Kinh tế khó khăn, thu ngân sách nhà nước tháng 6 sụt giảm đáng kể

06:45 01/07/2023

Thu ngân sách nhà nước tháng 6 sụt giảm sâu 27,5% so với cùng kỳ, kéo tổng thu ngân sách nhà nước nửa đầu năm giảm 7,8%, đạt 875,8 nghìn tỷ đồng. Dù vậy, nhiều khoản thu nội địa chính vẫn trụ vững, duy trì tốc độ thu khả quan so với dự toán...

Xuất siêu sang nhiều thị trường vẫn tiếp đà giảm như: Hoa Kỳ giảm 24,9%; EU giảm 9,8%..
Xuất siêu sang nhiều thị trường vẫn tiếp đà giảm như: Hoa Kỳ giảm 24,9%; EU giảm 9,8%...

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội cả nước quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023 do Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy, thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi ngân sách nhà nước tăng 12,9%, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 6 ước đạt 93,5 nghìn tỷ đồng, bằng 5,8% dự toán, bằng 72,5% so cùng kỳ năm 2022. Lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán năm và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

Thu nội địa tháng 6 đạt 70,4 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 718,8 nghìn tỷ đồng, bằng 53,9% dự toán năm và giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Dù vậy, một số khoản thu, sắc thuế chính vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định.

Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt gần 98 nghìn tỷ đồng, bằng 58,1% dự toán, với mức tăng trưởng tốt 10,9% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 119,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52% và tăng 0,8%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 171,3 nghìn tỷ đồng, bằng 54,8% và tương đương cùng kỳ năm trước.

Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết ước đạt 24,5 nghìn tỷ đồng, bằng 65,1% dự toán. Thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhận sau thuế, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước 6 tháng ước đạt 84,1% dự toán, tăng 73,9%...

Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,2 tỷ USD

Về thực hiện thu nội địa trên địa bàn các địa phương, ước tính đến hết tháng 6, có 30 địa phương thu nội địa đạt trên 50% dự toán, trong đó 14 địa phương đạt trên 55% dự toán; 9 địa phương thu cao hơn cùng kỳ; 54 địa phương tiến độ thu dự toán đạt thấp hơn so cùng kỳ.

Bên cạnh đó, thu từ dầu thô tháng 6 đạt 4,5 nghìn tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 30,6 nghìn tỷ đồng, bằng 72,9% dự toán năm và giảm 15%.

Về thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu, tháng 6 thu đạt 18,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 126,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,9% dự toán năm và vẫn giữ đà giảm 20,6%.

Theo ghi nhận, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với lạm phát và việc suy thoái kinh tế ở hầu hết các quốc gia khiến nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm, đặc biệt tại những thị trường chủ lực, sẽ tác động bất lợi đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam.

Điều này gây thách thức đến việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu do ngành hải quan quản lý.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm sâu hơn ở mức 18,2%. Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 vẫn duy trì xuất siêu 12,25 tỷ USD.

Hoa Kỳ tiếp tục thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 50,1 tỷ USD.

Về tình hình xuất nhập khẩu sang một số thị trường chủ lực, thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 37,2 tỷ USD giảm 24,9% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 14,5 tỷ USD, giảm 9,8%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,2 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,7 tỷ USD).

Ở chiều ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc 24,5 tỷ USD, giảm 30,9%; nhập siêu từ Hàn Quốc 13,4 tỷ USD, giảm 34,8%; nhập siêu từ ASEAN 4 tỷ USD, giảm 39,1%.

Về chi ngân sách nhà nước, tổng chi ngân sách nhà nước tháng 6 ước đạt 155,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 804,6 nghìn tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán năm và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, chi thường xuyên đạt 537,4 nghìn tỷ đồng, bằng 45,8% và tăng 5,5%; chi đầu tư phát triển 215,6 nghìn tỷ đồng, bằng 29,7% và tăng 43,3%; chi trả nợ lãi 51 nghìn tỷ đồng, bằng 49,5% và giảm 0,8%.

Thu ngân sách nhà nước đang trong xu hướng sụt giảm vì bối cảnh khó khăn

Dù hiện nguồn thu ngân sách nhà nước đang trong xu hướng sụt giảm vì bối cảnh khó khăn, nhất là khi thực hiện miễn, giãn, hoãn các khoản thu, phát huy vai trò của chính sách tài khóa, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động tham mưu, đề xuất ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để cùng với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 là 1.620,7 nghìn tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu trên là hết sức khó khăn, do đó, Bộ Tài chính bám sát nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước ngay từ đầu năm để chỉ đạo toàn ngành tập trung triển khai các giải pháp, chính sách đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước; đồng thời, trợ lực cho nền kinh tế.

Từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính sẽ bám sát tình hình thực tế, điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chính sách về thu ngân sách nhà nước phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương bám sát tình hình quốc tế, khu vực, trong nước phát sinh, để chủ động phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án điều hành, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả.

Về nhiệm vụ thu ngân sách, Bộ Tài chính quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước; phấn đấu thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định, bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Đồng thời, ngành tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu ngân sách nhà nước; tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, xử lý thu vào ngân sách nhà nước các khoản phải thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước.

BTV (Tổng hợp)