lệnh Dân số sửa đổi: Quyền tự quyết là trọng tâm
![]() |
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan |
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển – khẳng định: Pháp lệnh Dân số sửa đổi năm 2025 đã được thông qua, nhấn mạnh quyền tự quyết của cá nhân và cặp vợ chồng trong việc sinh con, hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với điều kiện sức khỏe và hoàn cảnh mỗi gia đình.
Tinh thần này phù hợp với thông điệp của Ngày Dân số Thế giới năm nay: “Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi”. Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh: “Dân số là yếu tố cốt lõi trong sự nghiệp phát triển và bảo vệ đất nước. Luật pháp Việt Nam khẳng định rõ mỗi người dân có quyền quyết định về thời điểm, số con và khoảng cách sinh nở, trên cơ sở bình đẳng.”
Bộ Y tế đang tập trung hoàn thiện Luật Dân số và Chương trình Mục tiêu Quốc gia về chăm sóc sức khỏe – dân số – phát triển giai đoạn 2026–2035, với mục tiêu đảm bảo phúc lợi, sức khỏe và sự phát triển bền vững cho toàn xã hội.
“Cuộc khủng hoảng quyền sinh sản”, không phải khủng hoảng dân số
Ông Matt Jackson – Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam – trình bày báo cáo dân số thế giới 2025, dựa trên khảo sát tại 14 quốc gia, cho thấy những thực tế đáng quan ngại: 1 trong 5 người không thể sinh con như mong muốn; Hơn 50% gặp rào cản kinh tế trong việc làm cha mẹ; 1 trong 3 từng mang thai ngoài ý muốn; 40% người trên 50 tuổi cho biết họ không có được quy mô gia đình mong đợi.
![]() |
Ông Matt Jackson – Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam |
Ông Jackson nhấn mạnh: “Đây không phải là khủng hoảng dân số, mà là khủng hoảng quyền sinh sản – khi người dân không có đủ điều kiện và tự do để quyết định sinh con.” Ông đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền sinh sản, đồng thời cam kết UNFPA sẽ tiếp tục đồng hành trong việc hoàn thiện Luật Dân số và triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia.
Khuyến nghị của UNFPA đối với Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030: •Đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng với toàn bộ dịch vụ sức khỏe sinh sản, bao gồm hỗ trợ sinh sản, chăm sóc bà mẹ, kế hoạch hóa gia đình và phá thai an toàn. •Lồng ghép giáo dục giới tính toàn diện trong cả hệ thống giáo dục chính quy và nền tảng kỹ thuật số, để giới trẻ được trang bị thông tin chính xác, phù hợp với lứa tuổi và bao trùm. •Thúc đẩy môi trường làm việc và sinh sống hỗ trợ đời sống gia đình, như chế độ nghỉ thai sản cho tất cả phụ huynh, dịch vụ chăm sóc trẻ giá rẻ, mô hình làm việc linh hoạt và nhà ở hợp túi tiền. •Triển khai các chính sách chuyển đổi giới nhằm khuyến khích sự tham gia của nam giới trong công việc chăm sóc và phá bỏ định kiến xã hội, bao gồm cả sự kỳ thị nam giới khi đảm nhận vai trò chăm sóc con cái. •Khẳng định rằng quyền sinh sản bao gồm cả quyền không sinh con, đồng thời công nhận tính hợp pháp của các hình thái gia đình đa dạng, bao gồm cha mẹ đơn thân, gia đình LGBTQI+, phụ nữ cao tuổi sinh con và các hộ liên thế hệ. Đặc biệt, chính sách dân số cần phản ánh tính đa dạng trong đời sống thực tiễn của người dân Việt Nam hiện nay, từ cộng đồng nông thôn, dân tộc thiểu số đến lao động di cư, người làm việc trong khu vực phi chính thức và người cao tuổi. Việc xây dựng hệ thống bao trùm và đáp ứng yêu cầu thực tế đòi hỏi cần từ bỏ các giải pháp “một mô hình áp dụng cho tất cả”, thay vào đó là những tiếp cận linh hoạt, mang tính bối cảnh và công bằng. |
Đề xuất chính sách hỗ trợ gia đình sinh con gái: Một bước đi nhân văn và chiến lược
Việt Nam đã duy trì mức sinh thay thế từ năm 2006, nâng cao chất lượng dân số và tuổi thọ trung bình đạt 74,7 tuổi (năm 2024). Tuy nhiên, quốc gia cũng đang đối mặt với những thách thức mới như tỷ suất sinh giảm (từ 2,01 con/phụ nữ năm 2022 còn 1,91 vào năm 2024), tốc độ già hóa nhanh và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, với tỷ lệ 111,4 bé trai/100 bé gái.
Để ứng phó, Bộ Y tế đã đề xuất một loạt chính sách mới trong Dự thảo Luật Dân số trình Quốc hội vào tháng 10 tới. Đáng chú ý là chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật cho các gia đình sinh con một bề là gái, hoặc có hai con gái, nhằm giảm áp lực giới tính và khuyến khích sinh đủ con.
Ngoài ra, Bộ Y tế đề xuất: Mở rộng chế độ nghỉ thai sản; Ưu đãi nhà ở xã hội cho phụ nữ sinh đủ hai con ở khu công nghiệp và vùng có mức sinh thấp; mTăng cường dịch vụ sàng lọc trước sinh, tư vấn tiền hôn nhân; Chăm sóc người cao tuổi và đào tạo nhân lực ngành lão khoa.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của một hệ thống chính sách nhân văn, phù hợp với điều kiện phát triển từng địa phương, đảm bảo quyền lựa chọn, tiếp cận dịch vụ và xây dựng cuộc sống theo mong muốn của mỗi người dân.
Bà Pauline Tamesis – Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam – cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản chất lượng, thúc đẩy giáo dục giới tính phù hợp với từng độ tuổi, và tăng cường hệ thống dữ liệu phục vụ chính sách dân số toàn diện.
Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ trong cách tiếp cận dân số: từ kiểm soát sang phục vụ. Trong hành trình đó, quyền được sinh – hoặc không sinh – khi người dân sẵn sàng, không chỉ là một quyền cơ bản, mà còn là minh chứng cho một nền phát triển nhân văn, tiến bộ và toàn diện.